Những kỳ vọng từ triển khai thực hiện NQ TƯ4 (Khóa XI)
Với phương châm nhìn thẳng vào sự thật, đánh giá đúng sự thật, NQ TƯ4 đã nêu đưa ra 4 nhóm giải pháp về tự phê bình và phê bình, nhóm giải pháp về tổ chức cán bộ, sinh hoạt đảng, nhóm giải pháp về cơ chế chính sách, về công tác giáo dục chính trị tư tưởng. Trăn trở về các nhóm giải pháp này, dư luận người dân bày tỏ sự đồng tình cao, các nhóm giải pháp là đồng bộ không thể tách rời nhưng quan trọng nhất vẫn là tự phê bình và phê bình.
PV truyenhinhnghean.vn đã ghi lại một số ý kiến của các đảng viên lão thành về vấn đề “Tự phê bình và phê bình” theo tinh thần NQTƯ 4 (Khóa XI)
Ông Hoàng Sỹ Tường: Phải kiên quyết thực hiện phê và tự phê!
Ông Hoàng Sỹ Tường - Đảng viên chi bộ khối 17, phường Hà Huy Tập, thành phố Vinh cho rằng: Quan trọng nhất trong công tác xây dựng Đảng chính là tự phê bình và phê bình. Làm tốt điều này thì mới mong chỉnh đốn Đảng, giúp Đảng tồn tại và phát triển như đồng chí Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng gần đây đã nhắc lại đó là “Phê bình giống như ta rửa mặt hàng ngày”. Chính vì vậy, giải pháp quan trọng nhất theo tôi cần phải làm kiên quyết, đầu tiên chính là tự phê bình và phê bình”.
Ông Nguyễn Xuân Hòe: “Đầu xuôi, đuôi lọt”
Ông Nguyễn Xuân Hòe – Đảng viên chi bộ khối Nam Cường, phường Quang Phong, TX Thái Hòa bày tỏ sự đồng tình: Tôi phấn khởi nhất đó là Trung ương nói làm từ trên xuống dưới. Bởi có làm được trên rồi, ở trên cơ bản tốt rồi thì chắc chắn dưới sẽ trôi lọt. Như những lần trước đây, các Nghị quyết củng cố Đảng, xây dựng Đảng đều làm từ dưới làm lên thì vẫn thường xẩy ra tình trạng bao che, dấu giếm cho nhau, làm cho xong, phê bình chiếu lệ. Bây giờ trên đã làm nghiêm rồi thì chắc chắn dưới cũng sẽ làm nghiêm, sẽ đấu tranh ra trò”.
Ông Trần Quốc Ban: Cần những lời nói thẳng, nói thật!
Ông Trần Quốc Ban - nguyên PCT UBND tỉnh Hà Tĩnh thẳng thắn đưa ra quan điểm: Bộ chính trị, ban Bí thư, Ban chấp hành Trung ương Đảng làm trước, rồi đến cấp tỉnh. Đã làm là phải làm nghiêm, làm cho dân tin. Muốn cho dân tin thì phải công khai rõ ràng những việc làm được cho dân biết. Ngoài ra theo ý kiến cá nhân tôi, trước khi tiến hành tự phê bình và phê bình, phải lấy ý kiến của nhân dân đóng góp cho BCH, ban thường vụ, rồi đưa ý kiến đó vào mà kiểm điểm. Ngoài ý kiến của nhân dân, ý kiến của các đồng chí lãnh đạo đồng cấp đã nghỉ hưu (ví dụ các đồng chí thường vụ các khóa trước góp ý với thường vụ hiện nay) cũng đặc biệt quan trọng. Bởi họ đã làm việc ở những vị trí đó, họ hiểu rõ nhất và chỉ có họ mới dám nói thẳng, nói thật. Bây giờ kiểm điểm mà các đồng chí đương chức ngồi với nhau thì cũng rất khó nói”.
Ông Trương Công Anh: Dân chấm điểm cán bộ.
Ông Trương Công Anh - nguyên trưởng ban Tuyên giáo tỉnh ủy Nghệ An: “Theo tôi, thứ nhất, muốn tự phê bình và phê bình tốt, trước hết phải thức tỉnh được tấm lòng yêu nước, thương dân của mỗi đảng viên. Đó là điều đầu tiên. Bởi nếu không có lòng yêu nước, thương dân thì dù có kiểm điểm cũng chẳng đạt yêu cầu. Từ những đảng viên bình thường cho đến đảng viên giữ các chức vụ quan trọng trong Đảng đều phải thức tỉnh được điều đó.
Thứ hai, lấy thông tin ở đâu mà kiểm điểm? Đó chính là thông tin từ quần chúng nhân dân, đặc biệt là những đảng viên giữ các cương vị lãnh đạo, quản lý các cấp ở các thời kỳ đã nghỉ hưu. Nhưng để lấy được thông tin từ nhân dân không hề đơn giản. Tôi xem trên truyền hình Việt Nam thấy ở Quận 1, TP Hồ Chí Minh người ta đang thực hiện mô hình “dân cho điểm cán bộ”. Ở đây, dân không phải chỉ dừng lại ở những người dân bình thường mà ngay trong một cơ quan thì người lao động, cán bộ công nhân viên cho điểm, đánh giá cấp trưởng, phó phòng; thủ trưởng, phó thủ trưởng cơ quan; và cả chánh, phó giám đốc Sở. Nếu không đạt đủ số điểm quy định thì sẽ tiến hành bãi miễn chức vụ. Theo tôi, đó cũng là một cách làm hay, còn bây giờ bỏ phiếu tín nhiệm, hoặc phát biểu ý kiến đóng góp chỉ là hình thức và không hiệu quả thực sự”.
Kiểm điểm, tự phê bình và phê bình là việc làm không dễ. Nhiều ý kiến của các đảng viên lão thành lo ngại rằng hoặc làm qua loa, né tránh, hoặc không khéo sẽ dẫn đến việc lợi dụng kiểm điểm, phê bình để đấu đá, hạ bệ hoặc ca tụng nhau. Những biểu hiện ấy không chỉ đi trái với tinh thần Nghị quyết, mà còn là mầm mống gây mất đoàn kết nội bộ và làm suy yếu Đảng. Để kiểm điểm thành công, không chỉ đòi hỏi tinh thần trách nhiệm của từng cấp ủy, tổ chức đảng và mỗi đảng viên mà còn phải huy động sự tham gia, góp ý của đảng viên và quần chúng nhân dân.
(Hoa Mơ ghi)