Mục tiêu 60% số trường đạt chuẩn quốc gia – bài toán khó!
Trường mầm non Lưu Kiền nằm trong số các trường học của huyện Tương Dương phấn đấu đạt chuẩn quốc gia. Trường có 5 điểm lẻ nằm rải rác ở các bản trong xã. Năm học mới 2010-2011, vận động mãi bà con bản Xoóng Con mới đưa con em đến trường đầy đủ. Và để các cháu có nơi vui chơi, mỗi gia đình trong bản đã đóng góp tranh, tre cùng ngày công gia cố lại lớp học. Nhưng đó cũng là mơ ước của nhiều giáo viên và học sinh ở huyện miền núi nghèo này. Nếu đối chiếu với các quy định mà một trường mầm non đạt chuẩn quốc gia phải có thì trường mầm non Lưu Kiền và nhiều trường mầm non khác ở các huyện miền núi trong tỉnh rất lâu mới đạt chuẩn.
Với CSVC như thế này thì các trường học ở miền núi Nghệ An khó có thể đạt chuẩn quốc gia. |
Bước vào năm học mới, điều mà giáo viên đứng lớp ở các huyện vùng cao lo lắng là sỹ số học sinh. Vì thế trước ngày khai giảng, các giáo viên cắm bản phải thay nhau đến nhà vận động học sinh đến lớp. Bên cạnh đó, những hình thức như giáo viên quyên góp gạo, mua sách vở phát cho học sinh cũng được nhiều trường tổ chức. Theo quy định một trường đạt chuẩn quốc gia phải đạt 5 tiêu chuẩn về tổ chức quản lý nhà trường; cán bộ quản lý, giáo viên và nhân viên; cơ sở vật chất và thiết bị, chất lượng giáo dục, công tác xã hội hoá giáo dục. Trong khi điều kiện đến trường của học sinh miền núi còn muôn vàn khó khăn như thế thì tiêu chí về xây dựng cơ sở vật chất và công tác xã hội hoá giáo dục - 2 trong 5 tiêu chí xây dựng trường đạt chuẩn quốc gia rất khó thực hiện. Cũng chính vì thế mà sau nhiều năm triển khai, đến nay Tương Dương mới chỉ có 6 trên 69 trường đạt chuẩn quốc gia.
Ngoài ra, để xây dựng trường chuẩn quốc gia một số trường đã gặp khó khăn về tiêu chuẩn chất lượng giáo dục. Tiêu chuẩn này có nhiều nội dung, trong đó có nội dung trường tiểu học phải có ít nhất 10% học sinh đạt loại giỏi, 40% học sinh tiên tiến; trường trung học phải có ít nhất 3% học sinh được xếp loại giỏi và 30% học sinh được xếp loại khá về học lực. Để đạt được những yêu cầu này một cách thực chất, không chỉ có sự nỗ lực của thầy và trò là đủ, mà đòi hỏi sự cố gắng bền bỉ, liên tục của cả hệ thống giáo dục trong địa phương. Hiện nay, nhiều trường đã đạt bốn tiêu chuẩn, duy chỉ còn tiêu chuẩn chất lượng là chưa với tới. Khác với cái khó về chất lượng giáo dục, để đạt yêu cầu về cơ sở vật chất, không phải chỉ bằng sức người mà phải có đủ diện tích đất, phải có kinh phí để xây dựng các phòng chức năng. Điều này một mình nhà trường không thể làm được. Với điều kiện là đã có đủ phòng học, mỗi trường mầm non, tiểu học cần đầu tư ít nhất 1,5 tỷ đồng, mỗi trường trung học cơ sở cần đầu tư khoảng 2 tỷ đồng và mỗi trường THPT cần 2,5 tỷ đồng. Nhiều trường được đánh giá có chất lượng cao nhưng vẫn chưa đạt chuẩn vì kinh tế địa phương còn quá khó khăn không thể hỗ trợ. Mặt khác ở thành phố, phần lớn các trường học không đủ diện tích khuôn viên quy định còn ở vùng cao lại gặp khó khăn về mặt bằng để xây dựng trường đạt chuẩn.
Trường THCS Lê Mao phải giảm số lượng học sinh để đảm bảo tiêu chuẩn trường chuẩn quốc gia |
Nằm ở trung tâm thành phố Vinh, trường THCS Lê Mao là trường có chất lượng đứng thứ 3 của thành phố. Năm 2009, trường được giao xây dựng đạt chuẩn quốc gia. Mặc dù được thành phố hỗ trợ gần 4 tỷ đồng và UBND phường hỗ trợ thêm, nhưng công tác xã hội hoá giáo dục vẫn gặp nhiều khó khăn. Bên cạnh đó, với khuôn viên 4.800m2 hiện có, trường THCS Lê Mao phải đưa ra những giải pháp để đảm bảo các tiêu chuẩn trong xây dựng trường chuẩn quốc gia, đó là xây nhà đa chức năng và giảm số lượng học sinh để đảm bảo tiêu chuẩn 6m2/ học sinh.
Năm học 1997-1998, Nghệ An bắt tay xây dựng trường đạt chuẩn quốc gia ở cấp tiểu học. Từ năm học 2002-2003, triển khai tiếp ở ngành học mầm non. Năm 2005, việc xây dựng trường đạt chuẩn quốc gia được Đại hội đảng bộ tỉnh quyết nghị thành một nhiệm vụ quan trọng, một chỉ tiêu chủ yếu của Đảng bộ trong giai đoạn 2006-2010. Đến năm 2010 có trên 60% số trường mầm non, tiểu học và trung học đạt chuẩn quốc gia. Sau 8 năm thực hiện, tính từ năm học 2002-2003, toàn tỉnh có 655 trường đạt chuẩn quốc gia, đạt tỷ lệ hơn 42%. Như vậy, so với chỉ tiêu đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ 16 đề ra, chỉ tiêu về xây dựng trường chuẩn quốc gia trên địa bàn tỉnh đã không đạt. Về các giải pháp, theo ông Nguyễn Trọng Hoàn - phó chánh văn phòng Sở GD-ĐT Nghệ An cho biết, Sở GD&ĐT sẽ tham mưu cho UBND tỉnh có cơ chế chính sách hỗ trợ cho các trường học xây dựng trường chuẩn quốc gia; Xây dựng quy hoạch kiên cố hóa trường lớp học và có lộ trình cụ thể trong quá trình thực hiện phù hợp với thực tế từng địa phương. Bên cạnh đó, các trường học cần phối hợp chặt chẽ với địa phương làm tốt công tác xã hội hóa giáo dục.
Có thể nói, công tác xây dựng trường đạt chuẩn quốc gia thời gian qua đã được toàn tỉnh quan tâm. Hệ thống trường đạt chuẩn quốc gia đã phát huy tốt hiệu quả. Mặc dù vậy, tốc độ xây dựng hệ thống trường đạt chuẩn quốc gia vẫn còn chậm, nhất là ở cấp trung học cơ sở và cấp trung học phổ thông. Hy vọng với những giải pháp mà ngành giáo dục Nghệ An đưa ra trong giai đoạn tới, số lượng trường học đạt chuẩn quốc gia trên địa bàn tỉnh sẽ tăng lên, nhất là ở các huyện miền núi, vùng cao, góp phần nâng cao chất lượng giáo dục và rút ngắn khoảng cách giữa đồng bằng và miền núi. Chuyên mục sự kiện vấn đề tuấn này đến đây.
(Vân Anh)