Mới nhất Tin nóng Media Magazine Infographic Tin ảnh

Cán bộ đi cơ sở: Xưa và nay

09:28, 14/03/2012
Bám sát cơ sở để triển khai, đôn đốc, hướng dẫn cấp dưới và người dân thực hiện tốt các nghị quyết, chính sách của Đảng, nhà nước; từ đó đánh giá tổng kết rút kinh nghiệm để đưa ra những chủ trương sát đúng với điều kiện thực tiễn là một khâu quan trọng trong công tác lãnh đạo của cấp ủy, chính quyền, đoàn thể các cấp. Thế nhưng, cái khâu được xem là rất quan trọng này hiện

 

Gọi là ngày xưa, âu cũng không được chính xác cho lắm, bởi mới cách đây trên dưới ba chục năm. Ngày ấy, đường sá khó khăn gấp nhiều lần bây giờ, phương tiện đi lại bằng xe đạp đã là sang. Vậy mà dường như cán bộ cấp trên từ lãnh đạo tới chuyên viên lại về cơ sở nhiều hơn, sâu sát hơn. Hồi ấy nhiều cán bộ về cơ sở, thường gửi tem phiếu, hoặc tiền nhờ gia đình người dân nấu ăn. Lúc rảnh,  họ thường gặp việc gì là làm nấy, từ tưới rau, bổ củi tới cắt tóc, tắm rửa cho trẻ con, cứ như là người thân trong gia đình vậy. Tối đến, cơm nước xong, người thì trò chuyện với bà con bên ấm nước chè xanh, người cùng học bài với trẻ con. Lúc rỗi, có  người vui văn nghệ còn mang đàn ghi ta ra vừa chơi đàn vừa hát, khiến lũ trẻ và nhiều người lớn say như điếu đổ.

 

Có lẽ, chính nhờ sự “ba cùng” với cơ sở và nhân dân như thế, mà cán bộ cấp trên lắng nghe được nhiều hơn những ý kiến của cấp dưới và người dân về thuận lợi khó khăn trong quá trình thực hiện chủ trương, nghị quyết - những tiếng nói chân thực mà nếu chỉ ở phòng họp, không mấy ai  nghe được. Chính vì vậy mà không ít chủ trương, chính sách mới được ban hành, hoặc chính sách đã triển khai được điều chỉnh, tổng kết rút kinh nghiệm kịp thời, sát thực tiễn hơn. Người dân hiểu và tin yêu cán bộ cấp trên, thực hiện  chủ trương, nghị quyết của cấp trên bằng tất cả ý chí và niềm tin thắng lợi.

 

Ngày nay, cán bộ từ lãnh đạo tới chuyên viên cấp trên đi cơ sở về số lần có lẽ không ít, nhưng dường như thời gian bám cơ sở thì ít hơn trước rất nhiều, nhất là ít dành thời gian tiếp xúc với người dân. Việc cán bộ cấp tỉnh, cấp huyện nghỉ lại nhà dân, “3 cùng” với dân lại càng rất hiếm hoi. Tình trạng phổ biến là lãnh đạo cấp trên về cơ sở thường đã có lịch hẹn trước. Sau khi nghe chủ trì cơ sở báo cáo những nội dung theo yêu cầu, nghe ý kiến của các chuyên viên đi cùng, lãnh đạo thường kết luận theo công thức “ba khen, hai phê và một số vấn đề cần lưu ý”. Có tình trạng cán bộ cấp tỉnh về làm việc với lãnh đạo cấp huyện thường nêu câu hỏi: Phải làm thế nào để chuyển dịch cơ cấu kinh tế? Phải trồng cây gì, nuôi con gì cho phù hợp với đất đai, khí hậu địa phương để cho hiệu quả kinh tế  cao?  Và phải làm sao để từ nay tới cuối nhiệm kỳ giảm được tỷ lệ hộ nghèo?... Rồi cán bộ cấp huyện về xã cũng hỏi lại cán bộ xã những câu ấy. Đến lượt cán bộ xã về họp khối xóm lại cũng hỏi dân y nguyên những câu như thế- Những câu hỏi mà đúng ra người dân một nắng hai sương cần, rất cần nhận được câu trả lời thỏa đáng từ lãnh đạo các cấp.

 

Cán bộ thời nay đi cơ sở thật khác xưa. Có lãnh đạo cấp trên, ngay khi vừa về cơ sở đã nói ngay là cố gắng kết thúc làm việc sớm, để chiều còn trận cầu lông, tenit với mấy chiến hữu ở huyện. Vậy là thay vì cuộc liên hoan với đầy đủ các thành phần của địa phương đón tiếp cấp trên, lãnh đạo xã đã mau chuẩn bị mấy cái phong bì để “Gửi các anh chút tiền xăng xe gọi là”. Một cuộc làm việc mà chỉ nghe qua báo cáo và một số ý kiến tại phòng họp, lãnh đạo cấp trên đã cho ngay giải pháp thì chỉ có 2 trường hợp xảy ra: Một là lãnh đạo cấp trên ấy giỏi không kém gì Tôn Ngộ Không - cái gì cũng biết; hai là giải pháp chung chung, cơ sở không biết đường nào mà thực hiện. Rồi những báo cáo từ các cuộc họp, làm việc ở cấp xã được huyện tập hợp để báo cáo lên tỉnh; cấp tỉnh tổng hợp báo cáo trung ương. Trong tình trạng bệnh thành tích đã ở mức trầm kha trong nhiều lĩnh vực như hiện nay, thì độ xác thực của các báo cáo, tính khả thi của các chủ trương, nghị quyết như thế nào đối với thực tiễn chắc ai cũng biết được!? Và bi kịch của bệnh quan liêu, xa dân như vụ Tiên Lãng chắc sẽ không  chỉ là cá biệt ở Hải Phòng.

 

Có thể khẳng định những cán bộ về làm việc với cơ sở một cách quan liêu, thiếu hiệu quả, gây lãng phí tiền của nhà nước, làm giảm lòng tin của nhân dân là không nằm ngoài “bộ phận không nhỏ” mà Nghị quyết Hội nghị Trung ương 4 (khóa 11) về “Một số vấn đề cấp bách về xây dựng Đảng hiện nay” đánh giá. Vì vậy, việc nâng cao trách nhiệm, tâm huyết của cán bộ khi về chỉ đạo cơ sở, gần gũi với nhân dân, hướng dẫn động viên cơ sở thực hiện có hiệu quả các chủ trương, chính sách nhằm phát triển kinh tế xã hội, nâng cao đời sống nhân dân là một việc làm không nhỏ và cần được chú trọng trong thực hiện Nghị quyết TW 4 (khóa XI) của Đảng.


(Nguyễn Mai Linh)