Giải pháp nào cho giáo dục hòa nhập trẻ khuyết tật ở Nghệ An?
Chúng tôi đến thăm cháu Nguyễn thị Trung ở xóm Tân Hà, xã Võ Liệt, huyện Thanh Chương vào một ngày mưa nên cháu không thể đến trường khi khuyết tật của đôi chân cháu đang trong thời kỳ điều trị. Nhiều người vẫn nói, cháu đi được thế này đã là một kỳ tích rồi, chứ nhìn cháu ngày xưa thì… Quả thật từ khi đi lại được, cuộc sống với cô bé này đã thay đổi. Em được đến trường, được học và được chơi. Tất nhiên, khuyết tật ở đôi chân đã khiến em không thể hòa nhập một cách thực sự cùng các bạn. Song với sự nỗ lực của bản thân, sự giúp đỡ của cô giáo em đã có một tuổi thơ nhiều ý nghĩa hơn và không bị bạn bè xa lánh.
Còn em Nguyễn Đình Hậu ở khối 1 phường Nghi Tân, Thị xã Cửa Lò. Học đến lớp 4 với Hậu là một sự nỗ lực rất lớn của em và thầy cô trường Tiểu học Nghi Tân. Bởi từ nhỏ đã bị căn bệnh chậm phát triển trí não, khiến em lơ ngơ và không được nhanh nhẹn. Việc em học đến lớp 4 mà viết và đọc cũng chưa thạo là cách mà thầy cô giáo động viên để em đến trường hòa nhập cùng các bạn.
Tại trường tiểu học Nghi Tân, thị xã Cửa Lò hiện tại có 830 học sinh, trong đó, số em khuyết tật học hòa nhập là 11, được phân bố đều ở các khối và các lớp. Cùng với Hậu có em Nguyễn văn Toản. Toản là một cậu bé nhút nhát và bị bệnh chậm phát triển khá nặng. Vì thế khi các em theo học ở lớp thì sự tiếp thu bài vở là rất khó khăn, bắt buộc cô giáo phải có sự quan tâm, chăm sóc đặc biệt hơn. Song hiệu quả kiến thức truyền tải đến các em cũng không nhiều. Tuy nhiên, điều mà các em đạt được là sự hòa nhập cùng các bạn, tạo cho em những thói quen giao tiếp và kỹ năng sống trong cộng đồng.
Hay như tại trường TH Nghi Diên, huyện Nghi Lộc, những năm trước đã có riêng một lớp chuyên biệt, để dạy cho các em bị khuyết tật nặng. Nhưng sau một thời gian thực dạy, phần vì các em bị khuyết tật nặng có những hành vi gây ảnh hưởng đến các bạn học sinh bình thường khác, phần do bệnh nặng, các em đi học không đều, nên phải giải tán. Năm 2010, nhà trường đã quyết định đưa một số đối tượng chuyên biệt còn lại theo học hòa nhập ở các lớp bình thường. Tất nhiên cũng là để sắp chỗ cho các em và đánh giá sự tiến bộ của các em theo cách riêng.
Tuy nhiên, bên cạnh tính nhân văn sâu sắc của chủ trương đưa trẻ khuyết tật học hòa nhập cộng đồng chúng ta cũng phải đề cập đến mặt trái của nó khi mà các đối tượng trẻ khuyết tật không có sự phân loại và chọn lọc một cách kỹ càng. Ví dụ như trường hợp học sinh bị điếc bẩm sinh, nên khi theo học khả năng nghe của em là rất kém. Điều này đã gây cho giáo viên chủ nhiệm lớp sự khó khăn lớn. Trong khi tất cả các giáo viên tham gia dạy hòa nhập ở các trường trên địa bàn Nghệ An đều chưa được đào tạo bài bản về phương pháp giảng dạy trẻ chuyên biệt thì khả năng truyền thụ cũng như kỹ năng giảng dạy để các em hiểu là rất hạn chế. Đó là chưa nói đến việc các em khuyết tật tiếp thu chậm sẽ làm ảnh hưởng đến thời gian học tập của các bạn khác.
Không chỉ gây khó khăn cho giáo viên trực tiếp giảng dạy mà nhà trường cũng gặp nhiều trở ngại khi giảng dạy trong điều kiện thiếu thốn về trang thiết bị chuyên biệt để hỗ trợ cho các em. Trao đổi với chúng tôi, thầy giáo Nguyễn Tiến Minh- hiệu trưởng Trường Tiểu học Nghi Tân, TX Cửa Lò cho rằng đây là vấn đề khó khăn nhất trong giảng dạy cho các em khuyết tật.
Trung tâm giáo dục và dạy nghề cho người tàn tật Nghệ An, từ ngày 10/7/2008 chỉ còn chức năng dạy nghề |
Theo thống kê, năm 2010, toàn tỉnh Nghệ An có 4.657 trẻ khuyết tật trong độ tuổi học hòa nhập. Trong đó, số trẻ tham gia học hòa nhập là 3.788 cháu, chiếm tỷ lệ 81%. Đây là một con số khá cao so với bình quân của cả nước. Tuy nhiên, một thực tế là trong số 81% trẻ theo học hòa nhập, chỉ khoảng 1/3 trẻ thực sự hòa nhập được cùng các bạn. Vậy nên 19% trẻ khuyết tật còn lại và một số đối tượng theo học hòa nhập nhưng không có kết quả thì sẽ được vận động để theo học tại “trung tâm giáo dục và dạy nghề cho người tàn tật Nghệ An”. Đây là một trung tâm đã được thành lập từ nhiều năm nay có đội ngũ giáo viên tận tình và được đào tạo bài bản để dạy và hướng nghiệp cho các em khuyết tật.
Song điều đáng nói là, trong khi quyết định 23 của Bộ GD&ĐT đang được triển khai đồng bộ, với những ưu điểm và khuyết điểm khá rõ ràng thì ngày 10/7/2008, UBND tỉnh Nghệ An ra quyết định số 2.927 đổi tên “Trung tâm giáo dục và dạy nghề cho người khuyết tật Nghệ An” thành “Trung tâm dạy nghề cho người khuyết tật Nghệ An”. Điều này đồng nghĩa với việc trung tâm bị từ bỏ chức năng giáo dục, trong khi đây lại là trung tâm duy nhất ở Nghệ An dạy văn hóa cho đối tượng học sinh bị khuyết tạt nặng này. Từ bỏ chức năng giáo dục tức là 19% trẻ khuyết tật và một số các em không theo được ở các trường sẽ không được học chữ. Điều này đã gây những phản ứng đối với giáo viên, học sinh và cả phụ huynh của các em.
Đó là chưa nói đến việc từ bỏ chức năng này sẽ gây lãng phí hàng tỷ đồng của nhà nước khi đầu tư trang thiết bị giảng dạy ban đầu cho trung tâm. Đồng thời gây khó khăn lớn cho nhà trường như số lượng học sinh vào trường học giảm đi rất nhiều, đội ngũ giáo viên trước đây chỉ dạy văn hóa bây giờ lại phải gửi đi đào tạo nghề dể về dạy nghề cho các em. Trong khi các em đã bị khuyết tật rồi mà lại còn không được dạy văn hóa, không được học chữ thì làm sao các em có thể học nghề?
Có thể nói, quyết định 23 của Bộ GD&ĐT về việc đưa trẻ khuyết tật học hòa nhập tại các trường là một chủ trương giàu tính nhân văn và thực sự có ý nghĩa. Tuy nhiên, để việc học hòa nhập của các em có hiệu quả cao, nên chăng tại các địa phương cần có sự phân loại cụ thế những đối tượng trẻ có thể theo học hòa nhập. Trao đổi với phóng viên, ông Nguyễn Thế Sơn- Trưởng Phòng Tiểu học, Sở GDDT Nghệ An cho biết: Sở đang có tờ tình với UBND tỉnh về việc khôi phục lại chức năng giáo dục cho trung tâm dạy nghề người khuyết tật Nghệ An. Bởi từ khi có quyết định từ bỏ chức năng giáo dục của Trung tâm dạy nghề người khuyết tật tỉnh thì số trẻ bị khuyết tật nặng và số trẻ theo học hòa nhập ở các trường Tiểu học không mang lại kết quả đang bị bỏ trống, chưa có một tổ chức nào đảm nhận việc giảng dạy cho các em.
Nghệ An là một trong những tỉnh có số lượng trẻ khuyết tật nhiều nhất cả nước, nhưng lại chưa có một trung tâm nuôi dạy trẻ khuyết tật có quy mô và được đầu tư theo đúng nghĩa cả về cơ sở vật chất lẫn những chính sách đãi ngộ dành cho các cháu. Vậy để 19% trẻ khuyết tật nặng và 2/3 số trẻ theo học hòa nhập tại cộng đồng không mang lại kết quả ấy thực sự được theo học và hưởng những quyền lợi cuả các em theo đúng nghĩa, chúng tôi mong rằng các ban nghành liên quan và đặc biệt là UBND tỉnh Nghệ An cần xem xét và cân nhắc lại việc nên chăng từ bỏ chức năng giáo dục tại một trung tâm duy nhất làm nhiệm vụ giáo dục và dạy nghề cho hàng ngàn trẻ khuyết tật trên địa bàn.
(Khánh Ly)