Mới nhất Tin nóng Media Magazine Infographic Tin ảnh

Đẩy nhanh tiến độ thực hiện Đề án Kiên cố hoá trường lớp học và nhà công vụ cho giáo viên

15:00, 15/07/2010
Theo Đề án Kiên cố hoá trường lớp học và nhà công vụ cho giáo viên giai đoạn 2008-2012, Nghệ An được đầu tư xây dựng 7.665 phòng học và 91.800m2 diện tích nhà công vụ của giáo viên với tổng số kinh phí là 1.307,231 tỷ đồng, trong đó nguồn vốn trái phiếu Chính phủ 1.138,481 tỷ đồng và nguồn vốn địa phương 168,75 tỷ đồng. Tuy nhiên, trong quá trình triển khai Đề án nhiều địa

 

 

Đợt đầu tiên, ngày 08/9/2008, UBND tỉnh Nghệ An quyết định phê duyệt trong năm 2008, đầu tư xây dựng 1.624 phòng học. Ngay sau đó, các địa phương trong tỉnh đã triển khai thực hiện 1.644 phòng. Tuy vậy, đến hết tháng 3/2009, toàn tỉnh mới xây dựng xong 85 phòng, đang xây dở 698 phòng và đang làm thủ tục xây dựng 861 phòng. Cũng tính tại thời điểm này, toàn tỉnh mới giải ngân được 59% nguồn vốn trái phiếu Chính phủ. Tốc độ xây dựng, tốc độ giải ngân đều quá chậm. Nếu để tình hình này tiếp tục diễn ra, chắc chắn đến hết năm 2012, Nghệ An sẽ không đạt được mục tiêu đã đề ra.

 

Trước tình hình đó, Sở Giáo dục và Đào tạo Nghệ An đã chủ trì cùng các ngành, các địa phương liên quan tổ chức rà soát, kiểm tra lại tất cả các khâu trong quá trình triển khai và tìm nguyên nhân làm cho tiến độ thực hiện Đề án chậm. 6 huyện có tốc độ thực hiện đề án quá chậm là Tương Dương, Nghĩa Đàn, Đô Lương, Anh Sơn, Kỳ Sơn, Thanh Chương. Nguyên nhân dẫn đến tình trạng này, một mặt, do các huyện thiếu khẩn trương, mặt khác do vướng mắc trong việc thực hiện các quy định xây dựng hiện hành (nhất là nhiều văn bản mới được bổ sung); giá cả nguyên vật liệu biến động; khó khăn trong huy động nguồn vốn đối ứng; địa hình phức tạp; một số mẫu thiết kế ban hành từ năm 2002 hiện không còn phù hợp, có loại lại chưa có. Song, nguyên nhân cơ bản nhất làm cho tiến độ thực hiện đề án chậm chính là trách nhiệm của lãnh đạo các huyện. Bởi vì, cùng các quy định xây dựng hiện hành như nhau, nhưng nhiều huyện đã có tốc độ thực hiện đề án khá tốt như Nam Đàn, Diễn Châu, Quỳ Hợp, Quỳ Châu, Quế Phong đều đã hoàn tốt thủ tục xây dựng và đang xây dở các phòng học theo đúng kế hoạch đầu tư.

 

 

Để đề án được thực hiện đúng tiến độ, vấn đề cơ bản là không được để thời gian chết. Từ đó, Sở Giáo dục và Đào tạo đã kiến nghị, đề nghị Ban Chỉ đạo của tỉnh yêu cầu lãnh đạo các huyện phải vào cuộc, tranh thủ mọi thời gian, khẩn trương chỉ đạo triển khai các công việc một cách nhịp nhàng; các phòng chức năng của huyện phải dồn sức để tham mưu có chất lượng cao và kịp thời; đối với các ngành cấp tỉnh có liên quan, tập trung hướng dẫn, hỗ trợ các huyện rà soát quy hoạch, lựa chọn danh mục ưu tiên đầu tư theo danh mục đã được phê duyệt, kịp thời giải quyết vướng mắc của cơ sở và tăng cường kiểm tra, đôn đốc.

 

Trong 3 năm, Uỷ ban nhân dân tỉnh Nghệ An đã có quyết định phê duyệt đầu tư xây dựng 5.618 phòng học (năm 2008 xây dựng 1.620 phòng; năm 2009 xây dựng 2.431 phòng; năm 2010 xây dựng 1.567 phòng) và 1.348 phòng công vụ cho giáo viên (năm 2009 xây dựng 960 phòng; năm 2010 xây dựng 388 phòng). Một khó khăn lớn đã nảy sinh: giá cả lên cao làm cho nguồn vốn trái phiếu Chính phủ đã cấp cho Nghệ An và nguồn vốn đối ứng huy động từ các địa phương trong tỉnh chỉ đáp ứng được 62,18% đối với phòng học và 33% đối với nhà công vụ. Một số huyện vùng cao, miền núi có nhiều khó khăn nên việc huy động vốn đối ứng không đảm bảo được theo yêu cầu. Song nhờ giải pháp xã hội hoá việc huy động nguồn vốn nên tiến độ thực hiện đề án kiên cố hoá trường lớp học và nhà công vụ cho giáo viên giai đoạn 2008-2012 ở Nghệ An đã được đẩy nhanh. Tính đến hết tháng 5 năm 2010, toàn tỉnh đã xây dựng xong 2.869 phòng học và 497 phòng công vụ của giáo viên, đang xây dựng 1.897 phòng học và 448 phòng công vụ của giáo viên; tỷ lệ giải ngân vốn trái phiếu Chính phủ năm 2008 đạt 99,51%, năm 2009 đạt 97,56%, năm 2010 đạt 71,88%.

 

Bên cạnh sự cố gắng, tiến bộ chung của cả tỉnh, hai huyện Quỳnh Lưu và Anh Sơn, do chậm trễ trong việc làm thủ tục thực hiện đề án, nên đến nay, vẫn chưa được tỉnh bố trí vốn năm 2010. Đây cũng chính là cách làm kiên quyết của Ban Chỉ đạo tỉnh để chấm dứt tình trạng thiếu nề nếp, thiếu khẩn trương trong thực hiện kế hoạch, nhằm đảm bảo hoàn thành mục tiêu của Đề án đúng thời gian theo yêu cầu của Chính phủ.

 

(Minh Đức)