Tỷ lệ tốt nghiệp cao: Bất thường?
Trên biểu đồ tỷ lệ đỗ tốt nghiệp THPT của học sinh Việt Nam qua 4 năm liên tiếp, kể từ khi bắt đầu thực hiện phong trào “Hai không”, có thể thấy, kết quả thi tốt nghiệp năm nay cao hơn hẳn so với các năm trước, đặc biệt là so với năm ngoái. Ở bậc Giáo dục thường xuyên, bậc học thường có kết quả thi đỗ tốt nghiệp thấp, thì năm nay, cũng tăng gần gấp đôi so với năm 2009.
Trả lời những thắc mắc của công luận, đại diện Bộ GD cho rằng, tỷ lệ đỗ tốt nghiệp năm nay hoàn toàn không đột biến.
Ông Trần Văn Kiên, Phó Cục trưởng Cục Khảo thí và KĐ Chất lượng GD (Bộ GDĐT): “Năm 2008, tỷ lệ đỗ tốt nghiệp tăng 8% so với năm 2007, năm 2009 lại tăng so với năm 2008 là 7%, năm nay tăng so với năm 2009 là 9%. Theo tôi, tỷ lệ tốt nghiệp như vậy là tăng đều và hoàn toàn không có đột biến”
Tuy nhiên, dư luận vẫn không khỏi băn khoăn về kết quả thi tốt nghiệp năm nay. Khi mà có những địa phương hoặc những trường, tỷ lệ đỗ tốt nghiệp tăng đột biến. Ví dụ: Trường PTTH Đinh Tiên Hoàng (Quãng Ngãi) thi đỗ tới 90,6%. Trong khi năm 2007, trường này không có học sinh nào đỗ tốt nghiệp, và năm 2009 chỉ đỗ hơn 8%.
Ông Trần Văn Kiên cũng cho biết, Bộ Giáo dục sẽ tiến hành kiểm tra những địa phương có tỷ lệ đỗ tốt nghiệp bất thường, nếu phát hiện tiêu cực sẽ có biện pháp xử lý.
Một số ý kiến nghi ngại, tỷ lệ đỗ tốt nghiệp tăng rất có thể do khâu coi thi ở một số nơi bị lơ là và đề thi có phần dễ hơn các năm trước. Với thái độ thận trọng, GS Phạm Minh Hạc cho rằng, đề thi tốt nghiệp THPT cũng không nên quá khó, quá đánh đố học sinh.
GS.Viện sĩ Phạm Minh Hạc: “Có thể phải xem lại việc ra đề của mấy năm vừa qua, có khi ra đề khó quá, không đúng yêu cầu của một kì thi tốt nghiệp là ra đề phải ở mức trung bình, để các em học trung bình đạt được từ điểm 5 đến điểm 10 đều đỗ được tốt nghiệp”.
Mặc dù tỷ lệ đỗ tốt nghiệp tăng nhưng tỷ lệ học sinh đạt điểm khá giỏi trong kì thi này lại giảm nhẹ so với năm ngoái. Điều này phần nào cho thấy, chất lượng dạy và học hiện vẫn chưa có những bước cải thiện rõ rệt. Số học sinh có học lực trung bình vẫn chiếm số đông.
GS.Nguyễn Lân Dũng: “Đây là thầy chấm nới tay, vì nghĩ là để các em vào đời, đi tìm việc làm, các em không vào được đại học thì cũng cần có những chứng chỉ vào đời, nên trừ những em quá kém, phải học lại, thì mới cho trượt thôi. Các thầy chấm rộng tay. Chứ tôi không nghĩ có gì đột biến trong chất lượng học tập đâu, vì vẫn thế thôi, thầy vẫn thầy như thế, trường vẫn trường như thế, học sinh vẫn thế, chương trình, phương pháp dạy đều vẫn thế”.
Sự quan tâm của dư luận về kết quả kì thi tốt nghiệp THPT năm nay, xét đến cùng, xuất phát từ mong muốn và đòi hỏi của xã hội về một nền giáo dục thực chất, chứ không phải chỉ là hô hào theo phong trào rồi lại rơi vào tình trạng “đầu voi đuôi chuột”. Đông đảo người dân mong đợi, Bộ GD-ĐT sẽ sớm tiến hành hoạt động thanh - kiểm tra ở những nơi có kết quả bất thường để đưa ra câu trả lời xác đáng.
(Theo vtv.vn)