Mới nhất Tin nóng Media Magazine Infographic Tin ảnh

Nghĩ về nghề y

13:41, 26/02/2012
Xã hội có hai nghề luôn được tôn vinh, đó là nghề giáo và nghề y, người làm ở hai nghề đó luôn được kính trọng gọi là "thầy". Một nghề là rèn người dạy làm người, một nghề là cứu người. Và người làm nghề y không chỉ học tập để giỏi về chuyên môn mà phải luôn rèn luyện, trau dồi để nâng cao y đức.

 

Nói về y đức, có lẽ chưa ai nêu lên một cách sâu sắc, thiết thực và thấm đẫm lòng nhân ái như Chủ tịch Hồ Chí Minh đã nói: "Phải thương yêu, săn sóc người bệnh như anh em ruột thịt của mình, coi họ đau đớn cũng như mình đau đớn”, “Thầy thuốc phải như mẹ hiền”. Bác Hồ không chỉ nhắc nhở đến trách nhiệm, mà cao quý hơn, thiêng liêng hơn, Bác muốn những người thầy thuốc phải có tình thương yêu người bệnh như những người thân yêu nhất của mình. Vì khi đã có tình thương yêu cao cả ấy, thì việc cứu chữa người bệnh sẽ đạt được những kết quả cao nhất.

 

BS Khoa Hồi sức cấp cứu, BV Hữu nghị đa khoa Nghệ An đang thăm khám bệnh nhân.

 

Nghề y là một nghề hết sức đặc biệt, liên quan trực tiếp đến sinh mạng của con người nên phải được huấn luyện rất lâu, rất kỹ, mà giai đoạn đầu đã phải mất ít nhất 6-8 năm ở trường đại học, sau đó còn phải học thêm 3-4 năm nữa để có thể thành một thầy thuốc có đủ năng lực hành nghề. Khi ra trường, người bác sỹ còn phải trải qua chừng 10 năm kinh nghiệm mới có thể gọi là vững vàng trong nghề nghiệp. Trong huấn luyện, họ phải rèn tập những kỹ năng thật thuần thục, đảm bảo chính xác. Bởi, một lưỡi dao, một mũi kim đều không thể ngẫu hứng tình cờ. Họ cũng phải học cả những thái độ, cử chỉ, cách ứng xử với từng đối tượng… Rồi cả cách ăn mặc, cách nói năng. Bởi xã hội có những đòi hỏi rất cao đối với phẩm chất đạo đức của người thầy thuốc.

 

 Nghề y là một nghề căng thẳng nhất trong các nghề nghiệp trong xã hội, cuộc chiến đấu với bệnh tật không phải lúc nào người thầy thuốc cũng giành chiến thắng, nên các bác sỹ phải luôn trăn trở với từng ca bệnh, miệt mài làm việc với tất cả tâm huyết của mình để đem lại sức khỏe cho người bệnh. Bệnh tật thì luôn luôn biến đổi và không ngừng xuất hiện những bệnh mới, vì vậy người thầy thuốc giỏi phải là người thường xuyên học tập và học tập suốt đời. Giữa cái đúng và cái sai trong y học đôi khi rất mong manh, vì vậy đòi hỏi người thầy thuốc phải có tâm, có tri thức, biết đoàn kết trong đồng nghiệp nhằm phát huy trí tuệ tập thể, biết yêu quí người bệnh hơn bản thân mình thì mới có thể giúp người bệnh vượt qua những khoảnh khắc sinh tử của cuộc sống.

 

Nghề y là nghề rất nhạy cảm, những lời nói, hành vi và cách giao tiếp của thầy thuốc với bệnh nhân khiến cho người bệnh có thể trút đi gánh nặng của bệnh tật hoặc làm tổn thương thêm nỗi khổ của người bệnh. Mối quan hệ giữa thầy thuốc và bệnh nhân là một mối quan hệ đặc biệt. Người bệnh đến với thầy thuốc không phải để tìm kiếm thuốc men hay những thông tin liên quan đến bệnh tật, mà còn mang theo cả những nỗi băn khoăn, lo lắng, sợ hãi… Và như vậy, nhiều khi chỉ cần một câu nói, một cái nhìn, một sự động viên… của người thầy thuốc cũng đủ giải quyết vấn đề của người bệnh, làm người bệnh lạc quan, tin tưởng hơn.

 

 Con người, không ai không có sai sót. Sai sót trong ngành y là không thể tránh khỏi. Tất cả các kỹ thuật điều trị, ngay cả khi thực hiện đúng vẫn có một tỉ lệ biến chứng, tai biến, không lường trước được. Thật ra, người làm việc ở bất cứ lĩnh vực nào, ngành nào cũng đều có thể sai sót và có thể cứu vãn, có thể sữa chữa được. Thế nhưng một sai sót hay biến chứng trong ngành y có thể dẫn đến hậu quả rất nặng nề, vì liên quan trực tiếp đến tính mạng của con người. Vì vậy, không có bác sĩ nào muốn cố ý làm sai hay muốn bệnh nhân của mình bị biến chứng. Họ luôn được dạy và cố gắng học hành để làm đúng và điều trị cho người bệnh.

 

Nghề y là nghề vất vả như vậy, nhưng không phải lúc nào cũng được sự đồng thuận của xã hội. Vì vậy, xã hội cần tôn trọng và đánh giá đúng sự đóng góp của người thầy thuốc để giúp họ sống xứng đáng với vai trò, chức năng mà xã hội đã giao phó.

 

 

(Hiến Chương)