Mới nhất Tin nóng Media Magazine Infographic Tin ảnh

Tấm lòng một người thầy

15:22, 25/09/2010
Sinh ra và lớn lên tại thành phố Việt Trì (Phú Thọ), có nhà cửa đàng hoàng nhưng lại chọn mảnh đất Đô Lương (Nghệ An) làm nơi "vác tù và hàng tổng". Không vợ, không con, không họ hàng thân thích nhưng suốt hơn 18 năm ròng thầm lặng với công việc nhận nuôi dưỡng hàng trăm đứa trẻ bị bỏ rơi với một tấm lòng hiếm có. Đó là anh Lê Trung Thực - GĐ Trung tâm sản xuất dạy nghề và

 

Từng là giáo viên dạy nghề cắt may có tiếng của thành phố Việt Trì, thầy Thực chuyển về công tác tại trung tâm dạy nghề của tỉnh Nghệ An. Bước ngoặt lớn nhất của đời anh, đó là vào năm 1997, chứng kiến 30 em học sinh tàn tật, mồ côi  của huyện Đô Lương, có nguyện vọng xin vào học tại trung tâm nhưng không được. Bởi thời điểm đó, trung tâm đang trong tình trạng quá tải. Cảm thương cho hoàn cảnh của các em, thầy giáo Lê Trung Thực đã quyết định xin phép lãnh đạo trung tâm và khăn gói lên Đô Lương mở lớp dạy nghề. Từ đây, số phận đã gắn kết cuộc đời anh với những mảnh đời côi cút, bất hạnh.

 

Lúc mới lên, khó khăn thiếu thốn đủ bề, một mình thầy phải lo liệu, xoay xở để nuôi 30 con người, nào là tiền thuê phòng học, tiền phòng nội trú cho học sinh, tiền ăn hàng tháng, tiền điện... Để duy trì việc học và đảm bảo cuộc sống, thầy cùng các học trò của mình đã phải làm đủ nghề: Từ làm đậu phụ, thu mua giấy loại, phế liệu, đến nhận cắt may... Ban ngày thì làm việc, đêm đến, thầy trò lại cắm cúi bên những chiếc máy để học cắt, học may. Năm 1998, thầy Thực bán chiếc xe máy của mình, chiếc nhẫn vàng - vật tùy thân duy nhất phòng khi ốm đau, và cả chiếc đàn ghi ta đã gắn bó từ thời trai trẻ. Số tiền tuy không nhiều nhưng cũng đã giúp thầy biến quyết tâm thành hiện thực. “Trung tâm dạy nghề và giới thiệu việc làm cho trẻ thiệt thòi” ra đời.

 

Cảm động trước những nghĩa của cao đẹp của Thầy, năm 2000, UBND huyện Đô Lương cấp cho thầy 3ha đất ở Lưu Sơn. Để có vốn xây dựng trung tâm, thầy Thực  mở thêm các hiệu may, xưởng mộc, làm thêm nghề thầu xây dựng...

 

Cắt băng khánh thành Trung tâm sản xuất dạy nghề và giới thiệu việc làm nhân đạo Đô Lương

 

Năm 2001, Trung tâm nhân đạo được UBND tỉnh ra quyết định đổi tên thành “Trung tâm sản xuất, dạy nghề và giới thiệu việc làm nhân đạo Đô Lương”, trực thuộc Sở LĐTB&XH. Được nhà nước đỡ đầu, anh có điều kiện nhiều hơn để làm việc “nhân đạo”. Hàng trăm cháu trẻ mồ côi cha mẹ, trẻ bị bỏ rơi, đều được anh nhận về làm con, tự tay mình nuôi ăn, nuôi học, chăm sóc chúng lớn khôn. Có nhiều đứa trẻ bị bỏ rơi khi còn đỏ hỏn, anh đón về, tự mình đặt tên theo nghĩa của cái tâm, cái đức như Lê Trung Đức, Lê Quang Đạo, Lê Thị Minh Phúc.

 

Chính tình thương cho đi không toan tính của một người cha mà các cháu được nuôi dưỡng ở trung tâm đều chăm ngoan, học giỏi. Có đứa giờ đã học lên ĐH, CĐ, có đứa học nghề, đi làm ăn xa, đứa mở ki-ốt làm ăn... và tự  tìm được tương lai cho riêng mình. Nhiều người trong số họ đã trở thành cô giáo và hiện đang sát cánh cùng người thầy của mình, tiếp tục truyền nghề cho các em không may mắn.

 

Khâm phục, cảm động trước những việc làm cao cả, sự hi sinh to lớn của thầy giáo Lê Trung Thực, nhân chuyến thăm trung tâm vào năm 2002, tổ chức Cựu chiến binh Mỹ tái thiết Việt Nam (EMW) và tổ chức Đông Tây hội ngộ (VVRP) đã quyết định tài trợ 16.000 USD giúp trung tâm xây dựng cơ sở hạ tầng. Nhiều người trong số họ không dấu nổi xúc động, trong số đó có cựu chiến binh Mỹ Joel Peterscotti. Ông đã viết  trong sổ lưu bút của thầy Thực với những dòng sâu lắng:  “Tôi cảm động sâu sắc về sự chu toàn của anh đối với các cháu. Tôi thực sự thấy xấu hổ với bản thân mình. Anh dành cả cuộc đời mình để chăm sóc, nuôi nấng những đứa trẻ bất hạnh, còn tôi lại nướng tuổi thanh xuân của mình vào cuộc chiến tranh phi nghĩa... Cảm ơn anh đã mời tôi đến thăm trung tâm để tôi thấy rằng cuộc đời này còn rất nhiều điều tốt đẹp...”

 

Hiện tại, mỗi năm Trung tâm sản xuất, dạy nghề và giới thiệu việc làm nhân đạo Đô Lương đào tạo khoảng hơn 1000 lao động, chủ yếu là các nghề  điện dân dụng, tin học, gò hàn, cắt may... Trong đó, hàng trăm đối tượng được đào tạo miễn phí. Kết thúc khoá học, các học viên được trung tâm giới thiệu việc làm cho các công ty có uy tín. Cùng với đó, trung tâm đang chăm sóc, nuôi dưỡng 30 trẻ  mồ côi, trẻ tật nguyền. Và thầy giáo Thực cũng đang ấp ủ một dự định là sẽ xây dựng thêm khu nhà xã hội ở Quỳnh Lưu, Anh Sơn để mở rộng hơn nữa phạm vi hoạt động nhân đạo. 


Không ít người khi biết những việc làm của thầy giáo Thực đều cho thầy  là “gàn dở”, bạn bè, người thân thì ái ngại cho thầy  khi đã cận kề cái tuổi ngũ tuần vẫn sống độc thân. Nhưng thầy Thực lại nghĩ khác. Gia đình của anh là đây. Các con của anh là những đứa trẻ ngoan ngoãn, xinh xắn này. Hạnh phúc của anh chính là được nhìn thấy chúng lớn khôn, được học hành và thành người.

 

(Thu Vinh)