Dòng họ Lương là cộng đồng người Thái ở Thanh Hóa và Nghệ An có tục thờ hổ. Người ta tin rằng dòng họ của mình có tổ tiên là hổ. Người Thái ở Nghệ An có 4 dòng họ kiêng ăn thịt hổ, đó là: Lộc, Lữ, Lương, Quang. Có truyền thuyết kể rằng, tổ tiên của các dòng họ này được hổ cưu mang. Ngoài việc không làm hại hổ, các dòng họ này còn kiêng thịt mèo. Người ta tin rằng, hổ là chú của mèo. Vì thế cần kiêng kỵ với cả mèo nữa.
Người H’Mông họ Lầu ở huyện Kỳ Sơn cũng có tục thờ hổ và được thể hiện rõ ràng hơn. Vào ngày giỗ họ, người ta dành riêng cho thần hổ một phần thức ăn để sau nhà và cúng gọi linh hồn hổ về ăn. Truyền thuyết kể rằng, nhà nọ có hai anh em mồ côi. Người anh lên rừng bị hổ vồ rồi cải trang thành người anh về ở cùng cô em gái. Sau này hổ và cô gái kết hôn. Từ đó, dòng họ Lầu có tổ tiên là hổ. Chuyện cũng kể rằng sau khi lấy nhau, hổ và cô gái sinh ra một đàn con. Hổ luôn theo bảo vệ vợ con và bị cậu con út vô tình ném đá mà chết, từ đó họ Lầu kiêng cả việc ném đá vào bụi rậm khi đi đường.
Hậu duệ của thầy mo được cho là người từng nuôi rồng trong truyền thuyết về dòng họ Ngân ở Con Cuông - Nghệ An. Ảnh: Hữu Vi |
Ngoài thờ hổ, người Thái họ Ngân ở Nghệ An còn tục thờ rắn. Tập tục này cũng được giải thích bằng một truyền thuyết kể rằng ông tổ của dòng họ ra sông đánh cá nhặt được quả trứng mang về và trứng nở thành rắn. Về sau, rắn hóa thành rồng. Mỗi khi trong họ có việc cưới xin, làm nhà đều mưa to.
Kỳ Sơn là huyện miền núi của Nghệ An có đông người Khơ Mú nhất cả nước với hơn 31.000 người. Nơi đây còn giữ nhiều tập tục thú vị trong đó có việc thờ muông thú (vật tổ). Nổi tiếng nhất là tục thờ con chồn của dòng họ Moong. Tiếng địa phương gọi là chồn “moong”. Cũng như các dòng họ thờ hổ, rắn, người họ Moong không săn bắt hay làm hại con chồn Moong, khi bắt gặp phải cúi chào cung kính. Thậm chí tên gọi của dòng họ (Moong) cũng là tên con thú.
Một bản người Khơ Mú ở huyện Kỳ Sơn - Nghệ An |
Chim rừng cũng là đối tượng thờ phụng của người Khơ Mú xứ Nghệ. Dòng họ Pịt ở Kỳ Sơn và Tương Dương thờ một loài chim nhỏ có đầu và mỏ khá lớn so với thân mình của chúng. Loài chim có tên gọi “nộc pít” này chuyên phá hại lúa rẫy. Dòng họ Hoa thì thờ chim “cho ca” vì có công cứu người Khơ Mú thoát nạn hồng thủy và duy trì nòi giống.
Tục thờ chim muông được giải thích dưới góc độ nghiên cứu văn hóa liên quan đến những tín ngưỡng và tô tem. Cuộc sống thời xa xưa khi con người còn phụ thuộc quá nhiều vào việc săn bắt, hái lượm và phải đối mặt với nhiều nỗi sợ. Con vật đáng sợ nhất chốn rừng già chính là hổ. Từ việc sợ hổ người ta thần thánh hóa nó và trở thành một đối tượng thờ phụng. Rồng là linh vật của nhiều dân tộc trên thế giới trong đó có người Thái. Người ta tin rằng, rắn khi già sẽ hóa rồng cũng là một thứ đáng sợ và được thờ phụng.
Người Khơ Mú là cộng đồng mà cuộc sống hái lượm tự nhiên vẫn còn ăn sâu trong tập quán sinh hoạt cho đến ngày nay. Vì thế, có nhiều dòng họ thờ muông thú, chim chóc. Thậm chí có dòng họ Cụt còn xem một thứ rau rừng (“phắc cút” - rau dún) là đối tượng thờ phụng.
Thông tin bạn đọc
Đóng Lưu thông tin