Đ/c Nguyễn Tiềm – Tấm gương sáng kiên trung, bất khuất
Mùa hè năm 1926, vào tuổi 14, Nguyễn Tiềm rời làng Dương Liễu (nay là xã Nam Trung, Nam Đàn) xuống thị xã Vinh dự thi vào Cao đẳng tiểu học trường Quốc học dành cho học trò các tỉnh Thanh Hóa, Nghệ An, Hà Tĩnh, Quảng Bình. Vốn có tư chất thông minh, Nguyễn Tiềm đỗ điểm cao cả môn toán và môn Pháp ngữ. Vào thời điểm này, ảnh hưởng chính trị của tổ chức Việt Nam thanh niên cách mạng đồng chí hội do Nguyễn Ái Quốc sáng lập tại Quảng Châu đã lan tỏa tới khu công nghiệp Vinh – Bến Thủy, trung tâm khai thác lợi nhuận, tài nguyên của thực dân Pháp tại Trung kỳ, nơi có hơn 20 nhà máy, thu hút 7000 thợ “áo xanh” và “áo nâu” từ Hải Phòng, Nam Định trở vào.
Chỉ mới một năm, Nguyễn Tiềm nhận ra chương trình giáo dục phản Dân tộc, xuyên tạc lịch sử, nhồi nhét tư tưởng, ý thức thần phục, quy lụy nền đô hộ của thực dân Pháp. Thái độ ngạo mạn, khinh thị học trò “An nam mít” của giáo viên người Pháp đã chạm vào lòng tự trọng, ý chí không khuất phục của Nguyễn Tiềm. Và thế là ngày 15 tháng 03 năm 1927, Nguyễn Tiềm cùng một số bộ phận học sinh trường Quốc học Vinh hăng hái tham dự lễ kỷ niệm ngày giỗ đầu của chí sĩ Phan Chu Trinh tại chùa Diệc do chi hội Việt Nam Thanh niên cách mạng đồng chí khu Vinh – Bến Thủy khởi xướng mà nòng cốt là Trần Phú, Hà Huy Tập, Nguyễn Sỹ Sách, Phan Đăng Lưu, Nguyễn Thị Minh Khai.
Những tiếp xúc ban đầu với hoạt động đòi quyền dân sinh, dân chủ trong đội ngũ học sinh và chịu ảnh hưởng trực tiếp tư tưởng cách mạng của thầy giáo Trần Mộng Bạch đã khơi lòng nhiệt huyết để cuối năm 1927 Nguyễn Tiềm gia nhập Việt Nam Thanh niên cách mạng đồng chí hội, trực thuộc Tổng hội Nghệ An.
Chọn lọc những học sinh tiến bộ, cùng chí hướng với mình, Nguyễn Tiềm thành lập tiểu tổ Hội thanh niên cách mạng tại trường Quốc học Vinh.
Nhận thấy nhân tố tạo nên lực lượng cách mạng trong giới thanh niên, học sinh ở Nghệ An khá hùng hậu, tháng 6 năm 1929, Nguyễn Phong Sắc đã chỉ đạo chuyển tiểu tổ thanh niên cách mạng trường Quốc học Vinh thành chi bộ Đông Dương Cộng sản Đảng và chỉ định Nguyễn Tiềm làm Bí thư chi bộ. Trở thành lãnh đạo ở tuổi 17, Nguyễn Tiềm đã sớm bộc lộ năng lực tập hợp học sinh, thanh niên hướng vào mục tiêu đấu tranh cách mạng.
Đồng chí Nguyễn Tiềm - Bí thư Tỉnh ủy Nghệ An đầu tiên
Vào giai đoạn này Nghệ An đã có 8 trường tiểu học (primaire) với gần 1000 học sinh, 128 lớp sơ đẳng (class élé mantaire) với gần 4000 học sinh, chưa kể trường cao đẳng tiểu học Quốc học (collége) Vinh, trường tiểu học Nguyễn Trường Tộ, Cao Xuân Dục, trường trung học tư thục Lê Văn, Chính Hóa, Thuận An, Pháp-Việt Thanh Chương, Pháp- Việt Quỳnh Lưu. Nguyễn Tiềm nhận rõ vai trò trí thức trẻ của Nghệ An trong xu thế cách mạng Dân tộc, Dân chủ mà anh cùng đồng chí mình đang đeo đuổi, không quản gian nan, nguy hiểm tới tính mạng. Nguyễn Tiềm tìm gặp những học sinh ưu tú, truyền ý chí đấu tranh đòi Độc lập, Dân quyền và kết nạp họ vào Đảng.
Từ Hội sinh đoàn trường Quốc học Vinh do Nguyễn Tiềm sáng lập, đã như tiền thân của tổ chức Đoàn thanh niên để cuối năm 1929, Nguyễn Phong Sắc chỉ đạo thành lập Tổng sinh hội Nghệ An, khẳng định vị trí học sinh, thanh niên trong hệ thống đoàn thể chính trị của Đảng.
Là người đứng đầu Tổng Sinh hội, Nguyễn Tiềm quan tâm tới giáo dục lý tưởng, mục tiêu cách mạng cho thanh niên học sinh. Nguyễn Tiềm sáng lập tờ báo dành cho tuổi trẻ mang tên “Xích Sinh”, hàm nghĩa sinh viên, học sinh Đỏ. Tờ báo khổ 29cm x 32cm in khuôn thạch cao, mỗi tháng ra hai kỳ, mỗi kỳ 4 trang. Nội dung các số báo tuyên truyền chủ nghĩa Mác- Lê nin, vai trò giai cấp vô sản, vị trí học sinh, sinh viên trong đấu tranh đòi dân sinh, dân chủ , dân quyền, chống lại chủ trương giáo dục làm tay sai, quan chức cho “Mẫu quốc Pháp”, chống vô cớ đánh đập, đuổi học, đòi tự do lập hội, xem sách báo, được du học nước ngoài, sẵn sàng bãi khóa ủng hộ phong trào đấu tranh của thợ thuyền, dân cày, binh lính phản chiến… Để duy trì in ấn báo “Xích Sinh” và truyền đơn, Nguyễn Tiềm vận động học sinh đóng góp tài chính, nhờ gia đình bán thóc, bán trâu, bò để mua giấy, mực in, thạch cao làm khuôn in báo.
Không chỉ lo lắng, quán xuyến phong trào thanh niên, học sinh ở Vinh - Bến Thủy, Nguyễn Tiềm cải trang thành “dân buôn chuyến” len lỏi, qua mặt bọn mật thám, bang tá, đoàn dũng vào tận Hà Tĩnh, ra Quỳnh Lưu, lên trường Pháp - việt Thanh Chương xây dựng cơ sở sinh hội, phát triển rộng khắp địa bàn Nghệ - Tĩnh.
Đánh hơi Nguyễn Tiềm “có dấu hiệu kích động học sinh chống lại nền cai trị của đại Pháp”, chánh mật thám Biedé và Tổng đốc Nghệ An Hồ Đắc Khải bàn mưu, tính kế loại bỏ Nguyễn Tiềm khỏi trường Quốc học Vinh. Vin cớ “tội lười biếng học”, ngày 03 tháng 03 năm 1930, bọn chúng ra quyết định đuổi học người học trò “học giỏi nhưng cứng cổ”, mặc dù anh sắp tốt nghiệp chương trình cao đẳng.
Cũng từ biến cố này, đánh dấu bước ngoặt, người thủ lĩnh Tổng sinh hội Nghệ An chuyển hẳn sang môi trường bí mật hoạt động cách mạng. Nguyễn Tiềm trở thành cán bộ chủ chốt cùng các đồng chí Lê Mao, Hoàng Trọng Trì, Lê Viết Thuật, Nguyễn Liệu trực tiếp lãnh đạo tổ chức Đảng, đoàn thể ở Vinh-Bến Thủy, Nam Đàn, Hưng Nguyên, Thanh Chương, Nghi Lộc liên tục đấu tranh trong phong trào Xô - Viết mà đỉnh cao là cuộc biểu tình ngày (01/05) và (12/09) năm 1930. Nguyễn Tiềm là tri thức tiêu biểu bền bỉ, kiên trung vận dụng lý luận, phương pháp cách mạng phù hợp tình thế lúc bấy giờ, góp phần dấy lên 500 cuộc đấu tranh, huy động gần 40 vạn quần chúng công nhân, nông dân, tiểu thương, học sinh, binh lính đòi dân chủ, dân quyền, dân sinh, tạo nên làn sóng đấu tranh lan rộng cả nước và Đông Dương.
Không phải ngẫu nhiên mà tờ báo L’opinions (dư luận) xuất bản tại Pari tháng 10 năm 1930 đã bình luận về cao trào Xô-Viết Nghệ-Tĩnh “...những việc xẩy ra mấy lúc này ở miền Bắc Trung kỳ không phải là một việc biến chuyển tầm thường mà chính là một cuộc vận động cách mạng lớn lao”.
Hoảng hốt, lo sợ trước làn sóng cách mạng ngày một dâng cao, thực dân Pháp và bộ máy quan lại Nam triều huy động gần 700 lính Lê dương, lính khố đỏ, khố xanh, bang tá, đoàn dũng, tuần đinh cùng một phi đội máy bay, sử dụng cả súng cối đàn áp, triệt phá cơ sở cách mạng, bắt, giết, tù đày nhiều cán bộ, đảng viên, quần chúng. Trên mảnh đất Thanh Chương, Hưng Nguyên, Anh Sơn, thực dân Pháp vội vã dựng thêm 68 đồn bốt và hàng nghìn điếm canh thôn, xóm. Trường Quốc học Vinh, trường Cao Xuân Dục bị trưng dụng đóng quân Lê dương, sở chỉ huy các cuộc vây ráp, bắt bớ “cộng sản” và dân, thợ “nổi loạn”.
Cùng với phương tiện súng, bom đàn áp, trong chiến dịch “khủng bố trắng”, thực dân Pháp còn sử dụng cả mạng lưới báo chí phản động lừa phỉnh, dụ dỗ nhân dân quy thuận, xuyên tạc mục đích cách mạng, điển hình là báo Nam Phong, Đông Pháp, Ngọ báo, Hoan Châu tân báo, Thanh – Nghệ - Tĩnh tân văn, Tràng An cận tín, Tứ dân tạp chí, Bình - Trị tân văn, Công thị báo...
Trong những ngày cả Nghệ An chìm ngập máu lửa, các đồng chí Nguyễn Phong Sắc, Lê Mao, Trần Phú, Lê Xuân Đào, Bí thư Tổng công hội Nguyễn Công Sửu lần lượt bị bắt, bị giết hại, tổ chức Đảng, cơ sở đoàn thể bị phá vỡ. Nhưng Nguyễn Tiềm lúc này là Bí thư Tỉnh ủy, Xứ ủy viên Xứ ủy Trung kỳ vẫn cùng Lê Viết Thuật bám dân, bám địa bàn hoạt động. Để che mắt địch Lê Viết Thuật tạo hiện trường bị chết đuối trên sông Lam, còn Nguyễn Tiềm nhuộm răng đen, đi chân đất, mặc áo nhuộn bùn trà trộn vào vùng nông thôn ngoại Thị xã Vinh và phố Đệ Nhị, chỉ đạo củng cố, giữ vững phong trào trước cơn bão táp khủng bố tàn khốc.
Bệnh lao phổi tái phát, Nguyễn Tiềm tạm lánh về cơ sở bến Đền (thuộc Vinh Tân ngày nay) thì đêm 17 tháng 10 năm 1931 anh bị mật thám Vinh vây bắt. Nhận tin bắt được Bí thư Tỉnh ủy Nghệ An, khâm sứ Trung kỳ LeFol, Chánh mật thám Trung kỳ Louis-Marty, Tôn Thất Đàn - Thượng thư Bộ hình hí hửng điện cho Tổng đốc Nghệ An, Chánh mật thám Biedé tìm cách khai thác nguồn tin từ Nguyễn Tiềm hòng bắt hết những cán bộ Tỉnh ủy, Huyện ủy, Thị ủy, Xứ ủy, Tổng ủy đoàn thể ở Nghệ An, Hà Tĩnh.
Thế nhưng chúng đã nhầm. Liên tục trong 2 tháng trời bị giam cầm, tra tấn cực hình và cả lời hứa hẹn cho du học tại Pháp Quốc, Nguyễn Tiềm vẫn không hé lộ tung tích đồng chí, đồng bào mình. Sau mỗi trận đòn roi, điện giật và những cơn ho xé phổi, bọn cai ngục, mã tà, chỉ nhận được duy nhất ở người cộng sản trẻ tuổi thái độ yên lặng sắt đá. Ngày 18 tháng 01 năm 1932, tòa án Nam Triều xử Nguyễn Tiềm mức án tử hình. Nhận được tin, các đồng chí của Nguyễn Tiềm ở Thành bộ Vinh-Bến Thủy chỉ đạo công hội, nông hội, sinh hội biểu tình, bãi công, bãi khóa đòi trả tự do cho học sinh Nguyễn Tiềm. Làn sóng phản đối quyết liệt của quần chúng đã buộc tòa khâm sứ Trung kỳ hạ mức án Nguyễn Tiềm xuống khổ sai chung thân. Ngày 23 tháng 07 năm 1932, thực dân Pháp đày Nguyễn Tiềm lên nhà tù Lao Bảo. Không chém đầu được Nguyễn Tiềm, thực dân Pháp thâm độc mượn rừng sâu heo hút “ma thiêng, khí chướng, nước độc” miền tây Quảng Trị, bệnh tật nan y, chế độ lao tù hà khắc nhằm giết dần, giết mòn người cộng sản kiên trung, bất khuất.
Trong cuốn hồi ký những năm tháng hoạt động cách mạng ở vùng đất Quảng Trị, Thừa Thiên Huế từ năm 1929 của mình, ông Trần Hữu Dực, Bí Thư Tỉnh ủy Quảng Trị (năm 1930), nguyên Phó Thủ Tướng Chính phủ, từng bị giam giữ tại nhà tù Lao Bảo với Nguyễn Tiềm đã xúc động khi nhắc đến tấm gương sáng ngời khí tiết đấu tranh của người con Xứ Nghệ đến hơi thở cuối cùng. Trong hai năm chịu tù đày, tra tấn tàn bạo, Nguyễn Tiềm phải gồng hết sức lực chống chọi với cái rét cắt da, cắt thịt mùa đông, cơn nóng hầm hập mùa hè Lao Bảo. Hai chân bị cùm tê cứng, bệnh lao phổi trầm trọng, ăn uống thiếu chất, phù nề toàn thân nhưng khi nhận được quà của gia đình chuyển tới, Nguyễn Tiềm bao giờ cũng chia phần nhiều cho bạn tù đau yếu hơn mình.
Những lúc ra khỏi xà lim tắm nắng ít phút, Nguyễn Tiềm lại nhắc nhở anh em bạn tù cố gắng giữ vững ý chí tranh đấu, không khuất phục hoàn cảnh tù đày của đế quốc, phong kiến Nam Triều.
Bí Thư Tỉnh ủy Nguyễn Tiềm trút hơi thở cuối cùng vào sáng ngày 11 tháng 10 năm 1933 khi mới 21 tuổi đời. Lời cuối cùng nhắc nhở bạn tù hãy giữ vững ý chí tranh đấu vì thắng lợi cuối cùng của người cộng sản chân chính Nguyễn Tiềm còn vang vọng tới muôn sau.
(Văn Hiền)