Mới nhất Tin nóng Media Magazine Infographic Tin ảnh

Tuyển sinh ĐH, CĐ 2011: Nhiều trường tăng chỉ tiêu tuyển sinh

14:40, 21/01/2011
Mùa tuyển sinh năm nay, dự kiến khối ngành kinh tế, tài chính, kế toán vẫn tiếp tục là ngành “hot” thu hút nhiều thí sinh

 

Trái với những ngành trên, ngành công nghệ thông tin và sư phạm lại đang có xu hướng bị “rớt giá”. Nhiều trường vẫn dự kiến mở thêm nhiều ngành học mới và tăng chỉ tiêu tới 20%. Điều này sẽ giúp thí sinh có nhiều lựa chọn hơn.

 

 

Ngành kinh tế tiếp tục dẫn đầu!

 

Không chỉ những mùa tuyển sinh gần đây mà ngay kết quả tuyển sinh trong năm 2010 cho thấy, nhóm ngành kinh tế đã chiếm tới trên 27% trong tổng số thí sinh trúng tuyển vào các trường.

 

Theo kết quả khảo sát trên 80.000 người trên cổng thông tin tuyển sinh của Bộ GD-ĐT cho thấy, có tới 38% người đánh giá tài chính - ngân hàng đang là ngành “nóng” nhất, 22% cho là ngành quản trị kinh doanh. Nhóm ngành từng một thời “nhất y, nhì dược” lại chỉ có 16% người chọn.

 

Năm 2010, dù tổng số hồ sơ đăng ký dự thi giảm khá mạnh nhưng khối ngành kinh tế - quản trị kinh doanh vẫn chiếm tỉ lệ áp đảo so với các khối ngành khác. Có một thực tế là các ngành quản trị kinh doanh, kế toán hay tài chính - ngân hàng đều nằm trong tốp 5 ngành đang được nhiều trường tuyển sinh nhất. Nhưng nhiều chuyên gia tuyển sinh cảnh báo, sự đổ xô vào khối ngành kinh tế đang có sự bất thường.

 

Năm 2011, theo những cơ sở đào tạo đề xuất tăng chỉ tiêu, phần lớn chỉ tiêu xin tăng đều tập trung vào nhóm ngành đang được thí sinh ưa chuộng là ngành kinh tế. Hơn nữa, các trường đại học địa phương và đại học vùng đề xuất tăng từ 500 - 1.000 chỉ tiêu thì nhóm ngành kinh tế chiếm đến hơn 70%.

 

 

Theo TS Lê Thị Thanh Mai - Phó trưởng ban ĐH và sau ĐH - ĐH Quốc gia TP HCM: Năm 2010, trong số 488 cơ sở đào tạo ĐH, CĐ trong cả nước, có đến 360 nơi đào tạo ngành Quản trị kinh doanh, 298 nơi mở ngành Kế toán, 297 nơi có ngành Công nghệ thông tin (CNTT), 269 nơi đào tạo ngành Ngoại ngữ… Nhiều trường có ngành CNTT và Ngoại ngữ đang bị “rớt giá” và trong vài năm gần đây chỉ cố gắng duy trì đào tạo. Tương tự, ngành sư phạm cũng đìu hiu.

  

Bà Lê Thị Thu Thủy, Trưởng phòng Đào tạo Đại học Ngoại thương cho biết, những năm gần đây, thí sinh nộp đơn nhiều nhất vào ngành kinh tế đối ngoại, tài chính ngân hàng, quản trị kinh doanh; các ngành ngoại ngữ, thương mại nhận được ít hồ sơ đăng ký hơn. Nếu như năm 2005, “cơn sốt sư phạm” đã tạo nên kỷ lục về tỷ lệ chọi, thì đến mùa tuyển sinh năm 2010, tỷ lệ hồ sơ đăng ký dự thi vào các ngành sư phạm lại khá khiêm tốn. Đại học Sư phạm TP HCM, tỷ lệ chọi chung toàn trường là 1/4,13. Trong khi đó, các ngành kinh tế, ngân hàng của khối kinh tế  có tỷ lệ chọi cao ngất ngưởng, có thể lên tới 1/40-50.

 

 

Nhiều ngành mới và tăng chỉ tiêu

 

Những năm gần đây, tổng chỉ tiêu tuyển sinh hằng năm thường tăng từ 7 - 10% so với năm trước. Thông tin mới nhất từ Bộ GD-ĐT cho biết, chỉ tiêu tuyển sinh ĐH, CĐ chính quy năm 2011 tăng 6,5% so với năm 2010. Mặc dù việc tuyển sinh năm 2010 quá khó khăn với các trường ĐH ngoài công lập, nhưng nhiều trường vẫn lạc quan dự kiến mở thêm nhiều ngành học mới và tăng chỉ tiêu tới 20%. Trong khi đó, những trường tốp đầu giữ mức ổn định.

 

Hầu hết các trường ĐH tại Hà Nội và TP HCM đều dự kiến năm 2011 tăng từ 5 - 10% tổng chỉ tiêu tuyển sinh so với năm 2010. Trường ĐH Kinh tế TP HCM dự kiến tuyển 4.500 chỉ tiêu (tăng 200 chỉ tiêu). Trường ĐH Luật TP HCM cũng dự kiến tăng 10%. Trường ĐH Sư phạm kỹ thuật sẽ tăng 550 chỉ tiêu bậc ĐH. Đại học Công nghiệp Hà Nội dự kiến chỉ tiêu tuyển sinh 2011 tăng từ 5 - 7%. Đặc biệt là các ĐH vùng, ĐH địa phương đều dự kiến tăng chỉ tiêu tuyển sinh và mở thêm ngành học mới. Song, việc mở thêm ngành học mới đang là dự kiến vì các trường còn chờ Bộ GD-ĐT phê duyệt. Khác với các ĐH vùng, các trường tốp giữa thường xuyên tăng chỉ tiêu tuyển sinh và mở ngành thì các trường tốp đầu luôn giữ ở mức ổn định. Có thể nói, ở các trường tốp đầu, hằng năm có một lượng thí sinh ổn định, chỉ có những thí sinh thực sự khá giỏi mới đủ tự tin đăng kí dự thi...

 

Theo các chuyên gia tuyển sinh, sự mất cân đối trong tuyển sinh đã dẫn đến chênh lệch trong cán cân ngành nghề đào tạo lẫn nguồn nhân lực cho xã hội trong tương lai. Và thời gian tới, khi cung đã vượt cầu, sự thoái trào của “cơn sốt” là điều tất yếu.

 

(Theo VOVnews)