Theo nội dung văn bản, Sở Tài chính nhận được Công văn số 10770/UBND-TH ngày 2/12/2024 của UBND tỉnh về việc giải quyết ý kiến, kiến nghị cử tri trước kỳ họp thứ 25 HĐND tỉnh khóa XVIII kèm theo Báo cáo số 343/BC-HĐND ngày 22/11/2024 của HĐND tỉnh về việc Tổng hợp ý kiến, kiến nghị của cử tri trước kỳ họp thứ 25, HĐND tỉnh khóa XVIII. Trên cơ sở chức năng, nhiệm vụ được giao, Sở Tài chính có ý kiến trả lời các kiến nghị thuộc phạm vi quản lý và kính báo cáo UBND tỉnh như sau:
Ý kiến số 34 (Lĩnh vực tài chính): Cử tri xã Minh Hợp, huyện Quỳ Hợp phản ánh về việc các tổ chức hội xã hội (Hội Cựu Thanh niên xung phong, Hội Khuyến học, Hội Dacamdioxix...) cấp xã được ngân sách hỗ trợ hoạt động hàng năm, tuy nhiên chưa có quy định cụ thể các danh mục để chỉ cho các hoạt động, nên khó khăn trong việc làm hồ sơ thanh toán tại kho bạc Nhà nước.
Trả lời: Căn cứ Quyết định số 30/2011/QĐ-TTg ngày 01/6/2011 của Thủ tướng Chính phủ về chế độ thù lao đối với người đã nghỉ hưu giữ chức danh lãnh đạo chuyên trách tại các hội; Tại Điều 3 về nguồn kinh phí thực hiện quy định
- Đối với hội có tính chất đặc thù: Kinh phí thực hiện chế độ thù lao được ngân sách nhà nước cấp hàng năm theo quy định của pháp luật về ngân sách nhà nước.
- Đối với các hội còn lại: Kinh phí thực hiện chế độ thù lao do hội bảo đảm. Tại khoản 2, Điều 14 Nghị định số 45/2010/NĐ-CP ngày 21/4/2010 của Chính phủ quy định về tổ chức, hoạt động và quản lý hội quy định về thẩm quyền cho phép thành lập hội như sau: “Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp tỉnh cho phép thành lập; chia, tách; sáp nhập; hợp nhất; giải thể; đổi tên và phê duyệt điều lệ đối với hội có phạm vi hoạt động trong tỉnh. Căn cứ tình hình thực tế ở địa phương, Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp tỉnh ủy quyền để Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp huyện cho phép thành lập; chia, tách; sáp nhập; hợp nhất; giải thể; đổi tên và phê duyệt điều lệ đối với hội có phạm vi hoạt động trong xã.”
Về chế độ, chính sách của nhà nước đối với các hội có tính chất đặc thù, tại khoản 3, Điều 35 Nghị định số 45/2010/NĐ-CP quy định: “Ủy ban nhân dân cấp tỉnh trong phạm vi chức năng, nhiệm vụ của mình có trách nhiệm quy định, hướng dẫn, tạo điều kiện về cấp kinh phí hoạt động theo số biên chế được giao, hỗ trợ kinh phí hoạt động gắn với nhiệm vụ của Nhà nước và hỗ trợ cơ sở vật chất, phương tiện hoạt động; ban hành cơ chế chính sách để hội có tính chất đặc thù tham gia thực hiện một số hoạt động quản lý nhà nước, các dịch vụ công; tư vấn, phản biện và giám định xã hội; thực hiện các chương trình, đề tài, dự án trong phạm vi chức năng quản lý nhà nước theo thẩm quyền.
Hiện nay, trên địa bàn tỉnh, chưa có hội có phạm vi hoạt động cấp xã nào được UBND tỉnh quyết định công nhận là hội có tính chất đặc thù nên ngân sách nhà nước không có cơ sở để cấp kinh phí thực hiện chế độ thù lao cho người đứng đầu các hội.
Về mức hỗ trợ hoạt động đối với các hội cấp xã giai đoạn 2022-2025: Hàng năm, Sở Tài chính đã tham mưu UBND tỉnh trình HĐND tỉnh xem xét, quyết nghị bố trí kinh phí hỗ trợ hoạt động cho các hội cấp xã theo mức 48 triệu đồng/xã trong dự toán đầu năm và đưa vào dự toán chi thường xuyên cấp xã để UBND các huyện, thành phố, thị xã triển khai thực hiện.
Việc phân bổ cụ thể kinh phí hỗ trợ cho các hội (chi tiết các nhiệm vụ chi) thì UBND cấp xã căn cứ vào tình hình thực tế của địa phương để phân bổ cho phù hợp để trình HĐND cùng cấp xem xét, quyết nghị theo phân cấp.
Ý kiến số 35 (Lĩnh vực tài chính): Cử tri xã Diễn Lâm, huyện Diễn Châu phản ánh xã Diễn Lâm được tặng Bằng khen của Thủ tướng Chính phủ trong phong trào “Cả nước chung sức xây dựng Nông thôn mới” giai đoạn 2011 - 2020 theo Quyết định số 1419/QĐ-TTg ngày 18/10/2019 nhưng đã 5 năm vẫn chưa nhận được tiền khen thưởng theo quy định.
Trả lời: Chính sách thưởng khuyến khích trong xây dựng nông thôn mới của tỉnh Nghệ An được thực hiện theo quy định tại Nghị quyết số 166/2015/NQ-HĐND ngày 10/7/2015 của HĐND tỉnh (đối với giai đoạn 2015-2020) và tại Nghị quyết số 24/2020/NQ-HĐND ngày 13/12/2020 của HĐND tỉnh (đối với giai đoạn 2021- 2025), ngân sách tỉnh đảm bảo đủ nguồn kinh phí để thực hiện chính sách theo quy định.
Đối với các huyện đạt chuẩn nông thôn mới, thị xã hoàn thành nhiệm vụ xây dựng nông thôn mới, các xã đạt chuẩn nông thôn mới, nông thôn mới kiểu mẫu được thưởng công trình phúc lợi quy định tại Quyết định số 1730/QĐ-TTg ngày 05/09/2016 của Thủ tướng Chính phủ về việc Ban hành Kế hoạch tổ chức thực hiện Phong trào thi đua "Cả nước xây dựng Nông thôn mới" giai đoạn 2016-2020, theo đó tại điểm d, Khoản IV, Quyết định số 1730/QĐ-TTg quy định nguồn kinh phí khen thưởng được bố trí từ nguồn ngân sách nhà nước hỗ trợ triển khai Chương trình mục tiêu Quốc giai xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2016-2020 và theo quy định của pháp luật về thi đua, khen thưởng. Đối với các địa phương có điều tiết về ngân sách trung ương (trừ tỉnh Quảng Ngãi), không hỗ trợ kinh phí từ ngân sách Trung ương để khen thưởng.
Nghệ An là tỉnh chưa tự cân đối được ngân sách, đang còn phụ thuộc vào bổ sung cân đối từ ngân sách trung ương, bên cạnh đó ngân sách tỉnh đang còn phải tập trung các nguồn lực để thực hiện các nhiệm vụ chi tiền lương, các chính sách an sinh xã hội, phòng chống dịch bệnh, chính sách khuyến khích trong xây dựng nông thôn mới của tỉnh, các công trình trọng điểm cấp bách, GPMB các dự án..., do vậy ngân sách tỉnh không thể cân đối được nguồn kinh phí theo đề nghị của các đơn vị để thực hiện chính sách khen thưởng được quy định tại Quyết định số 1730/QĐ-TTg ngày 05/09/2016 của Thủ tướng Chính phủ.
Để sớm có nguồn kinh phí thực hiện chính sách khen thưởng cho các địa phương theo quy định tại Quyết định số 1730/QĐ-TTg ngày 05/09/2016 của Thủ tướng Chính phủ, đề nghị UBND tỉnh giao Sở Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn (cơ quan chủ quản chương trình) làm việc với Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn và các Bộ, ngành có liên quan tham mưu Chính phủ xem xét để được bố trí kinh phí từ nguồn ngân sách trung ương hỗ trợ cho địa phương để thực hiện chính sách khen thưởng theo quy định (nêu trên). Khi nhận được hỗ trợ từ nguồn ngân sách trung ương, Sở Tài chính sẽ tham mưu UBND tỉnh quyết định giải quyết kinh phí ngay cho các địa phương để thực hiện chính sách khen thưởng của trung ương theo quy định.
Ý kiến số 36 (Lĩnh vực tài chính): Cử tri huyện Tương Dương kiến nghị khi phân khai các nguồn kinh phí theo khoản 3, Điều 3, Nghị quyết số 137/2024/QH15 của Quốc hội về bổ sung thí điểm một số cơ chế, chính sách đặc thù phát triển tỉnh Nghệ An (cho phép tỉnh Nghệ An khi xác định số bổ sung cân đối từ ngân sách Trung ương cho ngân sách địa phương không tính đối với nguồn thu nội địa từ hoạt động khai thác khoáng sản và nguồn thu thuế từ các cơ sở sản xuất thuỷ điện trên địa bàn miền Tây Nghệ An để đầu tư kết cấu hạ tầng KT -XH trên địa bàn miềm Tây Nghệ An); phân khai về cho Tương Dương nhiều hơn tính theo tỷ lệ vì huyện Tương Dương chiếm đến 47% công suất thuỷ điện của toàn tỉnh; quan tâm phân khai nhiều nguồn lực hơn cho các bản, các xã đặc biệt khó khăn từ nguồn các Chương trình mục tiêu quốc gia theo hướng trực tiếp vào đối tượng được thụ hưởng.
Trả lời:
1. Đối với kiến nghị liên quan đến phân bổ nguồn đặc thù cho các huyện miền Tây Nghệ An tại khoản 3, Điều 3, Nghị quyết số 137/2024/QH15 của Quốc hội ưu tiên cho Tương Dương nhiều hơn tính theo tỷ lệ (vì huyện Tương Dương chiếm đến 47% công suất thuỷ điện của toàn tỉnh).
Thực hiện Kế hoạch số 737/KH-UBND ngày 27/9/2024 của UBND tỉnh về việc triển khai thực hiện Nghị quyết số 137/2024/QH15 ngày 26/6/2024 của Quốc hội về việc bổ sung thí điểm một số cơ chế, chính sách đặc thù phát triển tỉnh Nghệ An, trong đó, giao Sở Tài chính chủ trì tham mưu UBND tỉnh phương án bố trí và sử dụng hiệu quả nguồn vốn từ cơ chế chính sách để đầu tư phát triển kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội trên địa bàn miền Tây tỉnh Nghệ An bảo đảm có trọng tâm, trọng điểm (khoản 3 Điều 3 Nghị quyết số 137/2024/QH15).
Căn cứ quy định của Nghị quyết số 137/2024/QH15, Luật Ngân sách nhà nước, Luật Đầu tư công và các văn bản hướng dẫn; để chủ động chuẩn bị báo cáo kế hoạch đầu tư các dự án kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội trên địa bàn miền Tây Nghệ An giai đoạn 2025-2029 trình cấp có thẩm quyền đảm bảo chất lượng và hiệu quả, Sở Tài chính đã có Công văn số 4173/STC-NST ngày 04/10/2024 đề nghị các Sở, ban, ngành đơn vị cấp tỉnh; UBND các huyện, thị xã khu vực miền Tây Nghệ An chủ động rà soát đề xuất nhu cầu bố trí vốn trong kế hoạch giai đoạn 2025-2029. Hiện nay, Sở Tài chính đang rà soát và tổng hợp trình phương án phân bổ. Đối với các huyện có đóng góp lớn nguồn thu nội địa từ hoạt động khai thác khoáng sản và nguồn thu thuế từ các cơ sở sản xuất thuỷ điện trên địa bàn miền Tây Nghệ An sẽ là một trong những tiêu chí để tính ưu tiên phân bổ ngân sách.
2. Đối với kiến nghị phân khai nhiều nguồn lực hơn cho các bản, các xã đặc biệt khó khăn từ nguồn các Chương trình mục tiêu quốc gia theo hướng trực tiếp vào đối tượng được thụ hưởng: Đề nghị UBND tỉnh chuyển nội dung kiến nghị này tới các cơ quan quản lý các Chương trình Mục tiêu quốc gia trả lời.
Ý kiến số 37 (Lĩnh vực tài chính): Cử tri các xã Minh Hợp, Đồng Hợp, và thị trấn Quỳ Hợp, huyện Quỳ Hợp kiến nghị hỗ trợ công tác phí cho người hoạt động không chuyên trách cấp xã và xóm khi đi tham gia tập huấn từ cấp huyện trở lên.
Trả lời:
1. Chế độ công tác phí trên địa bàn tỉnh Nghệ An hiện thực hiện theo quy định tại Nghị quyết số 19/2017/NQ-HĐND ngày 19/12/2017 của HĐND tỉnh quy định một số mức chi cộng tác phí, chi hội nghị trên địa bàn tỉnh Nghệ An. Trong đó, đối tượng áp dụng chế độ công tác phí bao gồm:
“Cán bộ, công chức, viên chức, lao động hợp đồng theo quy định của pháp luật làm việc tại các cơ quan nhà nước, đơn vị sự nghiệp công lập, tổ chức chính trị, tổ chức chính trị - xã hội, các tổ chức hội sử dụng kinh phí ngân sách nhà nước hỗ trợ;
Đại biểu Hội đồng nhân dân các cấp khi tham gia hoạt động của Hội đồng nhân dân”.
Theo đó, người hoạt động không chuyên trách cấp xã và xóm không thuộc đối tượng được hưởng chế độ công tác phí theo quy định.
2. Tại khoản 8 khoản 9 Điều 3 Thông tư số 40/2017/TT-BTC ngày 28/4/2017 của Bộ Tài chính có quy định:
8. Đối với đại biểu Hội đồng nhân dân các cấp và các đại biểu được Thường trực Hội đồng nhân dân các cấp mời tham dự kỳ họp Hội đồng nhân dân, họp các Ban của Hội đồng nhân dân, giám sát, tiếp xúc cử tri và đi công tác thực hiện các nhiệm vụ khác của đại biểu Hội đồng nhân dân thì Thường trực Hội đồng nhân dân cấp nào mời có trách nhiệm thanh toán tiền công tác phí từ nguồn kinh phí hoạt động của Hội đồng nhân dân cấp đó.
9. Trường hợp cán bộ, công chức, viên chức và người lao động được các cơ quan tiến hành tố tụng mời ra làm nhân chứng trong các vụ án có liên quan đến công việc chuyên môn, thì cơ quan tiến hành tố tụng thanh toán chi phí đi lại và các chi phí khác theo quy định của pháp luật từ nguồn kinh phí của cơ quan tiến hành tố tụng.
Đồng thời, tại khoản 1 Điều 9 Thông tư này có quy định: "1. Trường hợp cơ quan, đơn vị có nhu cầu trung tập cán bộ, công chức, viên chức và người lao động thuộc cơ quan, đơn vị khác đi phối hợp công tác liên ngành nhằm thực hiện nhiệm vụ chính trị của cơ quan, đơn vị đó; trung tập tham gia các đề tài nghiên cứu cơ bản thì cơ quan, đơn vị chủ trì đoàn công tác có trách nhiệm thanh toán toàn bộ chi phí cho đoàn công tác gồm: Tiền chi phí đi lại, phụ cấp lưu trú, tiền thuê phòng nghỉ tại nơi đến công tác theo mức chi quy định tại quy chế chi tiêu nội bộ của cơ quan, đơn vị chủ trì."
Căn cứ các quy định trên, trường hợp người hoạt động không chuyên trách cấp xã, xóm được mời tham gia các nhiệm vụ nêu trên hoặc tham gia các đoàn công tác phối hợp liên ngành; thì được cơ quan, đơn vị chủ trì đoàn công tác thanh toán.
Thông tin bạn đọc
Đóng Lưu thông tin