Đời sống - Xã hội

Cây bàng cổ gần 250 tuổi ở Đô Lương có hiện tượng chết khô dần

09:22, 21/09/2022
Cây bàng cổ có tuổi đời gần 250 năm trên Quốc lộ 7 thuộc làng Nhân Hậu, xã Nam Sơn, huyện Đô Lương, một chứng tích lịch sử của phong trào Xô Viết Nghệ Tĩnh năm 1930 - 1931, đang dần chết khô từ ngọn xuống gốc.
a
Cây bàng cổ có tuổi đời gần 250 năm trên Quốc lộ 7 thuộc làng Nhân Hậu, xã Nam Sơn, huyện Đô Lương.

Lá cây bàng hiện từ ngọn cây xuống các tán phía dưới đang héo vàng và rụng xuống đất. Theo người dân địa phương, đây là hiện tượng bất thường. Bởi theo chu kỳ, khi mùa đông lạnh lá cây bắt đầu chuyển sang màu đỏ tía, sau đó chuyển sang màu vàng rồi mới rụng một cách tự nhiên. Mỗi ngày, người dân sống gần cây bàng phải quét lá thành từng đống để đốt. Nhiều người dân nhìn cây bàng không phải xót xa.

 
Lá cây bàng chuyển vàng, héo và rụng xuống trái mùa.

"Hàng năm, cây chỉ bắt đầu rụng lá vào tháng 11 âm lịch, rụng rải rác cho đến Tết âm lịch mới bắt đầu ra lộc non. Nên việc cây bàng rụng lá thời điểm này là lần đầu tiên thấy", ông Lê Tiến Thức (80 tuổi) ở xóm 6, xã Nam Sơn, huyện Đô Lương chia sẻ.

Cũng theo người dân nơi đây, từ đầu năm 2022 đến nay, cây bàng ra lá kém, đến tháng 4 mới ra đủ lá, không xum xuê như mọi năm.

a
Xung quanh gốc cây bàng chừng 5m lá vẫn còn xanh tươi.

Cây bàng cổ giống một chứng tích lịch sử trong phong trào cách mạng, là biểu tượng tự hào của vùng đất Nam - Bắc - Đặng.

Giai đoạn 1930- 1931, Chi bộ Đảng Đông Dương đã lãnh đạo Nhân dân Tổng Đặng Sơn nhiều lần cắm cờ búa liềm lên đỉnh ngọn cây bàng nơi đây. Thực dân Pháp đã hoang mang hoảng sợ vì phong trào cách mạng của Đảng lên cao.

Theo gia phả họ Nguyễn ở xã Nam Sơn, cây bàng được trồng cuối năm 1778, ngay cạnh đền thờ ông Nguyễn Đăng Qúy - một người có công lớn với triều đình. Tính đên nay, cây bàng có tuổi đời 244 năm.

Nhiều người cho rằng cây bàng đang chết vì già, có người lại nói cây bàng rụng lá bất thường là do bị sâu đục thân. Tuy nhiên, xung quanh gốc cây bàng chừng 5m lá vẫn còn xanh tươi.

a
Lá rụng nhiều nên người dân phải quét, đốt lá hàng ngày.

Ông Bùi Sỹ Thắng - Công chức Văn hóa xã Nam Sơn cho biết: Sáng 20/9, Phòng Nông nghiệp - Phát triển nông thôn cùng Trung tâm Dịch vụ nông nghiệp huyện đã đến kiểm tra hiện trạng của cây bàng cổ và liên hệ với một chuyên gia ở Viện Hàn lâm khoa học để có phương án khắc phục.

Việc cứu sống lại cây bàng cổ có vẻ đẹp kỳ vỹ, nơi in đậm dấu ấn của phong trào cách mạng là niềm mong muốn của chính quyền địa phương và nhân dân nơi đây.

Ngọc Phương

Sự kiện liên quan

Xem thêm sự kiện