Những băn khoăn về bộ chuẩn phát triển cho trẻ 5 tuổi
Dự thảo về Bộ chuẩn phát triển cho trẻ 5 tuổi được Bộ GD&ĐT xây dựng từ năm 2005, xét đến 4 lĩnh vực phát triển là thể chất, tình cảm xã hội, ngôn ngữ và giao tiếp, nhận thức và sẵn sàng với việc học, gồm 29 chuẩn với 129 chỉ số đánh giá. Sau thời gian dự thảo, Bộ đã có thông tư ban hành ngày 23.7, theo đó, bộ chuẩn sẽ bắt đầu có hiệu lực từ 6.9 tới. Bộ chuẩn được áp dụng lần này về cơ bản vẫn giữ nguyên những nội dung trong dự thảo, gồm 4 lĩnh vực nhưng rút gọn còn 28 chuẩn với 120 chỉ số. Trường mầm non Hoa Sen là một trong những đơn vị đã từng tham gia các cuộc hội thảo đóng góp ý kiến xây dựng bộ chuẩn do Bộ GD- ĐT tổ chức.
GV lớp 5 tuổi phải chuẩn bị tâm lý cho các cháu khi bước vào lớp 1 |
Lâu nay, nhiều trường mầm non vẫn có những tiêu chuẩn cụ thể đối với giáo dục trẻ ở từng giai đoạn khác nhau. Trong đó đối với trẻ 5 tuổi- năm cuối cùng của bậc học mầm non để chuẩn bị vào lớp 1, hầu hết các trường mầm non đều dành sự quan tâm trên nhiều mặt. Cô giáo Nguyễn Thị Thanh Hương-,GV lớp 5 tuổi, trường Mầm non bán công Hà Huy Tập, TP Vinh cho rằng trẻ 5 tuổi rất hiều động nhưng lại là giao đoạn quan trọng để các em bước vào lớp 1 nên giáo viên ở khối này phải cố gắng truyền đạt cho các em những vấn đề cần thiết, đặc biệt là tâm lý cho các em vào học lớp 1. Cô Phạm Thị Bảo, hiệu trưởng trường mầm non Hà Huy Tập, TP Vinh cho biết, ngoài việc đầu tư cơ sở vật chất, đối với các lớp trẻ 5 tuổi, nhà trường đều bố trí đội ngũ giáo viên đạt chuẩn và trên chuẩn đứng lớp.
Theo Bộ GD&ĐT, bộ chuẩn này được coi là căn cứ để xây dựng chương trình, tài liệu tuyên truyền, hướng dẫn các bậc cha mẹ và cộng đồng trong việc chăm sóc, giáo dục trẻ, đồng thời nâng cao chất lượng chăm sóc, giáo dục, chuẩn bị tâm thế cho trẻ 5 tuổi vào lớp 1. Với nhận thức và sự quan tâm của các trường mầm non dành cho trẻ 5 tuổi trong thời gian qua là điều kiện thuận lợi để triển khai cơ bản các chỉ số đánh giá mà bộ chuẩn đưa ra.
Trẻ 5 tuổi phải nhận dạng được 29 chữ cái tiếng Việt là 1 trong 4 lĩnh vực của bộ chuẩn mới. |
Tuy nhiên, khi thời điểm áp dụng chính thức đã cận kề, thì bộ chuẩn vẫn còn gây khá nhiều khó khăn và lúng túng cho giáo viên, nhất là đối với một số chỉ số hoặc có sự mới so với dự thảo ban đầu.
Bộ chuẩn xét đến 4 lĩnh vực phát triển là thể chất, tình cảm xã hội, ngôn ngữ và giao tiếp, nhận thức và sẵn sàng với việc học. Về thể chất, trẻ 5 tuổi có thể chạy 18m trong khoảng thời gian 5-7 giây và trèo lên, xuống thang ở độ cao 1,5m so với mặt đất... Về phát triển tình cảm và quan hệ xã hội, trẻ phải nói được họ tên, địa chỉ nhà hoặc số điện thoại, tên bố mẹ; có thói quen chào hỏi, xưng hô lễ phép với người lớn, cảm ơn, xin lỗi... Về phát triển ngôn ngữ và giao tiếp, ngoài việc phát âm rõ ràng, không nói tục chửi bậy, trẻ phải tự viết được đúng tên mình, nhận dạng được 29 chữ cái tiếng Việt... Về phát triển nhận thức và sẵn sàng với việc học, bé có thể dự đoán một số hiện tượng tự nhiên đơn giản sắp xảy ra, chỉ ra được khối cầu, khối vuông, khối chữ nhật và khối trụ theo yêu cầu. Bộ chuẩn cũng bổ sung thêm một số chỉ số mới không có trong dự thảo như trẻ 5 tuổi phải biết hút thuốc lá là có hại và không lại gần người đang hút thuốc, hay tham gia hoạt động học tập liên tục và không có biểu hiện mệt mỏi trong khoảng 30 phút.
Cô Phạm Thị Nga, Phó hiệu trưởng trường mầm non Nghi Ân, TP Vinh, cũng như nhiều trường mầm non khác không khỏi băn khoăn khi áp dụng bộ chuẩn này đối với địa bàn vùng nông thôn.
Cũng theo nhiều giáo viên mầm non, nếu lấy chuẩn này để đánh giá đồng bộ chất lượng trường thì số học sinh nông thôn sẽ thiệt thòi hơn ở thành thị. Bởi thực tế hiện nay, nhất là đối với Nghệ An, một tỉnh có tới 10 huyện miền núi, điều kiện cơ sở vật chất trường lớp và đội ngũ giáo viên đang còn gặp nhiều khó khăn.
Có thể nói, việc xây dựng bộ chuẩn phát triển cho trẻ 5 tuổi là điều rất cần thiết để chuẩn bị những điều kiện cần thiết cho trẻ bước vào lớp 1. Và để đạt được mục tiêu này thì các trường mầm non nói chung, giáo viên đứng lớp trẻ 5 tuổi nói riêng cần phải triển khai một cách đồng bộ trong xây dựng cơ sở vật chất, trang thiết bị dạy học cũng như công tác tuyên truyền và phối hợp chặt chẽ với các bậc phụ huynh để chăm sóc, nuôi dạy trẻ.
(Quỳnh Trang)