Mới nhất Tin nóng Media Magazine Infographic Tin ảnh

Tân Kỳ - Chuyện kể 50 năm

15:45, 17/04/2013
Hôm nay, trong câu chuyện kể 50 năm xây dựng và phát triển, người Tân Kỳ vẫn luôn tự hào về quê hương mình, về những thành tựu đã đạt được và biết bao niềm tin, khát vọng nơi mảnh đất sông Con, xứ Lạt.

 

Nếu như núi Hồng, sông Lam là biểu tượng cho khí chất của đất và người xứ Nghệ, thì dãy núi Lèn Rỏi điệp trùng và dòng Sông Con thơ mộng là biểu trưng cho trầm tích văn hóa, sức sống – ý chí đấu tranh mãnh liệt và niềm say mê lao động sáng tạo của đất và người Tân Kỳ. Câu chuyện truyền thuyết về dãy Lèn Rỏi  hùng vĩ 99 ngọn với 100 con chim phượng hoàng linh thiêng, đến hôm nay vẫn còn được lưu truyền. Vì thiếu đi một ngọn núi mà những cánh chim quý phái ấy đã không dừng lại, nhưng hàng trăm năm sau, miền quê này luôn là vùng đất lành để biết bao người con từ khắp mọi miền tổ quốc, tụ hội về đây sinh cơ lập nghiệp. Hôm nay, trong câu chuyện kể 50 năm xây dựng và phát triển, người Tân Kỳ vẫn luôn tự hào về quê hương mình, về những thành tựu đã đạt được và biết bao niềm tin, khát vọng nơi mảnh đất sông Con, xứ Lạt.

 

Hoàng hôn trên sông Con

 

Dù tên gọi Tân Kỳ chỉ mới chính thức xuất hiện cách đây vừa tròn nửa thế kỷ, nhưng lịch sử của vùng đất này đã trải qua hàng ngàn năm văn hiến. Từ rất lâu, tại cụm di tích hang Đình - Chùa ở Lèn Rỏi, huyện Tân Kỳ, Nghệ An các nhà khảo cổ học người Pháp và Việt Nam đã tìm thấy rất nhiều hiện vật từ thời đại đồ Đá giữa, thuộc văn hóa Hòa Bình. Những di chỉ này là minh chứng khẳng định, từ cách đây hàng chục vạn năm trên vùng đất miền núi phía Tây Nghệ An nói chung, Nghĩa Đàn, Tân Kỳ nói riêng đã xuất hiện các nhóm người Việt Cổ. Họ là chủ nhân tạo ra nền văn hóa bản địa từ thời kỳ đồ đá đến thời đại đồ đồng, đồ sắt trên vùng rừng núi điệp trùng này. Và cho đến hôm nay, lịch sử vùng đất đã trải qua biết bao thăng trầm đổi thay, con người nơi đây đã vượt lên bao biến động của thiên nhiên, lịch sử, song hành cùng mảnh đất Hoan Châu xưa, Nghệ An ngày nay để tồn tại và phát triển.

 

Năm 1887, nhà Nguyễn đã chia Nghệ An thành 5 phủ: Anh Sơn; Diễn Châu; Hưng Nguyên, Tương Dương, Quỳ Châu và 6 huyện khác. Đến năm 1948, Chính phủ nước Việt Nam dân chủ cộng hòa ra sắc lệnh bãi bỏ các danh từ Phủ, Châu, Quận chuyển sang gọi là huyện.

 

Ngày 19/4/1963, Hội đồng Chính phủ ra Quyết định số 52 chia ba huyện Anh Sơn, Nghĩa Đàn và Quỳ Châu thuộc tỉnh Nghệ An thành bảy huyện, trong đó có huyện Tân Kỳ. Tên gọi Tân Kỳ  ra đời, chính thức trở thành một đơn vị hành chính độc lập trên bản đồ Việt Nam.

 

Cầu Đò Sen hôm nay

 

Những ngày đầu thành lập ấy, Tân Kỳ chỉ vẻn vẹn có 21 ngàn dân, điều kiện kinh tế, xã hội vô cùng khó khăn thiếu thốn. Trụ sở chưa có, chính quyền các cấp phải lập lán hoặc ở nhờ nhà dân để làm việc. Gian khổ là thế, lại đối mặt với mưa bom bão đạn; bộ máy lãnh đạo huyện liên tục sơ tán khắp nơi, từ Lạt, đến Kỳ Phong, rồi Nghĩa Thái. Với lòng quyết tâm cao độ của tập thể cấp ủy, chính quyền các cấp và sự đồng lòng giúp sức của nhân dân, Tân Kỳ đã vượt qua mọi gian khó để vững bước đi lên. Với chính sách kêu gọi nhân dân, thanh niên ở các huyện miền xuôi đi xây dựng vùng kinh tế mới của UBND tỉnh Nghệ An, Tân Kỳ đã được đón hàng ngàn người con từ khắp các làng quê xứ Nghệ lên xây dựng quê mới. Để rồi hầu hết những lớp người đầu tiên và cả sau này đã gắn bó với mảnh đất này và coi Tân Kỳ là quê hương mình.

 

Từ xa xưa, mảnh đất này có tên gọi là Trại Lạt. Nơi đây đã trở thành căn cứ địa của nhiều nghĩa quân, nhiều cuộc khởi nghĩa từ thời dựng nước. Đặc biệt, thời nhà Lý, khi Uy Minh Vương Lý Nhật Quang làm trấn phủ Châu Nghệ An, ông đã quyết định huy động binh lính và dân cư khai thông tuyến đường bộ nối Nghệ An với kinh thành Thăng Long đi qua vùng đất Tân Kỳ - Nghĩa Đàn ngày nay ra vùng Như Xuân - Như Thanh (Thanh Hóa).

 

Trong khởi nghĩa Lam Sơn, khi chọn Nghệ An làm thế đứng chân để hạ Thành Trà Lân, Lê Lợi đã lập nhiều căn cứ trên đất Tân Kỳ mà ngày nay vẫn còn lưu lại những tên gọi như bãi Loi Loi, bãi Tập Mã, núi Đồn... Và tại xã Tiên Kỳ của huyện Tân Kỳ dấu tích thành Lê Lợi mà thời đó gọi là Tam cấp lê Lợi vẫn còn đây, gợi về một thời xa xưa, khi mà nghĩa quân Lam Sơn đang chuẩn bị binh lực để tiến đánh kẻ thù và làm cho “Miền trà Lân trúc chẻ, tro bay”. Địa danh Tiên Kỳ cũng chính là tên làng do người anh hùng dân tộc Lê Lợi ban tặng để ghi nhớ công sức của nhân dân trong vùng.

Những dấu tích còn lại ấy chính là minh chứng cho một mảnh đất mà truyền thống yêu nước, kiên cường bất khuất đã trở thành máu thịt của mỗi người dân, ngay từ ngày đầu lập đất, ngay từ khi tên gọi Tân Kỳ chưa xuất hiện trên bản đồ Tổ quốc.

 

Để rồi sau này, trong 2 cuộc kháng chiến thần thánh, chống Thực dân pháp và Đế quốc Mỹ, người Tân Kỳ vẫn luôn tự hào vì sự đóng góp, hy sinh không tiếc máu xương cho độc lập, tự do của dân tộc. Phà Sen vẫn còn đây, dù hôm nay nó đã được thay thế bằng chiếc cầu nối hai bờ sông Con. Nhưng nơi đây vẫn lưu lại chứng tích của một thời phải chịu biết bao trận bom oanh tạc của đế quốc Mỹ, hủy hoại và hòng cắt đứt điểm trung chuyển lương thực, thực phẩm và những đoàn quân chi viện cho chiến trường Miền Nam. Trong chiến tranh ác liệt, quân và dân Tân Kỳ đã anh dũng chiến đấu đến hơi thở cuối cùng, máu hồng của biết bao người con ưu tú ngày ấy đã hòa và dòng nước mát sông Con, thấm sâu vào lòng đất như là mạch nguồn nuôi dưỡng tâm hồn những thế hệ người Tân Kỳ hôm qua, hôm nay và mãi mãi sau này.

 

Một mốc son chói lọi và là niềm tự hào khôn nguôi của biết bao thế hệ người Tân Kỳ đó là vào  ngày 9/9/1964, những chiến sĩ của Binh đoàn 559 đã bổ nhát cuốc đầu tiên khai sinh con đường huyền thoại- đường mòn Hồ Chí Minh, góp phần làm nên chiến thắng vẻ vang cho dân tộc Việt Nam trong thế kỷ 20. Cuối năm đó, con đường bí mật ấy mới mở được 16 cây số. Thế mà một năm sau đoàn xe chở vũ khí lương thực đầu tiên đã chuyển bánh vào Nam. Con đường mòn mang tên Bác bắt đầu từ Di tích lịch sử Km số 0 của huyện Tân Kỳ đã vươn tới tận Lộc Ninh, phía tây Sài Gòn. Con đường thượng đạo Hồ Chí Minh chính là cột  xương sống vững chãi để dân tộc ta làm nên thắng lợi vĩ đại năm 1975.

 

Những năm chống Mỹ, Tân Kỳ là đất đóng quân của rất nhiều đơn vị bộ đội, cơ quan, đoàn thể, của tỉnh, của Quân khu 4. Đặc biệt có  hơn 2 vạn dân Vĩnh Linh  đất lửa ra sơ tán. Suốt 7  năm ròng (từ 1968- 1973), Nhân dân Tân Kỳ đã nhường cơm sẻ áo cho nhân dân Vĩnh Linh tuyến đầu Tổ quốc. Nghĩa là từ bát cơm, hạt muối, người Tân Kỳ những năm đó đã biết lo gấp đôi, gấp ba vì nghĩa tình cách mạng.

 

50 năm - một chặng đường tuy chưa dài, nhưng đủ để khẳng định sức mạnh và niềm tin, đủ chứng minh cho mảnh đất tuy mới, song đã có những chiến tích, những thành tựu rất đáng tự hào. Bởi Tân kỳ không chỉ là cái nôi giàu truyền thống cách mạng từ buổi dựng nước, mà nơi đây còn là cái nôi của những trầm tích văn hóa. Nó hiện hữu, đằm sâu trong mạch nước Sông Con - một dòng Sông chảy qua mảnh đất miền trung du này với dáng vẻ rất lạ. Đi qua Nghĩa Đàn, nó có tên gọi Sông Hiếu, nhưng khi về đến Tân Kỳ nó có tên là Sông Con. Sông Con hiền hòa uốn khúc đã bồi đắp phù sa màu mỡ cho những xóm làng trù phú tốt tươi, như là mạch nguồn, kết tụ linh khí vùng đất. Sông Con cũng là con sông duy nhất ở Nghệ An có 60 km chảy ngược về phía thượng ngàn rồi sau đó mới hòa vào lòng sông Cả về với biển lớn. Chính vì điều này mà người ta gọi Tân Kỳ là vùng đất thiêng, đất lành.  

 

 

Đất nước trong thời kỳ đổi mới. Đảng bộ và nhân dân Tân Kỳ đang từng bước đưa nền kinh tế huyện nhà đi lên. Từ một miền quê mà hệ thống giao thông đang ở ngõ cụt, thì hôm nay cái thế giao thông thuận lợi thông thoáng từ bốn phía đã đưa Tân Kỳ trở thành một vùng quê giàu tiềm năng và hứa hẹn sự phát triển vượt bậc. Một bức tranh kinh tế, văn hóa đang ngày càng sinh động hơn với những gam màu tươi sáng nơi Miền tây Xứ Nghệ.

 

Cánh đồng mía của nhân dân xã Tân Phú

 

Được xây dựng ngay từ thời kỳ đầu thành lập huyện, năm 1971, Nhà máy đường Sông Con là một cơ sở sản xuất lớn, đại diện cho ngành công nghiệp của huyện nhà. Với hệ thống trang thiết bị hiện đại, hàng năm công ty đã sản xuất từ 28 đến 35 ngàn tấn đường kính trắng sạch và 5 đến 7 ngàn tấn phân bón. Giải quyết việc làm cho hàng trăm công nhân. Đặc biệt với vùng nguyên liệu mía rộng lớn, công ty đã đảm bảo thu mua nguyên liệu cho người dân theo mùa, giá cả hợp lý. Cũng vì thế mà người Tân Kỳ đã xem cây Mía là cây xóa đói giảm nghèo. Nhà máy đường Sông Con không chỉ nộp ngân sách hàng tỷ đồng mỗi năm, mà còn tạo công ăn việc làm, cải thiện đời sống kinh tế cho người dân, góp phần rất lớn trong sự phát triển Kinh tế xã hội chung của huyện Tân Kỳ. 

 

 

Trải dài với những đồi núi điệp trùng, mà ở đó, đá Vôi, đá Granít, đá Máp chiếm trữ lượng tương đối lớn, Tân Kỳ đang hứa hẹn cho ngành công nghiệp khai khoáng phát triển trong tương lai gần.

 

Dừng chân ở Nông trường sông Con- nay là công ty cổ phẩn 1 thành viên nông nghiệp Sông Con tại xã Tân Phú, ta không khỏi ngỡ ngàng bởi những cánh rừng cao su bạt ngàn đang bắt đầu vào mùa thu hoạch mủ. Rồi những mô hình xen canh giữa cây trồng dài ngày và ngắn ngày đã giúp các hộ dân tận dụng được đất canh tác cho thu nhập cao, mang lại cuộc sống ấm no hạnh phúc cho người dân nơi đây.   

 

Vườn cao su của Công ty cổ phần 1 thành viên Nông nghiệp An Ngãi

 

Còn Công ty cổ phần 1 thành viên Nông nghiệp An Ngãi được thành lập năm 1974 để thu hút những thanh niên trai tráng từ khắp mọi miền quê lên xây dựng vùng kinh tế mới. Mỗi tổ đội sản xuất của nông trường, được gắn với tên gọi của từng địa phương nơi họ ra đi: Như đội Diễn Châu, Yên thành, Quỳnh Lưu, Hưng Nguyên… Để rồi, những tổ đội sản xuất ấy đã trở thành tên xóm, tên làng giàu tình nặng nghĩa của đất và người Tân Kỳ.

 

Còn tại vùng quê Tân Hương, tuy là một xã nhỏ mới đựợc chia tách nhưng người dân đã năng động sáng tạo hơn với nghề ươm cây giống. Năm 2008 Hợp tác xã lâm Nghiệp Tân Hương thành lập. Cũng từ đây, người dân được cung ứng từ nguồn giống ban đầu cho đến đầu ra của sản phẩm. Cây giống Tân Hương đã đến với rất nhiều làng quê đất Việt và đang từng bước khẳng định được thương hiệu. Rồi nghề Dệt võng gai ở Giai Xuân, nghề dệt thổ cẩm ở Đồng Văn đều là những ngành nghề truyền thống mang đậm nét riêng của vùng đất miền Tây xứ Nghệ…

 

Cừa là địa danh có tên từ rất lâu đời, với nhiều truyền thuyết, nhiều câu chuyện lịch sử đã ghi đậm vào tâm hồn mỗi người con Tân Kỳ khi xa xứ. Câu chuyện về sự đổi thay của địa danh Cừa bắt đầu từ những năm đầu thập niên 80 khi người ta phát hiện ra nguồn tài nguyên vô giá trên mảnh đất Nghĩa Hoàn - Tân Kỳ là đất sét - chất đất chuyên dùng để sản xuất vật liệu xây dựng như gạch, ngói. Cũng từ đây, làng nghề Ngói Cừa được hình thành và phát triển. Đời sống kinh tế của nhân dân Nghĩa Hoàn nói chung các cơ sở sản xuất ngói nói riêng được nâng lên rõ rệt. Bộ mặt nông thôn ngày càng đổi mới. Giờ đây, thương hiệu ngói Cừa - Tân Kỳ đã vang xa trong cả nước và sang nước bạn Lào.

 

 
Một cơ sở sản xuất và sản phẩm ngói Cừa Tân Kỳ

 

Đặc biệt từ ngày đường mòn Hồ Chí Minh được xây dựng, nối liền Tân Kỳ với các tỉnh thành trong cả nước, hàng trăm cây số đường liên huyện, liên xã được mở rộng tạo thuận lợi cho việc phát triển nông nghiệp, chăn nuôi, trồng rừng. Suốt nửa thế kỷ qua, từ một huyện miền núi với 50% tỉ lệ hộ đói nghèo, thì nay Tân Kỳ đã có tới 60% hộ khá, giàu. Tỷ lệ hộ nghèo chỉ còn 16%.

 

Không chỉ đạt được những thành tựu về kinh tế, mà phong trào xây dựng đời sống văn hóa cơ sở, nhất là xây dựng gia đình văn hóa, làng bản văn hóa ở Tân Kỳ cũng có nhiều thành quả đáng tự hào.

 

Cột mốc số 0 lịch sử

 

Có thể nói, từ cái nôi truyền thống văn hóa giàu trầm tích lịch sử, cách mạng, Tân Kỳ đã vững bước đi lên trong công cuộc đổi mới. Để rồi hôm nay, trên mảnh đất Trung du miền Tây xứ Nghệ này, có một mái trường là niềm tự hào chung của đất học xứ Nghệ và vùng quê Tân Kỳ: Trường cấp 2 xã Nghĩa Đồng. Ngôi trường vinh dự được 2 lần phong tặng danh hiệu lá cờ đầu của ngành giáo dục Nghệ An. Và hôm nay, ngôi trường ấy đang từng ngày tiến những bước vững chắc tới danh hiệu anh hùng thời kỳ đổi mới. Không chỉ thế, trong những năm gần đây, ngành giáo Dục Tân kỳ đã có những bước phát triển vượt bậc về mọi mặt cả về chất lượng và số lượng. Nhiều trường học nơi đây đã trở thành địa chỉ đỏ của vùng đất học xứ Nghệ.

 

Cũng từ cái nôi văn hóa ấy, mà biết bao người con Tân Kỳ đã thành danh, vươn xa để cống hiến tâm sức và trí tuệ dựng xây quê hương đất nước. Và trong thẳm sâu trái tim, họ vẫn luôn kiêu hãnh, tự hào vì mình là một người con của vùng đất mới Tân Kỳ.

 

Tân Kỳ hôm nay

 

Là huyện miền núi với đa phần dân cư  được hội tụ từ nhiều vùng miền trong tỉnh, trong nước, nên mỗi làng quê, thôn xóm nơi đây đều có những nét đặc trưng riêng, gắn với nhiều miền quê khác nhau. Vì thế, bức tranh làng xã của nông thôn Tân Kỳ có nhiều nét mới lạ. Từ giọng nói, tính cánh đến phong tục tập quán. Bên cạnh những nét văn hóa độc đáo của các dân tộc miền núi như Thổ, Thái thì ở Tân Kỳ còn hội tụ được tất cả những vẻ đẹp của văn hóa miền xuôi. Đây là một buổi diễn tập của câu lạc bộ Tuồng Bích Thái, xã Nghĩa Thái. Họ là những người dân quê gốc Diễn Châu, lên đây sinh cơ lập nghiệp và mang theo cả văn hóa truyền thống của quê nhà. Để rồi giờ đây, Tân Kỳ đã trở thành quê hương yêu dấu của họ. Những phong tục tập quán của người dân miền xuôi, miền ngược hòa quyện vào nhau, tạo thành một bức tranh đa sắc màu trong văn hóa truyền thống của đất và người nơi đây.

 

Từ câu chuyện truyền thuyết về 100 con chim phượng hoàng thủa khai thiên lập địa, rồi những trầm tích văn hóa mà dòng sông Con đã bồi đắp cho cư dân hai bờ sông, những chiến công vang dội trong chống giặc ngoại xâm của người dân nơi đây, tạo nên một điểm nhấn đặc sắc, một bức tranh non nước hữu tình và in đậm dấu tích từ thủa dựng nước, kết nối với giai đoạn lịch sử hào hùng thời đại Hồ Chí Minh. Tất cả mở ra một tiềm năng du lịch lớn cho miền quê Tân Kỳ.

 

Về Giai Xuân, ta đến với cây Sanh hàng trăm năm tuổi, sừng sững giữa núi rừng. Theo quan niệm của người dân ở đây, Cây Sanh là nơi mà các vị thần núi rừng trú ngụ nên rất linh thiêng.

 

Cụm di tích hang, Đinh- Chùa Len Rỏi

 

Về Nghĩa Đồng, đến với di tích lịch sử Đình Sen. Ngôi đình đựơc xây dựng từ rất lâu đời, với nét kiến trúc cổ độc đáo, hoa văn tinh xảo là sự hội tụ, kết tinh của nghệ thuật điêu khắc cổ Việt Nam. Không chỉ thế, Đình Sen còn là chứng tích của một thời chiến đấu ngoan cường anh dũng của quân, dân Nghĩa Đồng. Rồi lèn Voi, hang Thung Khiển - một trong những cảnh quan mới được khai phá. Người Tân Kỳ luôn tự hào rằng đây chính là  động phong nha của Xứ Nghệ.

 

Dáng núi, dòng sông đã thấm vào mạch nguồn tâm hồn mỗi người con Tân Kỳ. Dù họ đang ở nơi xa hay sinh sống, làm việc trên chính mảnh đất quê mẹ, thì họ vẫn luôn tự hào vì đã có một miền quê như thế- một miền… quê của muôn quê. Hơn lúc nào hết, đảng bộ và nhân dân Tân Kỳ đã đang và sẽ nỗ lực từng ngày với những quyết sách đúng đắn để đưa huyện nhà vững bước đi lên trong chặng đường mới.

 

Lịch sử đã đi qua trên mảnh đất nàyvừa tròn nửa thế kỷ. Một thời kỳ mới, nhiều thách thức và cơ hội đang đặt ra cho nhân dân các dân tộc Tân Kỳ. Dù có rất nhiều lợi thế về tiềm năng nhưng điều quan trọng và cốt yếu nhất vẫn là con người. Bởi nền tảng của truyền thống lịch sử, của quá khứ hào hùng đều bắt đầu từ bàn tay, khối óc con người. Tân Kỳ hôm qua, hôm nay và sau này sẽ luôn vững bước đi lên, bởi câu chuyện kể 50 năm đã qua luôn là niềm tự hào, là động lực thôi thúc bao khát vọng vươn tới một tương lai tươi sáng trong mỗi người dân Tân Kỳ hôm nay.

 

(Khánh Ly)