Mới nhất Tin nóng Media Magazine Infographic Tin ảnh

Con Cuông tăng cường xây dựng khối đại đoàn kết dân tộc

14:05, 28/08/2012
Con Cuông hiện có 6 dân tộc anh em cùng sinh sống đó là Thái, Kinh, Đan Lai, Mường, Khơ Mú và Nùng. Mặc dù cuộc sống còn nhiều khó khăn nhưng nhân dân các dân tộc anh em trên địa bàn vẫn phát huy tinh thần đoàn kết, tin tưởng vào sự lãnh đạo của Đảng, nhà nước, chung sức đồng lòng xây dựng bản làng, quê hương ngày một no ấm, văn minh. Có được kết quả đó là nhờ Đảng bộ, các

 

Cuộc vận động “ Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa khu dân cư” là minh chứng thể hiện rõ tinh thần đoàn kết của nhân dân các dân tộc huyện Con Cuông. Tính đến năm 2011, toàn huyện có trên 9.000 hộ đạt danh hiệu gia đình văn hóa, 73 đơn vị, làng bản đạt danh hiệu văn hóa. Hàng năm nhân ngày thành lập Mặt trận dân tộc thống nhất Việt Nam, MTTQ huyện đã chỉ đạo và phối hợp cùng ban mặt trận các thôn bản trên toàn huyện tổ chức ngày hội đại đoàn kết toàn dân tộc. Ngày hội được cán bộ, nhân dân các dân tộc trên địa bàn tham gia hưởng ứng tích cực, thông qua đó đã góp phần tăng cường sức mạnh của khối đại đoàn kết toàn dân, khơi dậy và gìn giữ những giá trị văn hóa tốt đẹp của dân tộc.

 

Bản Khe Rạn, xã Bồng Khê là một trong những thôn bản tiêu biểu của huyện Con Cuông trong thực hiện phong trào “xây dựng đời sống văn hóa khu dân cư”. Nằm ở tả ngạn dòng sông Lam với 100% là đồng bào dân tộc Thái, bản khe Rạn đã 14 năm liền đạt danh hiệu làng văn hóa tiêu biểu cấp huyện, vinh dự được nhận bằng khen của UBND tỉnh về thành tích 10 năm liên tục đạt danh hiệu làng văn hóa tiêu biểu. Với đức tính cần cù, chịu khó, người dân bản Khe Rạn luôn phát huy tinh thần đoàn kết cùng xây dựng bản làng ngày một giàu mạnh, đi lên. Hiện tại, số hộ giàu của bản chiếm 16,9%, số hộ khá chiếm 30,5% số hộ nghèo còn chiếm 28,6%. Bản  được chia thành 5 cụm dân cư với 109 hộ đạt danh hiệu gia đình văn hóa, có 12 gia đình văn hóa tiêu biểu.

 

Thực hiện chương trình an sinh xã hội, trong những năm qua từ nguồn “Quỹ vì người nghèo”, huyện Con Cuông đã có nhiều hoạt động mang ý nghĩa nhân văn sâu rộng như: hỗ trợ người nghèo sản xuất chăn nuôi; thăm hỏi tặng quà các gia đình chính sách có hoàn cảnh khó khăn nhân các ngày lễ, tết và đặc biệt là chương trình hỗ trợ làm nhà đại đoàn kết. Chương trình không chỉ giúp người nghèo thoát cảnh nhà tạm bợ, mà hơn hết đó còn như một nhịp cầu khơi nguồn sức mạnh đoàn kết, khuyến khích người nghèo biết vượt lên khó khăn, tập trung lao động sản xuất ổn định đời sống. Mỗi một ngôi nhà đại đoàn kết là một mái ấmthể hiện tinh thần “tương thân tương ái”, “lá lành đùm lá rách” của cộng đồng xã hội dành cho những gia đình nghèo có hoàn cảnh khó khăn.  Mái ấm đó không chỉ đem lại niềm vui cho các gia đình mà còn thắp sáng những niềm tin của nhân dân, của bà con các dân tộc huyện Con Cuông vào Đảng, Nhà nước, niềm tin vào cuộc sống, vào tương lai tốt đẹp đang ở phía trước.

 

Một buổi sinh hoạt cộng đồng của bà con các dân tộc Con Cuông

 

Là xã biên giới nằm cách trung tâm thị trấn huyện hơn 20km, Môn Sơn có 35km đường biên chung với nước bạn Lào. Bởi vậy, việc xây dựng củng cố và tăng cường khối đại đoàn kết là nhiệm vụ luôn được chính quyến xã quan tâm, chú trọng, góp phần vào thực hiện thắng lợi  nhiệm vụ bảo vệ an ninh biên giới cũng như phát triển kinh tế - xã hội địa phương. Nhờ phát huy sức mạnh nội lực, đoàn kết trong nhân dân cùng với các chính sách quan tâm đầu tư của Nhà nước, trong những năm qua đời sống  nhân dân các dân tộc xã Môn Sơn từng bước ổn định, nâng cao.  Phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hoá” được nhân dân đồng tình ủng hộ. Xã có 7/12 làng bản đạt danh hiệu làng văn hoá cấp huyện, 1.548 hộ đạt gia đình văn hoá. Công tác xã hội hoá giáo dục, y tế, vệ sinh môi trường, các phong trào văn nghệ, thể dục thể thao phát triển sôi nổi khắp các thôn bản.

 

Một trong những hoạt động thể hiện tinh thần đoàn kết trong các tầng lớp nhân dân xã Môn Sơn đó là các hoạt động hỗ trợ, giúp đỡ các hộ dân tái định cư  Đan Lai trong sản xuất, chăn nuôi. Các tổ chức đoàn thể của xã như Hội phụ nữ, Hội nông dân, đã đứng ra vận động hội viên ở các thôn bản quyên góp gạo, phân chuồng giúp các hộ dân Đan Lai ở hai bản tái định cư  Tân Sơn và Cửa Rào. Đồng thời, phối hợp với  các đoàn cán bộ của huyện, MTTQ và các tổ chức đoàn thể của xã đã chung tay cùng hướng dẫn cho người dân Đan Lai cách sản xuất lúa nước, cách trồng các cây hoa màu như ngô, vừng. Giờ đây, chuyện người Đan Lai biết trồng lúa nước, biết làm giàu từ trồng rừng, chăn nuôi không còn là chuyện lạ, họ đã xóa bỏ được tính trông chờ ỷ lại, biết cần cù lao động để cùng hòa nhập ổn định cuộc sống.

 

Phát huy tinh thần đoàn kết, các tầng lớp nhân dân ở khu dân cư đã giúp nhau phát triển kinh tế, tích cực tham gia xóa đói giảm nghèo, làm giàu chính đáng. Điển hình là các hình thức giúp nhau về vốn, giống cây, giống con; thành lập các tổ nhóm, câu lạc bộ phụ nữ tiết kiệm giúp nhau làm kinh tế gia đình;  phong trào thanh niên lập thân lập nghiệp; phong trào nông dân sản xuất giỏi hay phong trào cựu chiến binh xóa đói giảm nghèo… Từ các phong trào này xuất hiện ngày càng nhiều mô hinh kinh tế tập thể, cá nhân tiêu biểu trên các lĩnh vực chăn nuôi, trang trại kết hợp, kinh doanh dịch vụ… Cũng qua phong trào đã xuất hiện nhiều cách làm hay, thiết thực của các tổ chức đoàn thể trong đó tiêu biểu là hoạt động thành lập các tổ tín dụng, tổ tiết kiệm giúp nhau phát triển kinh tế của Hội LHPN huyện.

 

Hiện nay, trên địa bàn huyện Con Cuông đang duy trì hoạt động 512 tổ tín dụng tiết kiệm của phụ nữ với trên 5.900 thành viên, số dư nợ các cấp hội đang quản lý là trên 89 tỷ đồng/ 6.313 hộ vay vốn. Trong 6 tháng đầu năm quyên góp được 162.000.000 đồng cho 403 lượt hội viên vay, phát triển mới là 5 phường với 50 thành viên nâng tổng số lên 240 nhóm phường hội với 3.502 hội viên tham gia. Ngoài ra, các hoạt động từ thiện, nhân đạo cũng được quan tâm, đẩy mạnh: góp được 23,3 tấn gạo, 13,3 tấn củi, gần 75 triệu đồng tiền mặt, 302 ngày công giúp cho các gia đình hội viên có hoàn cảnh khó khăn. Nhờ đó chị em phụ nữ giúp nhau vượt khó vươn lên trong lao động sản xuất, không ngừng học hỏi, tìm tòi và ứng dụng khoa học kỹ thuật vào trồng trọt, chăn nuôi, để có điều kiện kinh tế tốt hơn, phấn đấu xây dựng gia đình no ấm, hạnh phúc.

 

Trong thời gian qua, MTTQ huyện Con Cuông còn đi tiên phong trong cuộc vận động đoàn kết lương giáo. Mặc dù, trên địa bàn huyện số giáo dân không nhiều và trong thời gian qua một số giáo dân đã có những hành động không đúng, thế nhưng MTTQ huyện đã vào cuộc tích cực thực hiện công tác vận động, tuyên truyền đồng bào các dân tộc và giáo dân thực hiện cuộc vận động sống tốt đời đẹp đạo. Đặc biệt, trong phong trào toàn dân bảo vệ an ninh Tổ Quốc, MTTQ huyện đã có cách làm hay có hiệu quả như: chọn các khu dân cư làm điểm; tổ chức cho các hộ gia đình kí cam kết phòng chống tội phạm, phòng chống tệ nạn xã hội; mở các hòm thư tố giác tội phạm…  Bà Tăng Thị Thúy - Phó Chủ tịch MTTQ huyện Con Cuông cho biết: Trong những năm qua, MTTQ huyện đã xác định, tăng cường phát huy khối đại đoàn kết toàn dân tộc của nhân dân và đồng bào các dân tộc trên địa bàn có ý nghĩa quan trọng, không những tăng cường khối đại đoàn kết mà còn góp phần bảo vệ an ninh, phát triển kinh tế xã hội… Do vậy, MTTQ đã phối hợp với các tổ chức thành viên triển khai lồng ghép cuộc vận động đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa khu dân cư với các phong trào khác, đem lại hiệu quả thiết thực.

 

Hiện nay, cùng với cả nước nhân dân anh em các dân tộc huyện Con Cuông đang thi đua thực hiện chương trình mục tiêu quốc gia về xây dựng nông thôn mới. Hơn bao giờ hết tinh thần đoàn kết, ý thức tự giác của bà con lại được khơi dậy và phát huy mạnh mẽ. Đến nay, nhân dân các thôn bản huyện Con Cuông đã hiến trên 66 m2 đất để làm đường nội thôn, nội bản; mở rộng nâng cấp trên 28,9km; san lấp mặt đường 18.200 ; giải phóng công trình phúc lợi công cộng 7.800m2. Ông Vi Xuân Giáp - Tỉnh ủy viên, Bí thư huyện ủy Con Cuông cho biết thêm: Con Cuông là huyện có nhiều đồng bào các dân tộc như Thái, Kinh, tày, Nùng và một số dân tộc thiểu số khác, là địa bàn có nhiều đồng bào từ các tỉnh đến làm ăn, sinh sống và một số đồng bào Việt kiều hồi hương từ những năm 60. Từ đó, huyện xác định đẩy mạnh khối đại đoàn kết toàn dân tộc để phát triển kinh tế, ổn định an ninh chính trị. Đây cũng là chủ trương được khẳng định trong NQ đại hội Đảng bộ huyện khó XXV. Trong văn kiện cấp ủy chỉ rõ các giải pháp…

 

Diện mạo của huyện miền núi Con Cuông đang từng ngày khởi sắc đi lên, đời sống vật chất tinh thần của người dân được nâng cao. Đây là thành quả của sức mạnh khối đại đoàn kết trong nhân dân các dân tộc anh em huyện Con Cuông. Đồng thời là nền tảng và tiền đề để Con Cuông thực hiện thắng lợi các nhiệm vụ, mục tiêu Nghị quyết Đại hội Đảng bộ huyện khóa XXV, sớm đưa Con Cuông trở thành trung tâm kinh tế của vùng Tây Nam Nghệ An.

 

(Minh Hạnh)