Mới nhất Tin nóng Media Magazine Infographic Tin ảnh

Gian nan cái chữ ở Bảo Thắng

15:15, 15/11/2010
Bảo Thắng là xã thuộc vùng sâu, vùng xa, vùng đặc biệt khó khăn của huyện Kỳ Sơn. Mặc dù đã có đường ô tô vào đến trung tâm xã, nhưng việc đi lại của bà con vẩn đang còn nhiều khó khăn vất vả, số hộ đói nghèo chiếm gần 76%. Cái chữ vẫn là một hành trình gian nan, nhọc nhằn đối với trẻ em nơi đây.

 

Bảo Thắng là 1/13 xã của huyện Kỳ Sơn và là 1/27 xã của cả tỉnh chưa có điện lưới Quốc gia. Cả xã mới có 92 chiếc ti vi, chiếm 23% số hộ. Ti vi chạy bằng nguồn thủy điện bà con tự làm từ khe suối. Tuy nhiên đến mùa khô, khi nước khe suối cạn thì cũng không sử dụng được. Không có điện nên không tiếp thu được khoa học kỹ thuật, không mở mang được kiến thức.

 

Vì thế, tại buổi tiếp xúc với các đại biểu Quốc hội đầu tháng 10 vừa rồi, bà con Bảo Thắng đã thiết tha mong sớm có điện lưới Quốc gia. Ông Cụt Thanh Hoài – Chủ Tịch UBND xã Bảo Thắng cho rằng: Không có điện con cái học hành cũng khó, bà con muốn sắm cái ti vi để thưởng thức văn hóa, học cách làm ăn của bà con miền xuôi cũng không làm được, muốn có cái máy xay xát cho đỡ vất vả cũng không làm được…

 

Học trò xã Bảo Thắng ôn bài bên bếp lửa

 

 Không có điện nên việc học hành của trẻ nhỏ cũng trở nên gian nan. Người dân Bảo Thắng chủ yếu là người dân tộc Khơ Mú, bản xa nhất cách trung tâm xã đến 7 cây số. Bản không có diện tích lúa nước, phong tục tập quán sản xuất chủ yếu là nương rẫy, có những nương rẫy cách xa nhà 2 – 3 cây số. Mùa làm nương, để bớt thời gian đi lại bà con phải đi làm dài ngày, có khi cả tuần mới về nên các cháu nhỏ, nhất là các cháu bậc tiểu học phải cùng bố mẹ lên nương nên chuyện bỏ học, hay tham gia học tập không đều, bữa được, bữa  mất diễn ra thường xuyên. Vận động được con em đến trường đã khó, nhưng theo các giáo viên thì việc giữ được sỹ số và đảm bảo chương trình học tập cho các cháu còn khó gấp nhiều lần. Bên cạnh đó cơ sở vật chất, trang thiết bị dạy học không đủ, không đảm bảo đã làm ảnh hưởng lớn đến chất lượng dạy và học. Tâm sự với chúng tôi, cô Nguyễn Thị Thanh Hoài  – Giáo viên trường mầm non xã Bảo Thắng cho biết: Vì không tham gia học tập không thường xuyên nên các cháu không ôn được bài cũ, không tiếp thu được bài mới, làm cho việc giảng dạy ở trường vốn đã khó khăn nay lại càng khó khăn hơn. Hơn nữa, cơ sở vật chất quá thiếu thốn, hàng tháng giáo viên lại động viên nhau bớt lại một phần đồng lương của bản thân để mua sắm thêm đồ chơi, đồ dùng dạy học. Nhưng cũng chỉ mua sắm được những cái đơn giản, rẻ tiền còn những dụng cụ đắt tiền thì vẫn chưa mua sắm được. Nhiều khi nhà trường muốn mua cái ti vi để xem thời sự, bộ vi tính để phục vụ giảng dạy cũng không có điện mà dùng.

 

Tâm sự của cô giáo Hoài cũng là tâm sự chung của những người làm nghề giáo ở các huyện miền núi, vùng sâu, vùng xa. Mặc dù, những năm gần đây, Chính phủ đã có nhiều chính sách ưu đãi, nhiều dự án tạo điều kiện nâng cao đời sống vật chất tinh thần cho bà con vùng sâu, vùng xa, nhất là công tác giáo dục, song để miền núi sớm tiến kịp miền xuôi, cần có sự vào cuộc của cả hệ thông chính trị và nhiều chủ trương quyết liệt hơn nữa. Trước mắt, cần sớm xây dựng mạng lưới điện Quốc gia, phục vụ đời sống dân sinh và phát triển kinh tế xã hội.                                   

 

(Danh Thiện)