Hài hước thời khủng hoảng
Nhưng khi đồng rúp bắt đầu mất giá, lạm phát tăng cao và nhiều ngân hàng rơi vào tình trạng đứng bên bờ vực phá sản, thì dân Nga thật sự cảm thấy bất ổn. Năm nay có lẽ là lần đầu tiên sau hàng chục năm lại có nhiều người dân thường quan tâm đến các động thái của chính phủ trong việc hỗ trợ hệ thống tài chính trong nước đến vậy. Người dân phân vân không biết làm sao giữ tiền: để ở nhà hay trong két của các ngân hàng đều nguy hiểm như nhau. Các chuyên gia kinh tế khuyên họ đầu tư vào giáo dục hoặc mua bất động sản chứ đừng ôm tiền hoặc sắm ôtô!
Tình thế chênh vênh của hệ thống các ngân hàng là có thật. Một số ngân hàng ở Nga bắt đầu sa thải nhân viên, dừng tuyển nhân viên mới. Sberbank - ngân hàng lớn nhất nước Nga - lên kế hoạch cắt giảm 20-30% nhân sự trong năm năm tới. Tại những ngân hàng nhỏ hơn, việc này diễn ra ngay trong những tháng cuối năm 2008 chứ không từng bước như Sberbank. Có điều, người Nga ngay trong thời khắc “đen tối” nhất cũng không quên tính hài hước vốn có. Người ta kể cho nhau nghe những mẩu chuyện tiếu lâm như thế này:
“Có hai người quét rác gặp nhau trên sân, người nọ bảo người kia:
- Tôi trông anh quen quen.
- Tôi cũng thấy anh quen quá. Chắc chắn ta đã từng gặp nhau.
- Vậy trước anh làm việc ở ngân hàng nào thế?”.
Không chỉ những nhân viên ngân hàng đối mặt với nỗi lo thất nghiệp. Rất nhiều doanh nghiệp tìm mọi cách cắt giảm chi phí hoạt động, đầu tiên là cắt thưởng, sau đó là các chế độ phụ cấp và cuối cùng là cho một số nhân viên nghỉ việc.
Cô Maria Tolkacheva, làm việc tại Công ty cho thuê trang thiết bị xây dựng Matxcơva, đang đứng ngồi không yên. Tháng trước người ta cắt Internet của cô. Tháng này bắt đầu chậm lương và cô cho rằng rất có thể sang năm mới cô sẽ phải ở nhà làm nội trợ! Một công ty khác từng là đối tác của công ty cô lại giải quyết những khó khăn về tài chính bằng cách sa thải đội ngũ bảo vệ bỗng trở thành “xa xỉ” trong thời buổi gạo châu củi quế này!
Nước Nga nói chung và Matxcơva nói riêng vốn có số lượng lực lượng an ninh lớn vào bậc nhất thế giới và người Nga coi đó là điều tối cần thiết cho việc gìn giữ an ninh trật tự của đất nước. Ấy vậy mà mới đây, ông Vladimir Pronin - giám đốc Sở Nội vụ Matxcơva - đã thông báo với tờ Rossiskaia Gazeta về kế hoạch giảm 15% biên chế nhân viên an ninh của thành phố trong năm tới. Một số người trong ngành còn nửa đùa nửa thật tiết lộ với tôi rằng không chỉ dừng ở con số 15% đâu mà có khi là 50%! Và họ lại hài hước: “Số cảnh sát bị ép về vườn còn biết làm gì ngoài việc... trở thành tội phạm (!) và thế là quân ta sẽ truy bắt quân mình!”.
Kể câu chuyện vui như thế để thấy rằng cho dù móng vuốt của cái gọi là khủng hoảng tài chính thật sự đã chạm vào số phận mỗi con người ở nước Nga thì dân Nga vẫn giữ được tinh thần lạc quan để tự an ủi mình, cũng như kỳ vọng vào những biến đổi theo chiều hướng tốt đẹp, như Tổng thống Dmitry Medvedev nhấn mạnh sau lời dự báo rằng năm tới sẽ khó khăn và phức tạp nhiều hơn: “Tôi thấy một điểm hay là một khi khủng hoảng đã bắt đầu trên phạm vi toàn cầu thì hẳn nó cũng sẽ nhanh chóng được chế ngự trên tất cả các nước”.
Quả vậy. Một điều thú vị và cảm động mà tôi nhận thấy là: người Nga có thể mất việc làm, có thể thắt lưng buộc bụng, bớt rượu, bớt các món ăn sơn hào hải vị trên bàn tiệc vào ngày lễ mừng năm mới tới đây, nhưng những buổi trình diễn tại các nhà hát, ca nhạc kịch, balê, các gala nhạc nhẹ vẫn không hề vắng bớt người xem. Và những bó hoa họ mang tới trao tặng các nghệ sĩ mà họ yêu mến đều to đẹp lộng lẫy, không bớt đi một bông hồng.
THỤY ANH (Matxcơva)