Mới nhất Tin nóng Media Magazine Infographic Tin ảnh

Dũng khí của người đảng viên – suy ngẫm từ hôm nay

16:01, 11/05/2013
Để việc thực hiện Nghị quyết TW4 “Một số vấn đề cấp bách về xây dựng Đảng hiện nay” thành công thì rất cần dũng khí của người đảng viên. Dũng khí đảng viên là phải tự phê bình và phê bình nghiêm túc. Đây là khâu mấu chốt, có ý nghĩa cực kỳ quan trọng. Dũng khí ấy là phải nhìn thẳng vào sự thật, đánh giá đúng sự thật, nhất là những mặt yếu kém, khuyết điểm, không được nể

 

 

  
   

Trong một cuộc trao đổi trên truyền hình VTV1, sau 01 năm thực hiện Nghị quyết TƯ4 “ Một số vấn đề cấp bách về xây dựng Đảng hiện nay”, đồng chí Vụ trưởng của Ban tổ chức trung ương có nêu về tình trạng giảm sút tinh thàn đấu tranh tự phê bình và phê bình của cán bộ, đảng viên hiện nay. Ông nói: Hiện nay Đảng ta có hơn 4 triệu đảng viên, nhưng xem bản kiểm điểm cuối năm hay định kỳ, tuyệt đại đa số đảng viên đều tự nhận khuyết điểm là “Tinh thần đấu tranh tự phê bình và phê bình còn yếu hoặc chưa mạnh dạn…”. Nếu chúng ta có điều kiện đọc lại bản kiểm điểm không riêng gì 4 triệu đảng viên, mà cả hơn 8 triệu công chức hiện nay và hàng chục triệu hội viên của các đoàn thể cũng có yếu điểm tương tự?!

 

Cũng bởi do tinh thần đấu tranh tự phê bình và phê bình hạn chế nếu không nói là yếu kém, nên việc phát huy dân chủ trong cơ quan, đơn vị bị vi phạm. Không ít kẻ lợi dụng nó để lộng hành coi thường kỷ cương phép nước, trù dập người dám đấu tranh, phê bình, vi phạm kỷ luật Đảng, pháp luật Nhà nước. Theo chúng tôi đây là yếu điểm đòi hỏi Đảng ta phải sớm nhìn ra và sớm có biện pháp khắc phục.

 

Bác Hồ từng nói: “Một Đảng mà không biết sửa chữa khuyết điểm là một Đảng hỏng”. Từ đó, suy ra, một đảng viên mà che giấu khuyết điểm, bảo thủ cái sai, không tự giác nhận khuyết điểm cũng không còn xứng đáng là đảng viên? Vì vậy, trong đợt chỉnh Đảng lần này, các đảng viên phải rất tự giác, cầu thị, phải  tự xem lại mình trước trước khi phê bình người khác. Đó là lòng tự trọng cần thiết. Không biết tự trọng đồng nghĩa với tự phỉ báng lương tâm. Chính vì thế, khi nói về phê bình và sửa chữa, Bác đã nhấn mạnh đến chữ “dũng”, rất cần dũng khí trong đấu tranh tự phê bình và phê bình. Bác viết: “Dũng là dũng cảm, gan góc, gặp việc phải có gan làm. Thấy khuyết điểm có gan sửa chữa. Cực khổ khó khăn, có gan chịu đựng. Có gan chống lại những sự vinh hoa, tiền tài, phú quý, không chính đáng. Nếu cần, thì có gan hy sinh cả tính mệnh cho Đảng, cho Tổ quốc, cho nhân dân, không sợ hy sinh, gian khổ”.

 

Theo Bác Hồ chữ “gan” rất giản dị, đó chính là dũng khí. Khi con người có lòng tự trọng và có bản lĩnh, có nghị lực thì sẽ có dũng khí. Trên thế giới chúng ta đã thấy không ít những vị nguyên thủ, những chủ doanh nghiệp, tập đoàn kinh tế tuyên bố từ chức. Nhưng ở nước ta thì rất hiếm. Khi một người tuyên bố từ chức, thì điều ghi nhận đầu tiên của mọi người là người đó có dũng khí, có lòng tự trọng cao. Làm không được việc, hoặc vì lý do nào đó mà không hoàn thành chức trách, nhiệm vụ, việc bị hỏng, gây hậu quả nghiêm trọng, thì mất uy tín. Khi đã mất uy tín, nếu tìm mọi cách cố bấu víu quyền lực, dù có được tại vị  sẽ bị người đời coi thường, xử lý công việc kém hiệu quả và luôn ở thế “há miệng mắc quai”. Cách tốt nhất là xin từ chức một cách hợp lý thể hiện văn hóa ứng xử. Như thế, thiên hạ chẳng ai cười, lại còn cho là người tự trọng và được tôn trọng. Còn nếu cán bộ đã mất hết uy tín, không chịu nhận khuyết điểm, không chịu từ chức, thậm chí còn ngoan cố chống chế, bảo thủ, quanh co, đổ trách nhiệm cho người khác, thế là hèn.  Và tham và hèn là thứ sâu mọt đục phá nhân cách hại dân, hại nước.

 

Suy cho cùng thì người có “gan”, nếu có sai thì nhận sai thực sự chân thành để sửa, đó là lối ứng xử có văn hóa. Tham lam, ích kỷ, nói điêu, vu khống, né tránh khuyết điểm, ưa nịnh không phải là có văn hóa. Cũng có kẻ có “gan” như biểu hiện ngoan cố, báo cáo thành tích sai lệch, phát ngôn sai, đánh lạc hướng dư luận… mà vừa qua một số cán bộ lãnh đạo, quản lý ở Hải Phòng trong vụ Tiên Lãng cũng là biểu hiện rõ nét thiếu dũng khí, thiếu trung thực, không dám mạnh dạn nhận ra sai trái để sửa chữa… Như thế không xứng đáng là đảng viên cộng sản vì không có dũng khí.

 

Dũng khí đảng viên còn phải được thể hiện ở chỗ không chỉ mạnh dạn tự nói ra cái yếu, cái sai của mình, mà rất cần phải nói thẳng cái sai, cái yếu của đồng chí mình, nhất là của cấp ủy, Thường vụ, Bí thư. Khi thấy cấp trên sai nhưng ai cũng né tránh, sợ đụng chạm bất lợi cho cá nhân mình cũng là biểu hiện sự hèn kém, cá nhân chủ nghĩa. Ngậm miệng ăn tiền, khi thấy nhiều người nói thì mình mới nói theo, gọi là a dua, không muốn tỏ rõ chính kiến. Cái có lợi cho mình thì hết sức làm, cái có hại cho tập thể, cho người dân, hại cho xã hội thì né tránh không can thiệp cũng là biểu hiện lối sống ích kỷ, vụ lợi, không có dũng khí của cán bộ, đảng viên.

 

Bác Hồ đã dạy: “Các cơ quan, các cán bộ, các đảng viên, mỗi người mỗi ngày phải thiết thực tự kiểm điểm và kiểm điểm đồng chí mình. Hễ thấy khuyết điểm phải kiên quyết tự sửa chữa và giúp đồng chí mình sửa chữa. Phải như thế, Đảng mới chóng phát triển, công việc mới chóng thành công. Nếu không kiên quyết sửa chữa khuyết điểm của ta, thì cũng như giấu giếm tật bệnh trong mình, không dám uống thuốc, để bệnh ngày càng nặng thêm, nguy hiểm đến tính mệnh”.

 

Phê bình, tự phê bình không phải chỉ tiến hành trong nội bộ Đảng, mà cần phải đưa ra quần chúng, phải trưng cầu dân ý, phải thỏa chí dân nguyện, tôn trọng dân và cần được nhân dân góp sức trong cuộc đấu tranh này thì mới nhanh chóng có kết quả, triển khai Nghị quyết mới có hiệu lực trong thực tiễn cuộc sống. Cũng là thực hiện lời Bác dạy: “Việc phê bình phải từ trên xuống và từ dưới lên. Cấp trên phê bình, chưa đủ. Đồng chí, đồng sự phê bình, chưa đủ. Phải hoan nghênh quần chúng phê bình nữa, thì sự phê bình mới hoàn toàn”. Trong thực tế, hiện nay do ích kỷ, tham lam, đầu óc còn cá nhân, thực dụng và cả lợi ích cục bộ mới sinh ra hèn nhát, ngại người khác phê bình mình, khó chịu khi nghe dân phê phán, vạch ra những cái sai, yếu kém sợ mất uy tín và sợ mát ghế.

 

Để thực hiện Nghị quyết Trung ương 4 thành công, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã yêu cầu: “Mỗi cán bộ, đảng viên rất cần nêu cao tính đảng, tính trung thực, thẳng thắn, cầu thị, trên tinh thần xây dựng vì lợi ích của dân, của đất nước, vì sự trong sạch, vững mạnh của Đảng. Trước hết là các đồng chí trong Bộ Chính trị, Ban Bí thư, các đồng chí Ủy viên Trung ương đều thể hiện rõ phẩm chất và bản lĩnh cộng sản kiên cường, cần có dũng khí tự phê bình và kiên quyết đấu tranh phê bình. Tự phê bình và phê bình là vũ khí sắc bén…”

 

Mặt khác phải xác định rằng: Tuy vũ khí sắc bén nhưng cũng dễ bị vô hiệu hóa, không còn phát huy tác dụng, nếu người sử dụng vũ khí không có “gan”, không đủ bản lĩnh, không trung thực. Vì vậy, phê bình, tự phê bình rất cần dũng khí và phải có “gan”, giống như người lính ra trận hôm qua để chiến thắng kẻ thù. Còn hôm nay là bọn tham nhũng hại dân, hại Đảng, muốn chống lại chúng, rất cần dũng khí cách mạng của người đảng viên hôm nay.

 

 

(Phùng Văn Mùi)