Bức tranh đầu tư nhìn từ các hội nghị xúc tiến
Xuất phát từ tấm lòng với quê hương Bác Hồ kính yêu, từ năm 2009, Đảng ủy khối doanh nghiệp TƯ và Ngân hàng TMCP Đầu tư và phát triển VN đã hợp tác cùng UBND tỉnh Nghệ An đẩy mạnh các hoạt động xúc tiến đầu tư, an sinh xã hội nhằm phát huy lợi thế của tỉnh Nghệ An trong phát triển kinh tế - xã hội và cải thiện đời sông nhân dân.
Từ đó đến nay, cứ mỗi dịp Tết đến, Xuân về, người xứ Nghệ lại có thêm một nét đẹp đầu xuân: Tổ chức ngày hội đầu tư, gặp gỡ các đồng chí lãnh đạo Đảng, nhà nước và các cơ quan trung ương, nhà doanh nghiệp, nhà đầu tư đến chia sẻ kinh nghiệm, tìm hiểu cơ hội đầu tư như những vị khách đến xông nhà mang lại may mắn cho gia chủ. Và cũng từ cuộc gặp mặt đầu xuân như thế này, nhiều dự án đầu tư, thỏa thuận cung cấp vốn tín dụng, an sinh xã hội đã được ký kết, tô điểm thêm những nét chấm phá trên bức tranh đầu tư của xứ Nghệ.
Hội nghị Gặp mặt các nhà đầu tư Xuân Kỷ Sửu 2009 được xem là mốc đánh dấu bước đột phá trong xúc tiến đầu tư vào Nghệ An. Chưa bao giờ trên mảnh đất quê Bác lại hội tụ nhiều nhà đầu tư đến tìm hiểu cơ hội đầu tư, kinh doanh như vậy. So với dự kiến ban đầu, số đại biểu đã vượt hơn 100 người, lên con số hơn 400 đại biểu. Trong đó, có 16 tập đoàn, tổng công ty lớn có tiềm lực về tài chính và công nghệ như Tập đoàn dầu khí quốc gia Việt Nam, Tập đoàn than và khoáng sản Việt Nam, Tập đoàn dệt may, Tổng công ty xi măng, Vietnam airlines, tổng công ty Lilama … Hội nghị vinh dự được đón Phó thủ tướng thường trực Chính phủ Nguyễn Sinh Hùng tới dự và chỉ đạo. 29 thỏa thuận đã được ký kết trong đó có 23 dự án đầu tư với tổng vốn cam kết lớn nhất từ trước tới nay: Hơn 21.000 tỷ đồng trên tất cả các lĩnh vực sản xuất kinh doanh và 4 dự án hỗ trợ an sinh xã hội với tổng vốn trên 70 tỷ đồng.
Hội nghị gặp mặt các nhà đầu tư Xuân Nhâm Thìn 2012 |
Tiếp nối thành công đó, Hội nghị gặp mặt các nhà đầu tư xuân Canh Dần 2010 được tổ chức với quy mô gọn hơn so với năm 2009 nhưng đã thu hút trên 220 đại biểu đến từ các ban ngành trung ương và địa phương và trên 100 tập đoàn kinh tế, Tổng công ty, doanh nghiệp và đại diện các cơ quan, tổ chức. Hội nghị đã chứng kiến lễ ký kết của 6 doanh nghiệp đăng ký 6 dự án, với tổng vốn đầu tư đăng ký 6.500 tỷ đồng.
Cuộc gặp mặt các nhà đầu tư Xuân Tân Mão 2011 là năm thứ 3 tiếp tục nhận được sự quan tâm chỉ đạo trực tiếp của Phó thủ tướng thường trực chính phủ Nguyễn Sinh Hùng và sự tham gia của hơn 150 tập đoàn, doanh nghiệp trong và ngoài nước. Riêng tại Hội nghị lần này, Phó Thủ tướng đã nhắc nhở các nhà đầu tư: “Thay vì đầu tư về số lượng, các doanh nghiệp, nhà đầu tư phải chú ý về chất lượng, kết hợp giữa phát triển chiều rộng và chiều sâu trong mỗi dự án”. Thành công của Hội nghị được đánh dấu bằng 10 thỏa thuận đầu tư với 9.636 tỷ đồng được ký kết giữa UBND tỉnh với các doanh nghiệp. Trong đó, Ngân hàng TMCP Đầu tư và phát triển Việt Nam (BIDV) hỗ trợ cam kết xây dựng chương trình an sinh xã hội, xây dựng nông thôn mới giai đoạn 1 với số vốn 15 tỷ đồng cho huyện Nam Đàn, hỗ trợ 500 triệu đồng về lĩnh vực giáo dục cho xã Nghi Xuân, huyện Nghi Lộc. Ngoài ra, BIDV còn cam kết cho các doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh Nghệ An vay với số vốn 3.085 tỷ đồng.
Ngay sau Tết Nguyên Đán 2012, Hội nghị gặp mặt các nhà đầu tư Xuân Nhâm Thìn đã được tổ chức trong không khí nhộn nhịp, tươi mới của mùa xuân. Với sự tham gia của Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng, Bộ trưởng Bộ Tài chính Vương Đình Huệ và đại diện một số bộ, ngành, Hội nghị tiếp tục thu hút được hơn 400 doanh nghiệp, các nhà đầu tư tham dự. Tại hội nghị lần thứ tư lần này, đã có nhiều thỏa thuận được ký kết trong đó có thỏa thuận với công ty TNHH Royal Foods (Thái Lan) thực hiện các dự án đầu tư tại Khu KT Đông Nam với tổng mức đầu tư 840 tỷ đồng, trao giấy chứng nhận đầu tư cho 3 dự án với tổng mức đầu tư trên 825 tỷ đồng, thỏa thuận hỗ trợ an sinh xã hội của tổng Cty Công nghiệp xi măng VN 1,5 tỷ đồng, thỏa thuận tài trợ của BIDV để cải tạo nâng cấp quảng trường HCM với mức tài trợ 10 tỷ đồng. BIDV cũng ký thỏa thuận nguyên tắc tài trợ vốn tín dụng để thực hiện dự án tại Nghệ An cho Tổng công ty công trình GT 4 và dự án thủy điện Nậm Nơn, Nâm Mô do công ty CP thủy điện Bản Vẽ làm chủ đầu tư.
Có thể khẳng định, cùng với hàng loạt các cơ chế chính sách thông thoáng, quyết tâm cải cách thủ tục hành chính, tạo sự đồng thuận trong xã hội, Nghệ An đang nỗ lực hết mình và những thành công đáng ghi nhận trong thu hút đầu tư, xem đây là đột phá quan trọng để đẩy nhanh tốc độ phát triển.
Từ Thỏa thuận mở đường bay Vinh - Hà Nội, Vietnam Airline tiếp tục mở thêm tuyến bay Vinh - Đà Nẵng - Ban Mê Thuột và đang khảo sát để mở đường bay Vinh - Viên Chăn (Lào) |
Một trong những thỏa thuận đầu tiên và thành công nhất từ Hội nghị xúc tiến đầu tư đầu xuân của Nghệ An chính là Thỏa thuận mở đường bay Vinh - Hà Nội: được ký giữa UBND tỉnh Nghệ An và Tổng Công ty Hàng không Việt Nam (Vietnam Airline). Ngay sau khi ký thỏa thuận, UBND tỉnh Nghệ An đã tích cực vận động, kêu gọi các doanh nghiệp để xây dựng quỹ hỗ trợ Vietnam Airlines trong trường hợp lỗ. Tuyến bay đã chính thức khai trương ngày 19/5/2010 với tần suất 01 chuyến/ngày. Tuy nhiên, sau thời gian ngắn hoạt động có hiệu quả cao (lượng khách vượt quá so với dự kiến, tỉnh đã không phải dùng quỹ hỗ trợ để bù lỗ), hiện nay đã tăng tần suất: 2 chuyến/ ngày và đang có kế hoạch nâng lên 3 chuyến/ ngày để đáp ứng đủ nhu cầu hành khách. Tiếp nối thành công trên, Vietnam Airline đã tiếp tục mở thêm tuyến bay Vinh - Đà Nẵng - Ban Mê Thuột và đang khảo sát để mở đường bay Vinh - Viên Chăn (Lào).
Trong số 43 dự án đầu tư được ký kết tại 4 Hội nghị xúc tiến và gặp mặt nhà đầu tư đầu Xuân của tỉnh Nghệ An đã có 04 dự án với tổng vốn đầu tư 2.450 tỷ đồng đã hoàn thành, đi vào hoạt động và phát huy hiệu quả.
Dự án Trung tâm thương mại Vinh do Tập đoàn Euro Windows đầu tư với tổng vốn 250 tỷ đồng tại thành phố Vinh. Dự án đã hoàn thành đúng tiến độ ký kết và đang đi vào hoạt động với việc khai thác những căn hộ, các tòa nhà liền kề đã được mở bán và cho thuê làm văn phòng, trung tâm buôn bán. Từ khi hoàn thành, dự án được coi là địa điểm mua sắm sôi động, nơi sinh sống tiện nghi và sang trọng của người dân thành phố Vinh. Đặc biệt, toàn bộ mặt bằng 4 tầng của dự án...do siêu thị Big C thuê, đưa vào sử dụng từ tháng 11/2010. Đây là một siêu thị được xây dựng hiện đại nhất khu vực Bắc Trung bộ với hàng nghìn mặt hàng các loại. Từ khi đi vào hoạt động siêu thị Big C Vinh đã tạo công ăn việc làm cho trên 300 lao động và thu hút đông đảo người dân từ khắp mọi nơi trong tỉnh, tỉnh bạn đến tham gia mua sắm, đặc biệt vào các ngày nghỉ cuối tuần hay dịp sắp Tết như thế này.
Trường ĐH Công nghiệp Nghệ An với số vốn cho cả 2 giai đoạn là 1.000 tỷ đồng do Công ty CP đầu tư và phát triển miền Trung và Trường Đại học Công nghiệp TP HCM đầu tư tại TP Vinh triển khai. Đến nay, giai đoạn I đã hoàn thành và đi vào hoạt động, đào tạo với quy mô 8.000 sinh viên/ năm. Ngoài đào tạo ĐH, cơ sở này còn đào tạo Cao đẳng và cao đẳng nghề. Mặc dù mới đi vào hoạt động chưa lâu nhưng ĐH Công nghiệp TP HCM phân hiệu Nghệ An đã bước đầu khẳng định được thương hiệu, trở thành địa chỉ được nhiều sỹ tử Nghệ An lựa chọn. Giai đoạn II của dự án sẽ tiếp tục xây dựng cơ sở II tại xã Nghi Ân và Nghi Đức, TP Vinh với quy mô 25.000 sinh viên. Hiện nay, nhà đầu tư đã làm thủ tục giao đất, đang thuê tư vấn thiết kế.
Nhà máy may Haivina Kim Liên đi vào hoạt động đã tạo việc làm cho hơn 2.500 lao động tại địa phương |
Trong số các dự án may của Hàn Quốc được ký kết và triển khai trên địa bàn Nghệ An trong thời gian qua, Dự án Nhà máy may Haivina Kim Liên là dự án đầu tiên và khá thành công. Được trao Giấy chứng nhận năm 2011, dự án đã hoàn thành và đi vào hoạt động từ tháng 11/2011 sau 10 tháng xây dựng với tổng vốn đầu tư 5 triệu USD, diện tích mặt bằng 43.000m2 gồm 3 nhà chính, xưởng găng tay, xưởng may mặc, đặc thù và các công trình phụ trợ. Hiện tại có hơn 2.500 lao động địa phương đang làm việc tại Công ty TNHH may xuất khẩu Haivina Kim Liên với mức lương từ 3-4 triệu đồng/tháng. Ngoài ra công ty cũng quan tâm đến vấn đề bảo hộ lao động, có phòng y tế chăm sóc và khám sức khỏe định kỳ cho công nhân, có nhà ăn rộng rãi, sạch sẽ, đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm cho công nhân.
Dự án khu nhà ở Chung cư Trường Thi do Công ty CP Xây dựng Dầu khí Nghệ An đầu tư với số vốn 121 tỷ đồng. Tổng diện tích sàn là 11.028 m2, tổng diện tích xây dựng nhà chung cư là 681,2m2 được khởi công vào quý 2/2010. Với nỗ lực tập trung nguồn vốn, thi công nhanh, dự án đã hoàn thành vào đưa vào sử dụng từ tháng 6/2012, gồm một tòa nhà chung cư 111 căn hộ và 17 nhà liền kề. Tính đến nay đã có trên 85% số hộ đến ở, trở thành một trong những khu dân cư sầm uất, hiện đại tại Thành phố Vinh.
Ngoài các dự án đã hoàn thành và phát huy hiệu quả, có 16 dự án đầu tư đang triển khai thực hiện với số vốn đăng ký là 23.515 tỷ đồng, tập trung vào các lĩnh vực sản xuất công nghiệp, khu đô thị, trung tâm thương mại, giáo dục, chăn nuôi, giao thông.
Được trao giấy chứng nhận đầu tư tại Hội nghị gặp mặt các nhà đầu tư đầu xuân Nhâm Thìn, dự án Nhà máy sản xuất linh kiện, thiết bị, điện tử viễn thông Hitech BSE Việt Nam với số vốn 630 tỷ đồng do Tập đoàn BSE Hàn Quốc đầu tư được triển khai trên diện tích 5,7 ha tại KCN Nam Cấm. Hiện tại, nhà đầu tư đã hoàn thành xây dựng hạ tầng, 2 nhà xưởng, khu ký túc xá chuyên gia, khu nhà ăn, văn phòng... Tất cả các hạng mục đều do nhà thầu Uri Hàn quốc thi công và đang nỗ lực để hoàn thiện vào 28/2/2013 để lắp đặt thiết bị và đi vào hoạt động.
Dự án đầu tư xây dựng Khu Đô thị Sài Gòn Sky (P. Đội Cung) do Công ty CP Sành sứ thuỷ tinh VINACEGLASS đầu tư với số vốn: 1.500 tỷ đồng trên diện tích 60 ha tại phường Đội Cung-TP Vinh. Hiện tại, nhà đầu tư đang hoàn thiện khu nhà ở liền kề và các hạng mục sân, vỉa hè. Riêng hạng mục khu chung cư chưa triển khai thực hiện, dự kiến sẽ triển khai đầu năm 2014.
Cùng được trao giấy chứng nhận đầu tư với dự án Nhà máy sản xuất linh kiện, thiết bị, điện tử viễn thông Hitech BSE Việt Nam tại Hội nghị gặp mặt các nhà đầu tư đầu xuân Nhâm Thìn, dự án Nhà máy sản xuất các sản phẩm từ chất dẻo với số vốn 119,8 tỷ đồng do Công ty CP nhựa thiếu niên Tiền Phong đầu tư trên diện tích 4,7 ha tại KCN Nam Cấm. Nhà đầu tư đã san lấp xong mặt bằng, đang triển khai xây dựng nhà máy. Dự kiến sẽ hoàn thành vào quý 3 năm 2013.
Xác định việc đầu tư xây dựng, hoàn thiện hạ tầng thiết yếu trong Khu kinh tế Đông Nam có ý nghĩa rất quan trọng trong việc thu hút các dự án đầu tư, tạo điều kiện phát triển kinh tế - xã hội cho một số xã thuộc huyện Nghi Lộc, Diễn Châu và TX Cửa Lò, góp phần thu hút lao động tại địa phương. Trong 2 năm qua, mặc dù suy thoái kinh tế nhưng các tuyến đường huyết mạch trong khu kinh tế Đông Nam là đường N2, N5 vẫn đảm bảo tiến độ thi công. Hai tuyến đường này do Doanh nghiệp Xuân Trường triển khai với số vốn 1348 tỷ đồng. Đến nay, đường N2 đã hoàn thành trên 80% khối lượng, dự kiến hoàn thành đi vào sử dụng trong Quý 1/2013. Đường N5 đang thi công đoạn 1 trên chiều dài 2km giá trị đạt khoảng 95 tỷ đồng, đoạn 2 giá trị đạt khoảng 49 tỷ đồng.
Không chỉ có các dự án được triển khai từ những thỏa thuận đầu tư được ký kết trong khuôn khổ các Hội nghị mà sức lan tỏa từ các hội nghị này đã mở ra nhiều cơ hội đầu tư khác, đặc biệt nhiều dự án có tính đột phá, quy mô đầu tư lớn, sử dụng công nghệ cao của các nhà đầu tư lớn có úy tín như Ngân hàng Bắc Á, tổng công ty bia rượu nước giải khát Sài gòn Sabeco, Tổng công ty xi măng Việt Nam…
Từ năm 2009, trên mảnh đất Nghĩa Đàn, miền tây xứ Nghệ, nơi trù phú đất bazan, đã thu hút một dự án lớn: Đó là dự án chăn nuôi bò sữa và chế biến sữa tập trung quy mô công nghiệp TH, với tổng vốn đầu tư là 350 triệu đô la. Trong số hơn 300 dự án đầu tư vào Nghệ An từ năm 2006 đến nay, đây là dự án trọng điểm lớn nhất và được kỳ vọng sẽ đặt nền móng cho nền công nghiệp sữa hiện đại tại Việt Nam. Hiện tại, dự án này đã nhập về gần 27.000 con bò sữa từ Newzealand và điều đặc biệt ở dự án này là toàn bộ công nghệ, dây chuyền thiết bị đều nhập từ các nước tiên tiến nhất trên thế giới, đặc biệt là đất nước Israel.
Dự án chăn nuôi bò sữa và chế biến sữa tập trung quy mô công nghiệp TH được xây dựng tại Nghĩa Đàn đã tạo ra một diện mạo công nghiệp mới ở miền Tây Nghệ An |
Mặc dù đi vào hoạt động hơn 3 năm nhưng dự án chăn nuôi bò sữa và chế biến sữa tập trung quy mô công nghiệp TH đã thực sự chứng minh sự lựa chọn đúng đắn của nhà đầu tư và thương hiệu sữa sạch True milk đã được người tiêu dùng ưa chuộng. Sự thành công của dự án này cũng đã làm thay đổi cuộc sống của người dân vùng Phủ Quỳ, hàng trăm người nông dân có việc làm ổn định tại Trang trại và điều quan trọng là những người nông dân chân lấm tay bùn ở miền tây xa xôi này được tiếp cận với nền Đại công nghiệp của các nước có công nghệ sản xuất nông nghiệp hiện đại nhất trên thế giới.
Được khởi công vào tháng 3 năm 2008, dự án thủy điện Hủa Na tại xã Đồng Văn, huyện Quế Phong do Công ty cổ phần thủy điện Hủa Na thuộc Tập đoàn Dầu khí quốc gia Việt Nam làm chủ đầu tư. Nhà máy khi đi vào hoạt động sẽ có tổng công suất 180 MW với tổng mức đầu tư gần 6.000 tỷ đồng. Vượt qua rất nhiều khó khăn về vốn, tình hình thời tiết phức tạp, khó khăn trong tái định cư...đến nay dự án đã bước vào giai đoạn hoàn thành. Ngày 29/01, nhà máy thủy điện Hủa Na chạy thử Tổ máy số 1, hòa vào lưới điện QG. Có được thành công này là nhờ sự đoàn kết, đồng tâm hiệp lực giữa chính quyền địa phương, chủ đầu tư, các nhà thầu và đặc biệt là sự đồng thuận của người dân địa phương.
Nhà máy bia Sài Gòn - Sông Lam đã đóng góp gần 1000 tỷ đồng vào ngân sách của tỉnh Nghệ An trong năm 2012 |
Nhà máy bia Sài Gòn - Sông Lam của Tổng công ty Bia rượu nước giải khát Sài Gòn Sabeco được xây dựng với tổng giá trị thực hiện dự án giai đoạn 1 là 1.045 tỷ VNĐ, trong đó phần thiết bị trị giá 859,797 tỷ đồng. Tổng thầu thiết kế và xây lắp Nhà máy là Công ty Kroness AG – CH LB Đức. Công suất nhà máy đạt 100 triệu lít bia/năm và có thể mở rộng nâng công suất lên 200 triệu lít/năm. Bên cạnh đó, Tổng công ty Bia rượu nước giải khát Sài Gon còn đầu tư dự án nhà máy sản xuất bao bì Sabeco với tổng vốn đầu tư 1.000 tỷ đồng bắt đầu khởi công năm 2007 và đi vào vận hành giữa năm 2009 bao gồm 2 nhà máy sản xuất bao bì nhôm và bao bì giấy. Đây là một dự án triển khai nhanh, đầu tư máy móc, nhà xưởng hiện đại nên dù đi vào hoạt động chưa lâu nhưng đã có những hiệu quả rõ rệt. Dự án nhà máy bia Hà Nội - Nghệ An thuộc Công ty CP Bia Hà Nội - Nghệ An có tổng mức đầu tư gần 600 tỷ đồng với công suất giai đoạn I là 50 triệu lít/năm. Nhà máy được đầu tư đồng bộ, hiện đại với 3 dây chuyền chiết; dây chuyền chiết lon với công suất 30.000 lon /giờ, dây chuyền chiết chai với công suất 20.000 chai/ giờ và dây chuyền chiết Keg công suất 120keg/giờ. Từ khi đi vào hoạt động, các nhà máy bia đã có đóng góp đáng kể cho ngân sách tỉnh Nghệ An. Chỉ tính riêng trong năm 2012, các dự án này đã đóng góp cho ngân sách tỉnh gần 1000 tỷ đồng.
Một mùa xuân mới đang về trong từng hơi thở của đất trời và lòng người. Mùa Xuân đem đến sức sống mới cho vạn vật. Trên khắp các làng quê đường phố, cây cối đều khoác trên mình một lớp chồi biếc tươi xanh mang đầy nhựa sống. Người dân xứ Nghệ đang háo hức đón chờ ngày Hội đầu tư của năm nay để được đón nhiều hơn nữa các chính khách, đại diện các tổ chức quốc tế, các doanh nghiệp, các nhà đầu tư về với Nghệ An. Hội nghị gặp mặt các nhà đầu tư Xuân Quý Tỵ 2013 cũng sẽ tổng kết 5 năm hợp tác giữa UBND tỉnh Nghệ An với Đảng ủy Khối Doanh nghiệp TW và Ngân hàng TMCP Đầu tư và Phát triển Việt Nam trong thu hút đầu tư và an sinh xã hội vào Nghệ An. Phát huy những kết quả đã đạt được qua 5 năm, Hội nghị lần này sẽ tiếp tục mở ra nhiều cơ hội mới trong hợp tác đầu tư giữa tỉnh Nghệ An với nhiều doanh nghiệp trong nước và nước ngoài, góp phần đưa Nghệ An phát triển tương xứng với tiềm năng lợi thế của một tỉnh trung tâm vùng Bắc Trung Bộ và là một tỉnh khá của miền Bắc.
(Hương Giang)