Mới nhất Tin nóng Media Magazine Infographic Tin ảnh

Đào tạo 23.000 tiến sĩ: Khó khả thi!

07:47, 01/07/2010
Đào tạo 23.000 tiến sĩ cho các trường đại học trong vòng 10 năm (2010 – 2020) là một đề án không có tính khả thi vì nhân lực và vật lực đều không đủ

 

Chính phủ vừa phê duyệt đề án đào tạo 23.000 tiến sĩ cho các trường đại học trong giai đoạn 2010 – 2020. Cái giá cho đề án này là 14.000 tỉ đồng, tức khoảng 778 triệu USD. Có thể nói đây là một đề án lớn và có nhiều tham vọng, thực hiện được sẽ nâng cao khả năng khoa học của nước ta lên một tầm mới. Nhưng vẫn còn nhiều câu hỏi về tính khả thi của nó.

 

Các tân tiến sĩ Trường Đại học Bách khoa (Đại học Quốc gia TPHCM) trong ngày nhận bằng. Ảnh: THANH UYÊN
 
 
Thời gian quá ngắn
 
Trong vòng 10 năm, phải đào tạo được 23.000 tiến sĩ là một thời gian rất ngắn so với tiềm năng thực tế. Thời gian cần thiết để đào tạo một tiến sĩ là 4 năm. Do đó, chương trình 2010 - 2020 nếu bắt đầu từ năm 2010 thì chỉ có 6 năm để hoàn tất. Nói cách khác, mỗi năm, VN phải tuyển cho được trên 3.800 nghiên cứu sinh để gửi đi đào tạo, phân nửa trong số này được đào tạo ở nước ngoài. 
 
Tiến sĩ là học vị cao nhất trong hệ thống đại học nên đầu vào rất khắt khe. Thông thường, nghiên cứu sinh tiến sĩ phải có bằng cử nhân danh dự hoặc bằng thạc sĩ nghiên cứu (chứ không phải loại thạc sĩ thông thường). Do đó, số ứng viên theo học tiến sĩ thường rất ít ở các trường đại học. Kinh nghiệm ở Viện Nghiên cứu Y khoa Garvan (Úc) cho thấy mỗi năm, chúng tôi có “ngày hội” tuyển sinh tiến sĩ và chỉ có 1%-2% ứng viên được nhận vào sau khi phỏng vấn.
 
Đó cũng là tỉ lệ mà Trường Đại học New South Wales ghi nhận trong vòng 5 năm qua. Do đó, nếu phải gửi 1.000 nghiên cứu sinh ra nước ngoài học mỗi năm thì con số ứng viên phải tuyển chọn và sàng lọc là 50.000-100.000 người. Nếu tính cả con số ứng viên trong nước, số sinh viên cần tuyển chọn có thể lên đến 200.000 người. Đó là một con số rất lớn so với số sinh viên ra trường hiện nay.
 
Trong thực tế, nhiều sinh viên VN không đủ khả năng để theo học tiến sĩ ở nước ngoài dù đã được đánh giá là có khả năng khi còn ở trong nước. Chương trình 322 (học bổng của Bộ GD-ĐT chủ yếu dành cho cán bộ Nhà nước) đã minh chứng điều đó: Nhiều nghiên cứu viên không đủ kiến thức chuyên môn và ngoại ngữ để theo học ở nước ngoài.
 
Bên cạnh đó, tiếng Anh cũng là một rào cản lớn đối với các sinh viên VN. Cho dù ứng viên có hội đủ điều kiện khoa bảng để theo học tiến sĩ mà khả năng tiếng Anh kém thì vẫn không thể được nhận học tại các trường đại học ở Mỹ, Úc hay Anh. Kinh nghiệm thực tế trong nước cho thấy rất nhiều ứng viên chỉ vì tiếng Anh kém nên không thể theo học tiến sĩ ở nước ngoài. Chẳng hạn như ở ĐBSCL, năm ngoái, dù có quỹ học bổng dành cho sinh viên trong vùng để theo học tiến sĩ ở nước ngoài nhưng không tuyển được người do vấn đề tiếng Anh.
 
Theo đề án, phân nửa số tiến sĩ sẽ được đào tạo trong nước nhưng điều đó lại là một khó khăn khác. Số trường đại học và trung tâm nghiên cứu ở nước ta có khả năng đào tạo tiến sĩ một cách nghiêm chỉnh không nhiều, nếu không muốn nói là “đếm trên đầu ngón tay”. Mỗi năm, VN chỉ công bố được khoảng 1.000 công trình nghiên cứu khoa học, tức bằng khoảng 1/5 Thái Lan và 1/10 Singapore. Trong bối cảnh thiếu nghiên cứu khoa học như hiện nay mà đặt mục tiêu 10.000 tiến sĩ trong vòng 10 năm đào tạo từ các đại học trong nước thì quả thật là một vấn đề nan giải.
 
Chi phí không đủ
 
Ngân sách đào tạo là 14.000 tỉ đồng, trong đó 64% cho đào tạo ở nước ngoài. Theo kinh nghiệm của Viện Nghiên cứu Y khoa Garvan, chi phí đào tạo một tiến sĩ mỗi năm khoảng 30.000 USD. Thời gian cần thiết để đào tạo một tiến sĩ là 4 năm nhưng có thể giả dụ 3 năm thì chi phí tối thiểu cho mỗi tiến sĩ phải là 90.000 USD. Do đó, nếu hơn 10.000 người phải đào tạo từ nước ngoài, chi phí phải hơn 900 triệu USD. Như vậy, với tổng ngân sách khoảng 778 triệu USD, rất khó mà đào tạo được hơn 10.000 tiến sĩ ở các đại học nước ngoài.
 
Nhu cầu nhân lực nghiên cứu khoa học và giảng dạy đại học ở nước ta rất lớn. Tính đến nay, VN đã có 146 trường đại học với khoảng 41.000 giảng viên. Tuy nhiên, số giảng viên với trình độ tiến sĩ chỉ có khoảng 5.900 người, tức chỉ chiếm 14% tổng số giảng viên. Nếu đến năm 2020, VN có thêm 23.000 tiến sĩ và nếu tất cả đều giảng dạy đại học thì số giảng viên với bằng tiến sĩ đến năm 2020 có thể chiếm từ 40%-50% tổng số giảng viên.
 
Theo GS Nguyễn Xuân Hãn, trong suốt 65 năm qua, dù với sự hỗ trợ lớn từ các nước châu Âu, VN mới có khoảng 15.000 tiến sĩ. Thực tế, trong thời gian qua và những phân tích trên đây cho thấy để đào tạo 23.000 tiến sĩ trong vòng 10 năm là một đề án khó khả thi.
 
 
Nên quan tâm hơn đến trung học và tiểu học
 

Trong giáo dục bậc cao và nghiên cứu khoa học, không thể “đi tắt đón đầu” và cũng không thể có những định hướng duy ý chí. Những trường đại học có tiếng ở nước ngoài phải cần đến hàng trăm năm để được công nhận và sự công nhận đó không phải chỉ vì họ có nhiều tiến sĩ mà có mặt bằng về khoa học cao hơn các trường khác. Không thể xây dựng hệ thống đại học tốt khi hệ thống trung học và tiểu học vẫn còn nhiều vấn đề. Có lẽ chúng ta nên quan tâm nhiều hơn đến hệ thống giáo dục trung học và tiểu học.

 
(Nguyễn Văn Tuấn-Báo Người Lao Động)