Mới nhất Tin nóng Media Magazine Infographic Tin ảnh

Nâng cao ý thức của người lao động trong các doanh nghiệp

10:37, 20/12/2011
Trong xu thế hội nhập và phát triển, vai trò của đội ngũ công nhân, người lao động ngày càng được khẳng định. Tuy nhiên, thực tế cũng đòi hỏi nhiều hơn ở lực lượng lao động, lực lượng sản xuất trong các đơn vị, doanh nghiệp. Một vấn đề tưởng chừng như đơn giản nhưng khiến các công ty, doanh nghiệp, chủ sử dụng lao động dành sự quan tâm lâu nay: đó là ý thức, trách nhiệm của

 

Đến cuối năm 2010, tổng dân số của tỉnh Nghệ An xấp xỉ 3 triệu người, trong đó: số người trong độ tuổi lao động trên 1,8 triệu người. Cùng với quá trình đầu tư phát triển, chuyển dịch cơ cấu kinh tế đúng hướng, tình hình phân bổ, sử dụng lao động đã có chuyển biến theo hướng tích cực. Cơ cấu lao động đang có sự chuyển dịch từ khu vực nông nghiệp - nông thôn sang Công nghiệp, xây dựng. Tỷ trọng lao động Nông - Lâm – Ngư nghiệp giảm từ từ 70% năm 2006 xuống 61% vào năm 2010. Lao động phi nông nghiệp (Công nghiệp - Xây dựng và Dịch vụ) tăng lên trên 600 nghìn người, tương ứng từ gần 30% lên 39%. Cùng với sự phát triển và chuyển dịch cơ cấu kinh tế đúng hướng, sự chuyển biến tích cực trong các ngành, các khu vực kinh tế, đầu tư mở rộng phát triển sản xuất kinh doanh, dịch vụ trên địa bàn. Trong đó, đáng chú ý là việc thu hút được các dự án đầu tư trọng điểm, tăng nhanh số doanh nghiệp nhỏ và vừa, phát triển công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp… đã góp phần tích cực vào việc tạo thêm nhiều chỗ việc làm mới. Bình quân hàng năm, thông qua các chương trình, dự án đầu tư phát triển kinh tế - xã hội trên địa bàn đã giải quyết việc làm trên 11.500 lao động.

 

Tuy nhiên, do hầu hết người lao động (NLĐ) đều xuất thân từ những vùng nông thôn sản xuất nông nghiệp, trình độ thấp, thiếu hiểu biết các quy định của pháp luật nên lối làm việc tự do, tác phong thiếu chuyên nghiệp đã ăn sâu vào mỗi người. Với tỷ lệ lao động đã qua đào tạo chỉ khoảng 33%, Nghệ An là địa phương thiếu nghiêm trọng số lao động có tay nghề và có tác phong công nghiệp.

 

Lĩnh vực chế biến thủy sản là tiêu biểu cho tình trạng này. Với nhu cầu lớn về số lượng lao động dài hạn và thời vụ, nhưng các doanh nghiệp chế biến thủy hải sản vẫn chủ yếu phải chấp nhận tuyển dụng lao động chưa qua đào tạo, sau khi tuyển dụng, doanh nghiệp mới bắt đầu quá trình đào tạo và sàng lọc tại công ty. Chính vì vậy, trường hợp lao động còn mang nặng tư tưởng nhà nông như đi muộn, nghỉ việc tùy tiện, làm việc còn mang tính cục bộ, làm không hết khả năng; việc giữ gìn, bảo quản máy móc chưa tốt. Sau khoảng 1 năm làm việc, những hạn chế này mới dần được khắc phục.

 

Cụ thể như tại Công ty CP thủy sản Vạn Phần Diễn Châu, một doanh nghiệp có uy tín trên lĩnh vực chế biến thủy hải sản, để tạo dựng được thương hiệu như hôm nay, lãnh đạo công ty đã phải dành nhiều công sức, tiền của trong việc đào tạo và xây dựng hệ thống quy định kỷ luật lao động nghiêm ngặt. Bởi theo lãnh đạo công ty, với những đặc thù riêng liên quan đến việc sản xuất thực phẩm như nước mắm, ruốc, cá tẩm gia vị, sứa khô… nếu công nhân cẩu thả, tùy tiện sẽ ảnh hưởng nghiêm trọng đến chất lượng sản phẩm, vấn đề VSTP và thương hiệu bao năm gây dựng của công ty.

 

Với 47 lao động, trong đó, trên 20% đạt trình độ Đại học cao đẳng, trung cấp 8 người, thợ bậc 5, bậc 6 là 15 người. Ngoài trình độ chuyên môn tốt, lao động của công ty hầu hết đều được công ty tuyển chọn kỹ càng về mặt ý thức trách nhiệm và kỷ luật lao động. Bởi trong môi trường công việc với các quy trình, công đoạn chặt chẽ, chỉ có những lao động với thái độ làm việc nghiêm túc, nhiệt tình mới có thể hoàn thành tốt nhiệm vụ, gắn bó sống còn với công ty trong những giai đoạn thành công cũng như gian khó nhất.

 

Thế nhưng, để có được đội ngũ công nhân lành nghề này, công ty cũng phải trải qua nhiều năm đào tạo và rèn dũa. Bắt đầu từ quá trình xây dựng ISO năm 2009, gắn với các quy trình cụ thể, việc xây dựng đội công nhân lao động, hệ thống quản lý, quy định, quy chế cũng được đưa vào khuôn khổ cụ thể, chấm dứt tình trạng làm việc tùy tiện theo kiểu nhà nông như trước đây - Ông Nguyễn Văn Đại, chủ tịch HĐQT-giám đốc Cty CP thủy sản Vạn Phần đánh giá.

 

Có thể nói, người lao động, chất lượng lao động là yếu tố sống còn của doanh nghiệp. Lao động có tay nghề nhưng thiếu ý thức trách nhiệm, tinh thần kỷ luật thì hiệu quả công việc cũng không cao. Chính vì vậy, xây dựng doanh nghiệp luôn gắn với hệ thống quy chế, quy định cụ thể về kỷ luật lao động, trách nhiệm vật chất an toàn lao động và vệ sinh lao động. Thực tế đã chứng minh, ở đâu quản lý tốt lao động, ở đó doanh nghiệp ngày càng phát triển. Đó cũng là bài học kinh nghiệm trong quá trình xây dựng và phát triển của Công ty CP Khí công nghiệp Nghệ An.

 

Trải qua hơn 30 năm thành lập, trưởng thành từ nhà máy Oxi Vinh đến Công ty CP khí công nghiệp Nghệ An, từ thời kỳ gian khó, nợ nần, công nhân hàng loạt nghỉ việc, cho đến hôm nay với 3 nhà máy sản xuất, chiết nạp ở Thanh Hóa, thành phố Vinh và Huế. Từ công suất 16m3/h cho đến nay là 600m3/h. Vực dậy từ một nhà máy đổ nát, bài học thành công của ban giám đốc, hội đồng quản trị chính là: ưu tiên số một cho công nhân, cho những người trực tiếp lao động. Dù thuận lợi hay khó khăn, lương công nhân vẫn được giải quyết đầy đủ, đúng thời gian quy định. Nhưng ngược lại, công ty cũng yêu cầu cao đối với lực lượng công nhân lao động. Đó là tinh thần kỷ luật nghiêm ngặt về thời gian, quy trình, thao tác vận hành ở từng bộ phận. Bởi đối với lĩnh vực sản xuất khí công nghiệp đòi hỏi cao ở độ an toàn trong khâu kiểm tra van an toàn của bình chứa, bốc xếp, cất giữ bình khí tránh các các chất gây cháy… Với các nội quy cụ thể, xử lý vi phạm nghiêm khắc, lao động đã quen với nếp làm việc khoa học và công nghiệp, đảm bảo công tác phòng chống cháy nổ và an toàn VSLĐ. Từ ý thức tốt của người công nhân, không có những hiện tượng gây rối, phá hoại, từ sự gắn bó đồng lòng của người lao động và chủ doanh nghiệp nên các phân xưởng có điều kiện khai thác cao công suất thiết bị, tăng sản phẩm phục vụ khách hàng mỗi năm trên 20%.

 

Xây dựng là một trong những ngành công nghiệp lớn trên thế giới có họat động bao trùm hầu hết các lĩnh vực khác. Mặc dù đã được cơ khí hóa, ngành xây dựng cũng là ngành sử dụng nhiều lao động, chiếm từ 9 – 12%, có khi tới 20% lực lượng lao động. Do đặc thù riêng về tính chất công việc, ngành xây dựng có tỷ lệ tai nạn cao hơn nhiều so với các ngành khác. Chính vì vậy, ý thức kỷ luật của người lao động luôn được các doanh nghiệp đặc biệt quan tâm. Trong thực tế, ở Nghệ An, các doanh nghiệp sản xuất gạch, ngói, xi măng… vẫn chủ yếu tuyển dụng lao động phổ thông, chưa qua đào tạo. Trưởng thành từ các làng quê, vào nhà máy làm việc, không ít nơi vẫn xẩy ra tình trạng gây gổ, nghỉ việc tùy tiện… Nhưng, khác với các địa phương khác trong cả nước, thị trường lao động ở Nghệ An cầu vẫn ít hơn cung, chính vì vậy, lao động ít khi dám nghỉ việc tùy tiện, vi phạm kỉ luật lao động, bởi hầu hết bản thân người lao động vốn rất cần việc làm và các doanh nghiệp cũng đều đã xây dựng hệ thống quy định, nội quy cụ thể, nghiêm ngặt.

 

Có thể nói, thực hiện tốt kỷ luật lao động, tác phong công nghiệp sẽ góp phần hạn chế tai nạn lao động, đem lại hiệu quả công việc cao hơn. Ở đâu kỷ luật lao động nghiêm ở đó ít xẩy ra tình trạng bãi công, tranh chấp… Tuy xuất phát điểm của lao động Nghệ An nói riêng, nước ta nói chung còn thấp, ý thức cũng như trình độ không đồng đều, nhưng nếu các doanh nghiệp làm tốt công tác tuyên truyền, vận động người lao động chấp hành nghiêm các nội quy, quy định đã được thống nhất, doanh nghiệp có chế tài thưởng, phạt rõ ràng, các quy định đề ra phải đúng luật, chặt chẽ nhưng không quá nghiệt ngã, tôn trọng quyền và lợi ích của công nhân thì tin chắc rằng tinh thần trách nhiệm, ý thức kỷ luật của người lao động cũng sẽ dần đi vào nề nếp.

 

(Hoa Mơ)