"Hổ cụt Tây Nguyên" kể về bộ não làm nên chiến thắng
Mặc dù năm nay đã 92 tuổi nhưng Trung tướng Lê Hữu Đức, nguyên Cục trưởng Cục Tác chiến vẫn còn rất minh mẫn. Ông là một trong bốn người tham gia soạn thảo kế hoạch giải phóng miền Nam từ năm 1973.
Lê Hữu Đức tham gia kháng chiến từ năm 20 tuổi. Ở tuổi 22, ông đã được giao chức vụ Tiểu đoàn trưởng và trong một cuộc chiến với quân Pháp ở Đại Lộc (Quảng Nam) năm 1947, ông bị thương, cụt bàn tay trái. Dẫu chỉ còn lại 1 tay, ông kiên quyết xin được ở lại trong quân ngũ và chiến đấu hầu khắp chiến trường Nam Trung Bộ những năm 1947-1953.
Tháng 6/1953, Lê Hữu Đức được lệnh vượt Trường Sơn ra Việt Bắc về nhận công tác ở Cục Tác chiến - Bộ Tổng tham mưu. Lên Tây Bắc tham gia Chiến dịch Điện Biên Phủ, tại Sở chỉ huy của Đại tướng Tổng Tư lệnh Võ Nguyên Giáp ở Mường Phăng, Lê Hữu Đức được phân công theo dõi các chiến trường miền Nam.
Thất bại thảm hại trong chiến lược “Chiến tranh đặc biệt”, năm 1964, Mỹ đổ quân ồ ạt vào chiến trường miền Nam, tiến hành chiến lược “chiến tranh cục bộ”, mặc dù là thương binh nhưng Lê Hữu Đức vẫn nhất quyết xin được vượt Trường Sơn vào tham gia chiến đấu tại Tây Nguyên - một chiến trường cực kỳ gian khổ, đói rét, bệnh tật để kịp “bám thắt lưng địch mà đánh”. Trên chiến trường, ông là một cán bộ cao cấp nổi tiếng với phương châm “trăm nghe không bằng một thấy, trăm thấy không bằng một sờ” khi ra mệnh lệnh cho bộ đội đánh chiếm các cứ điểm của địch. Trong những năm tháng ác liệt đó, Lê Hữu Đức được mệnh danh là “Hổ cụt Tây Nguyên” khiến quân thù hoang mang, khiếp đảm.
Năm 1972, cuộc kháng chiến chống Mỹ của quân và dân ta chuyển sang giai đoạn tiến công chiến lược, Lê Hữu Đức lại được lệnh vượt Trường Sơn ra Bắc, về nhận nhiệm vụ cương vị Cục phó, rồi Cục trưởng Cục Tác chiến - Bộ Tổng tham mưu (từ 1972 -1979). Tại đây, ông được trực tiếp đóng góp công sức và trí tuệ của mình vào việc soạn thảo Kế hoạch giải phóng miền Nam mà Bộ Chính trị và Quân ủy Trung ương giao cho Bộ Tổng tham mưu.
Theo Trung tướng Lê Hữu Đức, chiến tranh dài ngắn bao nhiêu căn cứ vào sự chỉ đạo chiến lược, nghệ thuật tiến hành chiến tranh và tương quan lực lượng hai bên lúc đó.
Trung tướng Lê Hữu Đức, nguyên Cục trưởng Cục Tác chiến Bộ Tổng tham mưu. |
Bộ Tổng tham mưu - trực tiếp là Cục Tác chiến, bắt đầu xây dựng kế hoạch chiến lược cơ bản giải phóng miền Nam từ giữa năm 1973. Trải qua 8 lần sửa chữa qua ý kiến bổ sung của Quân ủy Trung ương mà trực tiếp là đồng chí Võ Nguyên Giáp, đồng chí Văn Tiến Dũng.
Tháng 4/1973, Bộ Tổng Tham mưu thành lập Tổ Trung tâm nghiên cứu xây dựng kế hoạch giải phóng miền Nam. Tổ gồm 4 đồng chí: Đại tá Vũ Lăng (Cục trưởng Cục Tác chiến), Thượng tá Lê Hữu Đức, Thượng tá Võ Quang Hồ (cùng là Cục phó Cục Tác chiến); Thiếu tướng, Phó Tổng Tham mưu Lê Trọng Tấn làm tổ trưởng. Mỗi tuần tổ dành 2 ngày (thứ ba, thứ tư) để nghiên cứu tại phòng làm việc của đồng chí Lê Trọng Tấn trong Khu A Thành Cổ (nay là Hoàng thành Thăng Long).
Nội dung nghiên cứu kế hoạch chiến lược cơ bản có 5 vấn đề. Một là, nghiên cứu tình hình địch, ta; đánh giá tương quan so sánh lực lượng mạnh-yếu hai bên sau Hiệp định Paris. Hai là, chọn hướng tiến công chủ yếu, mục tiêu tiêu chủ yếu của cuộc tổng tiến công. Ba là phải chọn cách đánh chiến lược. Bốn là xác định những khó khăn cần khắc phục. Năm là, cuộc tổng tiến công nên bắt đầu từ năm nào? Trong 5 nội dung trên, ba nội dung đầu gồm: đánh giá địch; chọn hướng tiến công chủ yếu và cách đánh chiến lược là “mệt óc” nhất đối với Tổ Trung tâm – Trung tướng Lê Hữu Đức nhớ lại.
Về lựa chọn chiến trường chính, sau khi bàn bạc nhiều lần về các phương án kế hoạch, Bộ Tổng tham mưu xác định mở tiến công chiến lược bằng các chiến dịch tiến công theo 3 hướng: Trị Thiên, Tây Nguyên, miền Đông Nam Bộ, trong đó Tây Nguyên là hướng chủ yếu. Ở chiến trường này sẽ mở chiến dịch do Bộ Tổng tham mưu trực tiếp chỉ huy qua Bộ Tư lệnh mặt trận Tây Nguyên, hướng tiến công chính là Buôn Ma Thuột. Từ giữa năm 1973, Cục Tác chiến đã nhận xét Buôn Ma Thuột là nơi hiểm yếu. Đồng chí Lê Trọng Tấn, Phó Tổng tham mưu trưởng đã chỉ thị nghiên cứu về Buôn Ma Thuột. Bộ Tổng tham mưu đã tiến hành cho Học viện quân sự làm bài tập về giải phóng miền Nam, hầu hết đều chọn Buôn Ma Thuột.
Từ ngày 29/5/1973, đồng chí Lê Trọng Tấn cũng đã phổ biến với Tổ Trung tâm về ý kiến của đồng chí Võ Nguyên Giáp và Văn Tiến Dũng phải nghiên cứu đánh vào Buôn Mai Thuột, là chỗ yếu chí tử của địch, đánh được vào đấy mới thắng to. Đồng chí Võ Nguyên Giáp chỉ rõ: “Phải đánh lớn, đánh đau, đánh hiểm mới giành được hoàn toàn bất ngờ, muốn vậy phải làm đường để sử dụng xe tăng, pháo lớn. Phải bàn với công binh khắc phục về địa hình, về hoạt động của địch, mở đường qua sông Sê Rê Pốc vào gần Buôn Ma Thuột”.
Từ chiến thắng Tây Nguyên, Bộ Tổng tham mưu chuyển sang chỉ đạo chỉ huy cuộc tổng tiến công và nổi dậy giải phóng hoàn toàn miền Nam theo quyết tâm và chỉ đạo của Bộ Chính trị.
Trong quá trình diễn biến của chiến dịch Tây Nguyên, Bộ Tổng tham mưu thường xuyên theo sát tình hình chiến trường, nhận địch đánh giá khả năng đối phó của Mỹ-Ngụy cả về chiến lược, chiến dịch, tổng hợp báo cáo đề đạt ý kiến lên Bộ Chính trị và Quân ủy Trương ương. Đồng thời, truyền đạt những nhận định và quyết tâm của lãnh đạo đến tận chiến trường. Những nhận định, phán đoán của Bộ Tổng tham mưu đã giúp Bộ Chính trị và Quân ủy Trung ương có thêm cơ sở để dự kiến từng bước, rút ra kết luận về thời cơ chiến lược, chỉ đạo chiến trường kiên quyết phát triển thế tiến công chiến lược toàn miền Nam.
Chiến dịch Tây Nguyên giành thắng lợi vượt mức. Sau khi toàn bộ Tây Nguyên được giải phóng, ngày 25/3/1975, các lực lượng ta ở Tây Nguyên phát triển tiến công xuống đồng bằng ven biển miền Trung, phối hợp với lực lượng Khu 5 giải phóng Phú Yên, Khánh Hòa và quân cảng Cam Ranh.
Từ diễn biến thực tế tình hình trên chiến trường, Bộ Chính trị và Quân ủy Trung ương khẳng định thời cơ chiến lược lớn đã đến. Ngày 18/3/1975, Bộ Chính trị và Quân ủy Trung ương hạ quyết tâm chuyển kế hoạch cuộc tiến công chiến lược 1975 thành cuộc Tổng tiến công nổi dậy trên toàn chiến trường, giải phóng miền Nam ngay trong năm 1975. Như vậy, Chiến thắng Tây Nguyên có ý nghĩa chiến lược khiến Bộ Chính trị, Quân ủy Trung ương đã ra quyết định rất kịp thời: Khẩn trương chuyển hẳn sang phương án thời cơ.
Trong những tháng ngày đó, Tổ Trung tâm nghiên cứu tình hình địch một cách toàn diện, cố gắng tìm hết chỗ mạnh, chỗ yếu của địch, của ta, hết sức khách quan.
Trung tướng Lê Hữu Đức kể rằng, sau này đồng chí Lê Trọng Tấn có nói với Cục Tác chiến: “Trong chiến tranh, do nắm được tình hình, vận dụng theo phép biện chứng, lại nắm được quy luật, nên nhiều cấp chỉ huy có những tư duy chiến lược trùng hợp là điều dễ hiểu”.
Đồng chí Thượng tướng Hoàng Minh Thảo đã viết trong báo Quân đội nhân dân cuối tuần ngày 19/12/1975 cũng khẳng định: “Từ năm 1973, tôi đã trình bày vấn đề Buôn Ma Thuột với Đại tướng Võ Nguyên Giáp. Nhưng nói một cách sòng phẳng, công đầu thuộc về các anh ở Cục Tác chiến – Bộ Tổng Tham mưu”. Các tác giả của cuốn “Lực lượng vũ trang Tây Nguyên trong kháng chiến chống Mỹ” cũng viết: “Chọn Tây Nguyên làm hướng tiến công chủ yếu và chọn Buôn Ma Thuột làm điểm đột phá chủ yếu cho cuộc Tổng tiến công là một quyết định vô cùng đúng đắn và sáng suốt”.
Công việc chuẩn bị cho trận quyết chiến cuối cùng tháng 4/1975 đã được tiến hành hết sức chủ động, sáng tạo, công phu, kiên trì từ lâu. Với kế hoạch tác chiến chiến dịch của ta, Cục Tác chiến luôn thiết kế có các lực lượng liên tục tiến công địch, đồng thời vẫn tính đến tổ chức các lực lượng dự bị. Vì vậy, trong chiến dịch Hồ Chí Minh, ta có đủ lực lượng với 5 cánh quân (tương đương 5 quân đoàn) ào ạt tiến công và giải phóng Sài Gòn trong 6 ngày đêm. Tuy nhiên, diễn biến cuộc Tổng tiến công chiến lược đột biến quá nhanh, hiếm ai dự kiến được chiến thắng của cuộc tiến công chiến lược chỉ diễn ra với 56 ngày đêm.
Một sự trùng hợp lịch sử thú vị đã diễn ra: hai cuộc kháng chiến thần thánh của dân tộc trong thế kỷ 20 cùng kết thúc bằng cuộc chiến đấu 56 ngày đêm. Nếu như ở Điện Biên Phủ, 56 ngày đêm là thời gian cần thiết cho một trận tiến công dài ngày vào một tập đoàn cứ điểm kiên cố theo phương châm “đánh chắc, tiến chắc” thì 56 ngày đêm Tổng tiến công và nổi dậy ở miền nam là bước kết thúc chiến tranh không ngừng rút ngắn, khẩn trương, thần tốc, nhanh đến không ngờ.
Từ tháng 2/1973 đến ngày 30/4/1975 là giai đoạn Cục Tác chiến dốc toàn bộ khả năng trí tuệ và sức lực của mình để phục vụ sự chỉ đạo của Bộ Thống soái tối cao và Bộ Tổng Tham mưu giành toàn thắng, giải phóng hoàn toàn miền Nam, kết thúc thắng lợi cuộc chiến tranh 30 năm.
Cuộc kháng chiến của dân tộc ta chống đế quốc Mỹ, với một đội quân viễn chinh hơn nửa triệu quân, có trang bị vũ khí hiện đại nhất thời đó với đội quân Ngụy hơn 1 triệu tên cùng quân đội một số nước chư hầu được trang bị vũ khí mới tối tân, là một cuộc “đụng đầu thế kỷ”. Vì vậy, thắng lợi của Việt Nam là thắng lợi có ý nghĩa lịch sử và thời đại. Trong thắng lợi chung của dân tộc và quân đội ta, Cục Tác chiến đã hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ vẻ vang của mình.
Nhắc đến chiến thắng 40 năm trước, vị tướng già lại không cầm nổi nước mắt, cầm bàn tay còn lại của ông, tôi thầm chúc ông sống khỏe, sống lâu để chứng kiến kỷ niệm 50 năm và lâu hơn nữa ngày non sông thu về một mối, chứng kiến “đất nước đứng lên” sau những chiến đấu, hy sinh của cả một thế hệ.
(Theo Báo điện tử Chính phủ)