Giáo dục trong gia đình
Nhiều phụ huynh phàn nàn việc học ngày nay nặng nề, vất vả. Học ngày, học đêm, ngày nghỉ cuối tuần cũng học, thậm chí học cả vào kỳ nghỉ hè.
Giải thích có ngàn lẻ một nguyên nhân. Nào là chương trình học tập ở phổ thông quá nặng, nội dung sách giáo khoa ôm đồm, quá nhiều môn, cái gì cũng đưa vào nhà trường để học… Trong khi ngành Giáo dục (GD) đang loay tìm lối ra thì việc nên làm hiện nay là phụ huynh xem lại phương pháp GD con em mình.
Một đồng nghiệp hễ nhấc điện thoại gọi cho cậu con trai (đang học tiểu học) luôn bắt đầu với câu: Hôm nay con được mấy điểm? Nếu câu trả lời từ phía đầu dây bên kia không phải điểm 9, điểm 10 là cô bạn bắt đầu chì chiết, ca cẩm: Con học hành thế à? Tại sao hôm nay điểm thấp thế…Và kết thúc là một câu mệnh lệnh: Con ngồi vào bàn học ngay đi!
Ngang qua cổng trường giờ tan lớp, chúng ta dễ dàng nghe thấy các câu hỏi: Con được mấy điểm, thay cho câu nói: Chào con, hôm nay giờ học thú vị chứ ? Giờ ra chơi con chơi những trò gì…?
Việc quan tâm thái quá tới điểm số như thế vô tình, lâu dần, tạo sức ép cho trẻ. Khi học, chúng chỉ nghĩ tới điểm mà không quan tâm tới việc có hiểu bài hay không, thậm chí một số học sinh đã tìm mọi cách, kể cả thiếu lành mạnh, để được điểm cao cho cha mẹ vui lòng.
Điểm không có nhiều ý nghĩa. Trong GD hiện đại cũng như xã hội hiện nay, việc coi trọng điểm và bằng cấp đã quá lỗi thời. GD ở bậc học dưới tại nhiều nước tiên tiến không chú ý nhiều tới điểm mà chỉ đánh giá đạt hay không, đạt ở mức độ nào… Kết quả học tập được coi là bí mật riêng tư của HS-SV. Kết quả đó được cho vào phong bì và trân trọng gửi tới HS. Trong trường hợp cần thiết, nhà trường sẽ thông báo kết quả này với phụ huynh.
Một phương pháp GD khác khá phổ biến là đưa ra các mẫu hình để các em học tập. Cha mẹ thường răn dạy con cái với những câu đại loại như: Con thấy anh A, chị B ở đầu ngõ, nó học giỏi thế chứ nuôi mày chỉ tổ hại cơm. Hoặc: Nhà ông C có đứa con học giỏi. Thật mát mặt, chẳng bù cho nhà mình...
Cách nói như thế chẳng những phản tác dụng mà còn phi giáo dục. Chúng ta đều biết, mỗi em một hoàn cảnh, một thế mạnh riêng, không ai giống ai. Bắt các em theo một mẫu hình nào đó là điều không nên và không… tưởng.
Trong một cuốn sách nào đó người ta đã viết: “Vươn lên để trở thành một người khác mình không một ai thành đạt cả. Tính pha trộn của bản thân với người khác càng ít bao nhiêu giá trị cống hiến (của mình) cho xã hội càng lớn bấy nhiêu. Bởi giá trị cống hiến của cá nhân cho xã hội chính là đóng góp cái phần của cá nhân đó chứ không phải cái phần đi bắt chước người ta”.
Một khía cạnh nữa trong việc GD trẻ tại gia đình là việc không tôn trọng các em. Nhiều ông bố bà mẹ khi dạy con học đều thiếu kiên nhẫn và thiếu phương pháp. Khi tập viết, nếu chữ nào chưa đúng các bậc phụ huynh tá hoả lên: Ôi chữ con xấu quá! Thôi chết, sao chữ A lại viết thế này? Rồi từ đó phụ huynh dễ dàng khái quát để dẫn tới một kết luận hết sức bi quan: Học dốt thế này sau chỉ đi làm cu li thôi con ạ. Vẫn biết dạy trẻ khó lắm! Nhưng hãy kiên trì. Khi các em sai, nên chăng chỉ ra sai ở chỗ nào, cách sửa ra sao, tại sao đã sửa rồi mà chưa đúng… Cách nói quy chụp như: học dốt, thiếu thông minh, tiếp thu chậm… sẽ dập tắt mọi hy vọng, khiến các em chán nản, mà đã nản không thể học tốt được.
Chúng ta đều biết, cái khó nhất là giúp các em tìm được sự hứng thú, say mê trong học tập. Khi có được sự say mê, các em sẽ tự đi tìm kiến thức. Trong quá trình đi tìm kiến thức, chúng ta nên chỉ ra cho các em phương pháp giải quyết vấn đề. Chỉ người nào biết tự trau dồi tri thức, người đó mới đủ năng lực làm việc một cách hiệu quả trong một xã hội cạnh tranh và phát triển nhanh như hiện nay.
Một xu hướng khác cũng khá phổ biến trong cách GD hiện nay là quá kỳ vọng dẫn tới việc gán ghép những khả năng ảo (hoặc quá sức) cho các em. Ai đó đã nói: “Tài năng là một thứ năng lực mà người sở hữu nó là kẻ cuối cùng biết đến nó. Tài năng là thứ rất ít khi người có nó nhận ra nó. Bởi vậy nên cái thứ tài năng mà chúng ta nhận ra, rồi tự đánh bóng mạ kền cho nó… thì vẫn là nhầm lẫn”. Chính vì thế đừng nên ảo tưởng về một khả năng nào đó của các em. Phần lớn chúng mới chỉ ở dạng tiềm năng và chỉ có thể gọi là năng khiếu.
Hiện nay, nhiều bậc phụ huynh chênh lệch với con em mình một khoảng cách khá xa về quan niệm và phương pháp GD. Khi gặp một vấn đề gì đó, chẳng hạn như làm bài tập, các em phản ứng: “Không phải như bố mẹ bảo. Cô giáo dạy khác cơ ”. Với những tình huống như thế, lập tức một vài bậc phụ huynh, thậm chí cả GV liền té tát: Im mồm, cấm cãi, nứt mắt ra mà đòi trứng khôn hơn vịt… Cách GD cậy mình bề trên mà tước đi cái quyền cơ bản - quyền được phát ngôn - của con cái là một việc làm phản GD, thậm chí phạm luật. Các em có quyền đưa ra ý kiến của mình, tại sao bắt các em không được cãi.
Chính cách GD như thế đã thủ tiêu chính kiến và sáng tạo, lâu dần biến các em thành người thụ động, chỉ biết làm theo cái mà người ta đã nói, đã dạy; cái mà người ta sai, bảo. Những cá nhân như thế hứa hẹn là ứng viên sáng giá cho vị trí làm thuê hơn là chủ nhân tương lai của đất nước. Đã có lần ai đó phàn nàn HS-SV Việt Nam không biết đặt câu hỏi tại sao. Những điều vừa nói ở trên phải chăng cũng là một phần của câu trả lời?.
Gia đình phải là nơi giải toả tâm lý ức chế, căng thẳng trong học tập và sinh hoạt cho các em. GD trong gia đình là những viên gạch dẫn tới sự thành công không chỉ trong học tập mà cả trên con đường sự nghiệp của mỗi người.
(Theo VOVnews)