Mới nhất Tin nóng Media Magazine Infographic Tin ảnh

Thí điểm nhất thể hóa – Nhìn từ thực tiễn

15:17, 07/05/2012
Nhất thể hoá Bí thư Đảng ủy đồng thời là Chủ tịch UBND cấp xã - phường - thị trấn là mô hình đang được thí điểm tại nhiều tỉnh, thành trong cả nước. Nghệ An cũng là một trong những địa phương sớm triển khai mô hình này. Đến nay, sau hơn 2 năm thực hiện, bộ máy quản lý nhà nước tại nơi gần dân, hiểu dân nhất đã có những thay đổi đáng kể. Tuy nhiên, thực tiễn cũng nảy sinh

 

  
Một kỳ sinh hoạt chi bộ ở Môn Sơn, Con Cuông  

Tháng 1 năm 2009, ông Nguyễn Văn Ngọc - Chủ tịch UBND xã Thanh Phong, huyện Thanh Chương, vinh dự là một trong 5 bí thư - chủ tịch xã đầu tiên của tỉnh Nghệ An. Thời điểm này, mặc dù chưa có chủ trương nhất thể hóa của Bộ chính trị, nhưng do yêu cầu của công tác tổ chức, cán bộ, việc bố trí bí thư cấp uỷ đồng thời là chủ tịch UBND đã được BTV tỉnh ủy tổ chức thực hiện tại 5 xã gồm: Tà Cạ (Kỳ Sơn), Thị trấn Kim Sơn (Quế Phong), Thanh Phong (Thanh Chương), Tân Hợp (Tân Kỳ) và Yên Tĩnh (Tương Dương). 

 

Sau 3 năm thực hiện nhiệm vụ kép, từ chỗ người dân và cán bộ còn nhiều hoài nghi về mức độ hoàn thành nhiệm vụ của ông bí thư đồng thời là chủ tịch, thì nay công việc đã đi vào nề nếp. Từ chủ trương cho đến kế hoạch thực hiện đã được triển khai trôi chảy và hiệu quả hơn rất nhiều.

 

Cách làm của ông Ngọc ngay sau khi được bầu giữ chức vụ mới, đó là tiến hành bổ sung quy chế làm việc của cấp ủy, bổ sung thêm quy định về chức năng nhiệm vụ của bí thư Đảng ủy đồng thời chủ tịch UBND; phân công rõ nhiệm vụ của cấp phó; đồng thời có lịch làm việc rõ ràng đảm bảo sự thống nhất, tránh chồng chéo trong công tác hàng tháng của cấp ủy và chính quyền, giúp cán bộ dễ theo dõi và thực hiện. Giữ cương vị chủ trì ở một xã miền núi nghèo, duy trì tác phong làm việc khoa học, tạo được lòng tin, sự đồng thuận của cán bộ và quần chúng nhân dân không phải là dễ. Bởi đã từng có nhiều ý kiến cho rằng: quyền lực tập trung vào một người sẽ dễ nảy sinh độc đoán, chuyên quyền.

 

Thực tế cho thấy, sự thành công của mô hình nhất thể hóa phụ thuộc gần như hoàn toàn vào trình độ, năng lực, phẩm chất đạo đức của người đứng đầu. Nếu người đứng đầu có những cách điều hành khoa học, hợp lý, mới phát huy được hiệu quả thực sự.

 

Những cuốn sổ theo dõi việc làm của cán bộ là một sáng kiến khá hiệu quả của ông Lê Văn Thương, bí thư đảng ủy – chủ tịch UBND xã Hưng Hòa, thành phố Vinh. Mỗi sáng thứ 2, tại cuộc họp giao ban đảng ủy, UBND xã, đích thân ông cẩn thận ghi từng dòng về công việc được giao trong tuần của mỗi chức danh. Đồng thời, kiểm tra lại mức độ hoàn thành nhiệm vụ của cán bộ trong tuần trước. Sổ theo dõi giúp ông quản lý được cán bộ qua đầu việc và mức độ hoàn thành nhiệm vụ của từng người. Theo ông, mặc dù đã có thâm niên 2 nhiệm kỳ là chủ tịch UBND xã, 1 nhiệm kỳ là bí thư đảng ủy, nhưng gánh một lúc hai vai đòi hỏi ông phải có cách làm việc khoa học hơn mới hoàn thành được nhiệm vụ.

 

Từ 5 xã điểm ban đầu thực hiện vào tháng 1/2009, đến nay, Nghệ An đã có 19 xã, phường thực hiện nhất thể hóa chức danh bí thư và chủ tịch. Qua 3 năm triển khai đã cho thấy những kết quả khá rõ ràng trong công tác lãnh đạo, chỉ đạo. Đó là tính nhất quán giữa lãnh đạo của cấp ủy đảng và quản lý điều hành của chính quyền; phát huy tính năng động sáng tạo, dám nghĩ dám làm, dám chịu trách nhiệm của người đứng đầu; hạn chế sự trì trệ, đùn đẩy trách nhiệm, từ đó giải quyết công việc nhanh chóng, hiệu quả hơn… được người dân tin tưởng và ủng hộ.

 

Tuy nhiên, việc nhất thể hóa là một vấn đề mới, chưa được quy định trong Điều lệ Đảng, Luật tổ chức HĐND và UBND, cũng như chưa có các quy định, hướng dẫn về trách nhiệm, quyền hạn, nhiệm vụ của đồng chí bí thư đồng thời là chủ tịch. Chính vì vậy, mỗi xã tự sáng tạo các quy định riêng trên cơ sở gộp quy chế làm việc của đồng chí bí thư và ông chủ tịch vào làm một. Vừa làm vừa học, vừa làm vừa sửa, nhưng cũng có những điều lúng túng mà xã không thể tự khắc phục được.

    

Những cuộc họp đã được đổi mới: nhanh, gọn và hiệu quả hơn. Mỗi tháng, xã chỉ tổ chức một lần cuộc họp dân chính với đầy đủ các thành phần, bàn về nhiều nội dung. Còn nữa chỉ là những cuộc hội ý ngắn của một số bộ phận liên quan đến từng công việc cụ thể. Với cách điều hành này, mỗi tháng ở xã cũng giảm được vài ba cuộc họp. Thế nhưng, áp lực họp hành không vì vậy mà giảm bớt. Ở xóm, ở huyện, thậm chí ở tỉnh, khi thì mời họp với cương vị bí thư, khi với cương vị chủ tịch, thành ra thời gian dành cho họp hành thực sự vẫn tăng lên.

 

Tiêu chí để lựa chọn xã điểm triển khai mô hình nhất thể hóa chính là có thuận lợi về đội ngũ cán bộ, đặc biệt là năng lực người đứng đầu, tập thể đoàn kết, nhân dân đồng thuận. Thế nhưng, qua thực tế triển khai cho thấy, nhiều xã, phường đã nhất thể hóa trong tình cảnh bất đắc dĩ.

 

Cụ thể như thị xã Thái Hòa là một đơn vị hành chính mới ra đời vào năm 2008. Lựa chọn một xã điểm theo yêu cầu của BTV Tỉnh ủy cũng rất khó khăn, khi bộ máy lãnh đạo xã, phường vừa được kiện toàn lại. Thị ủy đã quyết định lựa chọn xã Nghĩa Tiến bởi thời điểm đó, đồng chí bí thư xã đang mắc bệnh hiểm nghèo, không thể tiếp tục nhiệm vụ được giao.

 

Cùng hoàn cảnh như Nghĩa Tiến, phường Long Sơn cũng bất đắc dĩ trở thành xã thực hiện nhất thể hóa. Ông Trần Đình Châu đã làm bí thư hai nhiệm kỳ, vì thiếu cán bộ mà vẫn phải nhận nhiệm vụ mới khi tuổi đã 57. Mặc dù theo quy định, cấp phường được bố trí 2 Phó chủ tịch nhưng cũng vì thiếu cán bộ mà vị trí này vẫn còn để trống. Trong khi Long Sơn là phường có 4 thành phần dân tộc cùng sinh sống, đang thi công nhiều công trình trung tâm của thị xã. Công việc nhiều, đội ngũ giúp việc ít, ông Châu dù mới kiêm nhiệm được 9 tháng nhưng đã thấy quá mệt mỏi.

 

Đồng chí bí thư đồng thời là chủ tịch UBND sẽ có thực quyền hơn, bao quát, linh hoạt hơn. Có tác dụng nâng cao năng lực lãnh đạo, quản lý, điều hành của bí thư cấp ủy đồng thời là chủ tịch UBND, thường trực cấp ủy, UBND và các cơ quan tham mưu, giúp việc. Khắc phục được tình trạng mất đoàn kết giữa người đứng đầu cấp ủy với người đứng đầu chính quyền. Nhưng ngược lại áp lực công việc cũng rất lớn. Để hoàn thành nhiệm vụ, ngoài năng lực, trình độ của bản thân, đòi hỏi sự giúp việc hiệu quả của đội ngũ cấp phó như Phó bí thư đảng ủy, Phó chủ tịch UBND và trình độ của tập thể cán bộ công chức. Trong khi đó, một thực trạng hiện nay, đội ngũ này về cơ bản vẫn còn thiếu cả về lượng và chất. Đó là lý do chủ yếu khiến một số địa phương phải từ bỏ việc  nhất thể hóa.

 

Vẫn còn khá nhiều trăn trở xung quanh mô hình nhất thể hóa bí thư kiêm chủ tịch. Đây là một chủ trương mới rất quan trọng trong tiến trình đổi mới phương thức lãnh đạo của Đảng, hoạt động quản lý của chính quyền, liên quan trực tiếp đến quyền dân chủ của nhân dân... Nhưng để nhân rộng mô hình vẫn rất cần thêm thời gian và bước đi phù hợp.

 

(Hoa Mơ)