Mới nhất Tin nóng Media Magazine Infographic Tin ảnh

Ứng dụng CNTT trong quản lý, nâng cao chất lượng dạy học các trường THCS, THPT ở Nghệ An

15:15, 20/02/2011
Hiện nay, trên địa bàn tỉnh Nghệ An, việc ứng dụng CNTT đã được triển khai khá rộng rãi trong các trường chuyên nghiệp. Còn ở các trường THCS, THPT, việc ứng dụng CNTT vào tổ chức hoạt động chưa đáng kể. Trước thực tế đó, các trường THCS, THPT Nghệ An đã tích cực thực hiện các dự án KH-CN về ứng dụng CNTT nhằm đổi mới phương pháp quản lý, nâng cao chất lượng, hiệu quả dạy và

 

Xác định vai trò đặc biệt quan trọng của CNTT trên tất cả các lĩnh vực của đời sống, ngay từ những năm đầu thập kỷ 90 của thế kỷ XX, Đảng và Nhà nước ta đã ban hành nhiều Nghị quyết quan trọng ưu tiên phát triển ứng dụng CNTT vào các lĩnh vực kinh tế, xã hội. Như Nghị quyết số 26-NQ/TW ngày 30/3/1991 của Bộ Chính trị, Nghị quyết Hội nghị lần thứ 7 Ban chấp hành TW khóa VII ngày 30/7/1994, Nghị quyết Đại hội đại  biểu Đảng toàn quốc lần thứ VIII... Trong đó, chỉ thị số 58/CT-TW ngày 17/10/2000 của Ban chấp hành TW đã chỉ rõ một trong các nhiệm vụ trọng tâm của ngành GD&ĐT là phải đào tạo nguồn nhân lực CNTT và đẩy mạnh ứng dụng CNTT ở mọi cấp học, bậc học, ngành học.

 

Trong những năm trước, tại tỉnh Nghệ An, việc ứng dụng CNTT đã triển khai khá rộng rãi trong các trường chuyên nghiệp. Còn ở các trường THCS, THPT, việc ứng dụng CNTT vào tổ chức hoạt động chưa thực sự được quan tâm. Mặc dù, các công việc quản lý, phục vụ dạy và học như xếp thời khóa biểu, thống kê phân tích chất lượng giáo viên, học sinh, nắm bắt báo cáo số lượng, tình hình, tình trạng sử dụng sách, thiết bị dạy học... chủ yếu vẫn được thực hiện thủ công, tốn kém về kinh phí, thời gian, mà chất lượng thông tin, độ chính xác không cao. Điều này làm hạn chế không nhỏ đến chất lượng quản lý cũng như hiệu quả dạy và học ở các nhà trường.

 

Tại một số trường học nhận được sự đầu tư, hỗ trợ của chính quyền địa phương, các dự án cũng đều tập trung mua sắm cơ sở vật chất, máy tính (gọi tắt là phần cứng). Đầu tư tốn kém về kinh phí nhưng việc sử dụng, khai thác lại kém hiệu quả nên chỉ sau một thời gian ngắn, số thiết bị, máy móc này nhanh chóng bị lạc hậu, hư hỏng. Chính vì vậy, từ năm 2006 đến nay, chủ trương của Sở GD-ĐT là thay vì đầu tư phần cứng, chuyển sang hỗ trợ phầm mềm, ít tốn kém nhưng mang lại hiệu quả thiết thực khi biết khai thác, vận dụng. Quan niệm này đã làm thay đổi hẳn tư duy, cách làm việc của cán bộ giáo viên nói riêng và các trường học trên địa bàn tỉnh nói chung.

 

Trường THCS Đặng Thai Mai ứng dụng CNTT tổ chức CLB Toán học

 

Từ năm học 2008-2009, Bộ GD-ĐT đã lấy chủ đề “năm học đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin”, tạo mọi điều kiện để hỗ trợ các nhà trường đầu tư trang thiết bị, phần mềm, đào tạo cán bộ giáo viên để bắt kịp làn sóng công nghệ hiện đại. Tại địa bàn tỉnh Nghệ An, một số trường THCS, THPT đã được Sở KHCN phối hợp với chính quyền địa phương chọn làm điểm triển khai dự án “Xây dựng mô hình ứng dụng công nghệ thông tin trong công tác quản lý, giảng dạy và học tập”. Cụ thể là các Trường THPT Cửa Lò, THPT Thái Lão, THCS Đặng Thai Mai.

 

Tháng 10/2006, trường THPT Cửa Lò là trường chuẩn quốc gia đầu tiên của Nghệ An sớm ứng dụng CNTT vào công tác giảng dạy. Vạn sự khởi đầu nan, ứng dụng CNTT vào giảng dạy ban đầu là một bài toán đố với hầu hết giáo viên của trường nhưng qua một thời gian không dài, chủ trương này đã cho thấy hiệu quả tích cực khi CNTT mang lại cho cả thầy và trò không gian mới nhiều hứng thú trong lớp học.

 

Sau 18 tháng triển khai dự án, từ tháng 10/2006 đến tháng 4/2008, dự án đã hỗ trợ nhà trường các thiết bị cần thiết để hoàn chỉnh một phòng thiết kế, xây dựng bài giảng điện tử, phòng đa phương tiện phục vụ cho công tác giảng dạy bài giảng điện tử. Hỗ trợ và đào tạo 20 cán bộ giáo viên thành thục các phần mềm như soạn bài giảng điện tử POWERPOIN, FLASH, PHOTOSHOP; giúp 16 giáo viên xây dựng được 30 bài giảng điện tử cho 8 môn học Toán, Lý, Hoá, Sinh, Sử, Địa, Tin học và Ngoại ngữ. Các bài giảng đã được ban chuyên môn nhà trường đánh giá cao, có tác dụng trong việc đổi mới phương pháp giảng dạy, phát huy tính tích cực của học sinh. Ngoài ra, thông qua dự án, các cán bộ giáo viên đã được chuyển giao các phần mềm quản lý nhà trường, “vào điểm trực tiếp” trên mạng, quản lý thư viện, xếp thời khoá biểu, khai thác internet, quản lý mạng LAN..v.v... Việc ứng dụng các phần mềm đã cho thấy đây là công cụ đắc lực giúp nhà trường quản lý chất lượng giảng dạy, học tập một cách khoa học, nhanh chóng và chính xác.

 

Trường THPT Thái Lão cũng là một trong 3 trường được triển khai dự án KHCN về  “ứng dụng công nghệ thông tin” trong công tác quản lý, nâng cao chất lượng dạy và học.

 

Với thế mạnh 80% cán bộ, giáo viên trẻ, việc đào tạo, làm quen với máy tính, mạng internet, các phần mềm tại trường được triển khai nhanh chóng. Nếu thời kỳ đầu, giáo viên còn phải đánh vật với giáo án điện tử. Để soạn một bài giảng phải mất tới 2 ngày trong đó yếu tố kĩ thuật gây hạn chế nhiều cho việc soạn giáo án. Thì nay, qua thời gian, kĩ năng soạn giáo án điện tử ngày càng thuần thục. Với sự trợ giúp của Internet, tài liệu phong phú trong các xuất bản phẩm, máy tính xách tay, ngân hàng dữ liệu các giáo viên đã có từ trước nên việc soạn giáo án điện tử chỉ còn mất từ 2 – 4 tiếng.

 

Với bộ môn Tiếng Anh, trước đây, việc giảng dạy bằng bảng, phấn, đài catset khiến giáo viên rất khó tạo được hứng thú cho học sinh. Bởi tiếng Anh là môn học đặc thù không chỉ đòi hỏi giao tiếp giữa thầy và trò mà bao hàm một lượng kiến thức rộng giáo viên cần phải truyền đạt. Đó là những nội dung về đất nước, con người, tôn giáo, địa lí... mà nếu bằng phương pháp truyền thống sẽ không thể khiến học sinh “cảm” được đất nước và con người ở những vùng đất khác trên thế giới. Vì vậy những tiết dạy bằng giáo án điện tử với các hình ảnh sinh động đã không chỉ giúp học sinh dễ tiếp thu bài học mà còn giúp giáo viên dễ dàng lồng ghép các câu hỏi kiểm tra kiến thức học sinh...

 

Từ hiệu quả của những tiết dạy giáo án điện tử, số giáo viên đăng ký sử dụng máy chiếu ngày càng nhiều. Giáo viên đã có sự chuyển đổi về nhận thức, từ qui định mang tính áp đặt lúc ban đầu sang tâm thế thích thú với bài giảng ứng dụng CNTT.

 

Với kinh phí không nhiều, chỉ gần 200 triệu đồng, nhưng sau 20 tháng thực hiện dự án, mô hình ứng dụng CNTT đã góp phần nâng cao chất lượng quản lý, đổi mới phương pháp dạy và học của nhà trường. Phần lớn cán bộ giáo viên đã nắm vững các phần mềm quản lý nhà trường School Assist phiên bản 4.0; Phần mềm Thi trắc nghiệm, Tư liệu dạy học, PowerPoint, Flash, PhotoShop. Sau dự án, 9 bộ môn Toán, Tin học, Vật lý, Hóa học, Sinh học, Ngữ Văn, Lịch sử, Địa lý, Ngoại ngữ đã được giảng dạy bằng giáo án điện tử. Kết quả khảo sát khả năng tiếp thu của học sinh cũng như sự yêu thích đối với sử dụng giáo án điện tử vào đầu năm 2010 cho thấy, ở các môn học có tỷ lệ học sinh yêu thích và tiếp thu tốt hơn khi được học giáo án điện tử đều đạt từ 94-100%.

 

Là một trường điểm của thành phố ở bậc học THCS tại TP Vinh, trường THCS Đặng Thai Mai đã triển khai dự án đầu tư CNTT từ năm 2008. Với những thuận lợi về cơ sở vật chất, trang thiết bị, nhưng những năm trước đây, cán bộ giáo viên hầu như chưa biết cách khai thác hiệu quả. Với việc đào tạo nâng cao trình độ vi tính, internet cho cán bộ giáo viên, mua và cài đặt 8 phần mềm soạn giáo án điện tử Violet, anh ngữ, thư viện tư liệu dạy học, chỉnh sửa video clip, phần mềm tư vấn hướng học, tạo đề thi trắc nghiệm, quản lý nhà trường, quản lý thư viện, sau 20 tháng triển khai dự án, các phần mềm hữu dụng đã tạo nên một bước chuyển nhảy vọt đối với công tác quản lý và dạy học của trường.

 

Gần 80 bài giảng điện tử được xây dựng, hàng trăm bài giảng được dowload và sửa chữa. Số tiết dạy bằng giáo án điện tử dày đặc trong sổ đăng ký. Trong hai năm học vừa qua, toàn trường đã có 1291 tiết dạy bằng giáo án điện tử. Tỷ lệ học sinh hứng thú ở mức rất thích và thích, nắm vững và hiểu cả bài qua khảo sát chiếm trên 90%. Đặc biệt, rất nhiều em đã năng động tham gia và đạt giải cao trong các cuộc thi trên mạng của ngành giáo dục - Thầy giáo Võ Hoàng Ngọc, Hiệu trưởng trường THCS Đặng Thai Mai cho biết.

 

Qua kết quả của các dự án, có thể thấy vai trò của CNTT trong công tác quản lý, giảng dạy và học tập đã ngày càng được khẳng định. Tin tưởng rằng với những kết quả bước đầu đã đạt được, sẽ góp phần khơi nguồn cho phong trào ứng dụng CNTT vào đổi mới phương pháp dạy học và quản lý trong các trường phổ thông của tỉnh Nghệ An.

 

Tuy nhiên, việc đẩy mạnh ứng dụng CNTT trong các trường học ở Nghệ An đến thời điểm này có thể nói mới chỉ tập trung ở 2 bậc học THPT và THCS, còn tiểu học và mầm non hầu như rất ít. Trong đó, việc ứng dụng CNTT mới chỉ dừng lại ở khía cạnh điều hành và quản lý giáo dục; còn công tác giảng dạy nói chung vẫn còn nhiều khó khăn, bất cập. Để đưa CNTT vào nhà trường, thực sự tạo nên một bước chuyển mạnh mẽ về cách thức quản lý, cách dạy và học, thiết nghĩ đối với một tỉnh nghèo như Nghệ An, bên cạnh sự đầu tư, hỗ trợ của các ngành chức năng, chính quyền địa phương, điều quan trọng chính là mỗi cán bộ, giáo viên phải tự đổi mới tư duy, nâng cao trình độ, tự học để bắt nhịp với sự phát triển của xã hội. Có như vậy, mới có thể làm chủ thiết bị, khai thác, sử dụng hiệu quả các phần mềm, tránh sự lãng phí trong đầu tư, phát triển hiệu quả sự nghiệp giáo dục.

 

(Hoa Mơ)