Đình Sen trầm mặc bên sông Con, xứ Lạt
Vẻ đẹp cổ kính
Chúng tôi đến Đình Sen trong một ngày tháng 4. Ngôi Đình được xây dựng từ năm 1926, do những người dân làng Sen xưa, xã Nghĩa Đồng ngày nay tự góp công, góp sức xây dựng nên. Đến hôm nay, dù đã trải qua gần 90 năm nhưng đình Sen vẫn đứng đó, kiêu hãnh minh chứng cho một thời đấu tranh cách mạng đầy bi hùng trên mảnh đất sông Con, xứ Lạt.
Đình Sen |
Đình Sen là ngôi đình lớn nhất ở Tân Kỳ. Đình được xây dựng trên bãi đất bằng phẳng giữa quang cảnh làng quê trù phú, bao quanh Đình là dòng sông Con hữu tình. Vẻ đẹp cổ kính của đình càng được tôn lên bởi những nét kiến trúc độc đáo. Ngôi đình là nơi hội tụ của kiến trúc cổ Việt Nam, với sự tinh xảo, hoa văn cầu kỳ. Trên đỉnh nóc, đắp nổi lưỡng long chầu nguyệt theo thể thức đăng đối. Rồi những nét chạm khắc đẹp, thể hiện rõ sự điêu luyện của những bàn tay nghệ nhân xưa. Đình Sen được xây dựng hoàn toàn bằng gỗ Lim, với những chiếc cột cao, to bằng cả vòng tay người ôm. Trong đình hiện vẫn còn lưu giữ được nhiều hiện vật quý như: đồ tế khí, hương án, gươm giáo, cờ quạt, tán lọng, cùng những hiện vật dùng cất dấu tài liệu và nuôi dưỡng cán bộ Đảng ở Nghĩa Đồng năm 1930- 1931.
Nơi hội tụ truyền thống văn hóa cách mạng và tâm linh.
Những năm 1930 đầu 1931, phong trào Xô Viết ở các huyện miền xuôi bị thực dân Pháp khủng bố dữ dội. Thực hiện chủ trương của Trung ương Đảng và Xứ ủy Trung Kỳ, Tỉnh ủy Nghệ An đã đưa cán bộ đảng viên, quần chúng cách mạng đang bị địch truy lùng bí mật lên Tân Kỳ, Nghĩa Đàn, Môn Sơn (Con Cuông) dưới nhiều hình thức.
Tháng 2/1931, Huyện ủy Nghĩa Đàn (bao gồm cả Tân Kỳ ngày nay) được thành lập. Sau đó, ở làng Yên Hòa (Nghĩa Bình), Tri Lễ, Tri Chỉ (xã Nghĩa Đồng) có chi bộ Đảng gồm các đảng viên người miền xuôi và một số cán bộ cốt cán trong xã tham gia. Chi bộ Đảng đã chọn Đình Sen làm nơi trung tâm liên lạc hội họp, in ấn tài liệu của Đảng. Đêm đêm, trong ngôi đình Sen, dưới ánh đèn dầu lạc, bằng những dụng cụ đơn sơ, hàng trăm tờ truyền đơn được in ra và chuyển đi phân phát cho toàn tổng và các địa phương để vạch trần tội ác kẻ thù, kêu gọi nhân dân đấu tranh. Nhiều cuộc mít tinh, diễn thuyết được tổ chức tại Đình Sen. Trước sức mạnh của quần chúng, bộ máy hào lý ở các thôn xã tuy không tan rã hoàn toàn nhưng phần lớn đã phục tùng cán bộ cách mạng. Một số quyền lực đã thuộc về nhân dân. Nhiều nơi đã tổ chức cho bà con học chữ quốc ngữ, vận động bỏ vàng mã, chống mê tín dị đoan, vay lúa của nhà giàu cứu đói cho dân…
Đặc biệt, tháng 6 năm 1931, giặc pháp đã bắt được 3 chiến sỹ cộng sản Nguyễn Linh, Lê Thạch, Lê Nguyệt và một số quần chúng. Để rồi ngày 13-7-1931 đúng phiên chợ Sen đông người, địch ra lệnh xử bắn 3 chiến sỹ cộng sản hòng uy hiếp tinh thần nhân dân làng Sen. Không nao núng trước hành động dã man của địch, ngay trước lúc bị bắn 3 đồng chí đã hô to khẩu hiệu: "Đả đảo Đế quốc Pháp Nam Triều phong kiến chế độ! Đảng Cộng sản Đông Dương muôn năm!".
Để rồi hôm nay, Đình Sen vẫn đứng đó, trầm mặc giữa núi rừng miền Tây, như là minh chứng là chiếc cầu nối của một quá khứ bi hùng hôm qua và cuộc sống bình yên, êm ấm hôm nay. Những dẫu tích về một thời là trung tâm sinh hoạt văn hóa của cộng đồng người dân Làng Sen - Nghĩa Đồng năm xưa vẫn hiện hữu. Và cũng tại ngôi đình này, hàng năm cứ vào ngày rằm tháng Giêng nhân dân lại tổ chức lễ Khai hạ, nhằm tưởng nhớ đến 3 chiến sỹ cộng sản kiên trung năm nào, đã anh dũng hy sinh để bảo vệ sự bình yên cho thôn xóm, quê hương.
Giờ đây, trước sự tàn phá của thiên nhiên, của thời gian, Đình Sen đang từng ngày xuống cấp. Song với những ý nghĩa to lớn mà Đình Sen mang lại cho người dân Tân Kỳ nói riêng, người dân xứ Nghệ nói chung thì Đình Sen cần được các cấp chính quyền địa phương, Sở Văn hóa thể thao du lịch sớm đưa vào danh mục di tích cần bảo tồn, tôn tạo để Đình Sen mãi mãi trường tồn và là di tích lịch sử xứng tầm với những truyền thống, văn hóa và cách mạng vốn có từ xa xưa của người dân Làng Sen xưa, Nghĩa Đồng hôm nay.
(Khánh Như)