Nâng cao vai trò dân vận trong xây dựng NTM
Nhờ đẩy mạnh công tác tuyên truyền và thực hiện tốt quy chế dân chủ cơ sở, nhiều địa phương trong toàn tỉnh đã tạo được sự đồng lòng, nhất trí trong nhân dân, bước đầu huy động được sự đóng góp về tiền của, công sức, trí tuệ để thực hiện các chương trình, mục tiêu xây dựng nông thôn mới.
Đối với Hưng Nguyên, huyện xác định rõ để thực hiện chương trình mục tiêu Quốc gia xây dựng nông thôn mới trên địa bàn có hiệu quả thì cần phải bám vào hướng dẫn của tỉnh, của trung ương để chỉ đạo một cách bài bản, vừa đảm bảo hiệu quả trước mắt vừa đảm bảo lợi ích lâu dài. Nguồn vốn để xây dựng chương trình mục tiêu Quốc gia xây dựng nông thôn mới là rất lớn nên và vì vậy ngoài sự hỗ trợ của nhà nước thì phải huy động từ người dân. Vì vậy, một trong những vấn đề được Hưng Nguyên quan tâm triển khai đó là thực hiện tốt công tác dân vận, yêu cầu phải dân chủ trong công tác qui hoạch, trong đầu tư đóng góp và giám sát công trình. Phát huy vai trò của công tác dân vận trong vận động nhân dân hiến đất mở rộng đường giao thông nông thôn.
Xây dựng NTM ở Quỳ Châu |
Tại huyện Quế Phong – một trong những huyện nghèo của cả nước với hơn 90% dân tộc thiểu số, thời gian qua, nhờ thực hiện tốt quy chế dân chủ cơ sở nên người dân đã đồng lòng ủng hộ trong thực hiện chương trình xây dựng nông thôn mới. Trên địa bàn huyện đã có nhiều mô hình hiến đất xây dựng đường giao thông, đặc biệt có những xã đặc biệt khó khăn như xã Nậm Giải, Quế Sơn, Mường Nọc, Nậm Nhóong… cũng đã bước tiến trong thực hiện chương trình. Ông Nguyễn Minh Hòa – trưởng ban Dân vân huyện Quế Phong cho biết: Để đẩy nhanh tiến độ xây dựng NTM, chúng tôi sẽ tiếp tục thực hiện tốt qui chế dân chủ cơ sở để tuyên truyền cho nhân dân hiểu quyền lợi và trách nhiệm của mình, vấn đề gì mình được bàn bạc, giám sát…
Thời gian qua, Ban chỉ đạo thực hiện Quy chế dân chủ cơ sở tỉnh đã phát huy vai trò lãnh đạo của cấp uỷ đảng, chính quyền địa phương, các tổ chức, đoàn thể xã hội trong việc chỉ đạo, tổ chức thực hiện các quy định của Quy chế dân chủ cơ sở; Thực hiện lồng ghép nội dung quy định của Quy chế dân chủ vào các hoạt động phát triển kinh tế - xã hội của địa phương, trong đó có các chương trình, đề án, kế hoạch xây dựng nông thôn mới. Ban Dân vận các cấp trong toàn tỉnh đã thực sự coi trọng việc thực hiện Quy chế dân chủ cơ sở trong việc lấy ý kiến đóng góp của nhân dân tham gia xây dựng đề án, chương trình, kế hoạch, mục tiêu xây dựng nông thôn mới. Nhiều nội dung, phần việc quan trọng được người dân tham gia bàn thảo kỹ lưỡng; Tổ chức thực hiện có hiệu quả những việc phải công khai để dân biết, dân bàn, quyết định và nhân dân giám sát, đặc biệt là các chủ trương về đóng góp xây dựng cơ sở hạ tầng đối với các công trình phúc lợi trên địa bàn thôn, xã. Toàn tỉnh hiện có 480/480 xã phường có ban thanh tra nhân dân, ban giám sát cộng đồng. Nhiều xã đã phát huy tốt quy chế dân chủ cơ sở trong việc vận động nhân dân hiến đất, giải phóng mặt bằng để làm đường giao thông và các công trình công cộng khác, đơn cử như xã Nghĩa Thuận (thị xã Thái Hòa); xã Hùng Tiến, xã Nam Nghĩa (huyện Nam Đàn); xã Hoa Sơn, xã Hùng Sơn (huyện Anh Sơn); xã Sơn Thành, xã Phúc Thành (huyện Yên Thành)… Do làm tốt công tác tuyên truyền vận động nên nhiều địa phương đã huy động được nội lưc trong nhân dân để xây dựng cơ sở hạ tầng, dồn điền đổi thửa kết hợp với chỉnh trang đồng ruộng, xây dựng cánh đồng mẫu lớn, triển khai các mô hình phát triển sản xuất nhằm nâng cao thu nhập cho người nông dân.
Để phát huy tốt hơn nữa việc thực hiện quy chế dân chủ cơ sở, từ đó đẩy nhanh tiến độ xây dựng nông thôn mới trên địa bàn toàn tỉnh, ông Nguyễn Mạnh Khôi – Phó trưởng ban Dân vận Tỉnh ủy khẳng định: Ban chỉ đạo đề ra các giải pháp: phải công khai minh bạch trong đóng góp. Cán bộ phải gương mẫu, phải tuyên truyền đến từng hộ gia đình để nhân dân hiểu và tạo sự đồng thuận. Phát huy hơn nữa vai trò của ban thanh tra và ban giám sát cộng đồng. Tất cả các hệ thống chính trị đều tuyên truyền, đều vận động mọi người…
Thời gian tới, Ban Dân vận Tỉnh ủy và hệ thống dân vận các cấp cùng các đoàn thể, các tổ chức xã hội ở các địa phương sẽ tiếp tục vận động, phát huy nguồn lực, phát huy vai trò làm chủ, sức mạnh của nhân dân, tạo điều kiện thuận lợi cho mọi người dân tích cực tham gia, đóng góp, thực hiện Chương trình nông thôn mới có hiệu quả, thiết thực. Đây là một trong những yếu tố quan trọng góp phần thúc đẩy việc thực hiện chương trình mục tiêu Quốc gia này trên địa bàn tỉnh ta.
(Mai Hương)