Mới nhất Tin nóng Media Magazine Infographic Tin ảnh

Bốn thập kỷ ở một trường nghề

08:52, 19/03/2011
Trải qua 4 thập kỷ, vượt qua nhiều thăng trầm, cùng với nhiều lần đổi tên, nhiều lần sáp nhập, trường Cao đẳng nghề Kĩ thuật Việt - Đức nay đã trở thành một trung tâm dạy nghề tiêu biểu của Nghệ An và khu vực Bắc miền Trung.

 

Năm 1972, cuộc chiến tranh đánh đuổi đế quốc Mĩ của quân và dân Việt Nam đang dần đến ngày toàn thắng. Tháng 4 năm 1972, Đại hội Đảng bộ tỉnh Nghệ An đánh dấu mở đầu giai đoạn chuyển biến cách mạng trong lĩnh vực xây dựng kinh tế, với mục tiêu phấn đấu đưa nền kinh tế tỉnh nhà từ sản xuất nhỏ lên sản xuất lớn XHCN theo tinh thần của T.Ư Đảng.

 

Để chuẩn bị cho công cuộc xây dựng lại quê hương sau chiến tranh, chủ trương của tỉnh là phải thành lập ngay các trường nghề liên quan đến đào tạo đội ngũ công nhân kiến trúc, xây dựng và cơ điện. Tháng 8/1972, UBND tỉnh đã ra quyết định thành lập Trường Công nhân Kiến trúc Nghệ An. Đây được coi là tiền thân của trường Cao đẳng nghề kỹ thuật Việt Đức ngày nay. Thời đó, trường phải sơ tán tại xã Đồng Thành, huyện Yên Thành, nhưng gần 60 giáo viên và học trò thời ấy đã nỗ lực vượt qua hoàn cảnh, vừa dạy, học văn hóa vừa dạy nghề.

 

Sau ngày giải phóng đất nước, bước vào thời kỳ đầu xây dựng lại thành phố Vinh, cùng với sự ra đời của một loạt các công ty xây dựng, công ty xây lắp, đội ngũ công nhân có trình độ chuyên sâu các nghề trong lĩnh vực này thiếu nghiêm trọng. Để kịp thời cung cấp nguồn nhân lực có tay nghề cho các công trình xây dựng thành phố, thực hiện Hiệp định ký kết giữa hai Chính phủ, đầu năm 1975, Cộng hòa LB Đức đã viện trợ xây dựng toàn bộ cơ sở vật chất cho nhà trường. Ghi dấu sự hỗ trợ này, trường đổi tên thành Trường Kỹ thuật xây dựng Việt Đức, đứng chân tại tiểu khu Trung Đô, nay là phường Trung Đô thành phố Vinh.

 

  

Trường CĐ dạy nghề Việt Đức tổ chức tư vấn, hướng nghiệp cho học sinh THPT Đô Lương

 

 

Đồng hành cùng với những khó khăn của đất nước, của tỉnh nhà trong giai đoạn xây dựng kiến thiết sau chiến tranh, công cuộc đổi mới đất nước những năm 80, 90, trường cũng nhiều lần sáp nhập và đổi tên theo chủ trương của tỉnh nhằm tập trung quản lý công tác đào tạo nghề.

 

Trong bối cảnh khó khăn chung của công tác đào tạo nghề những năm đầu thế kỷ 21, Nghị quyết 07/TU của thường vụ Tỉnh ủy Nghệ An về việc phát triển dạy nghề giai đoạn 2001-2005 được xem là cú hích quan trọng xốc lại tinh thần cho cán bộ, giáo viên và học sinh của nhà trường. Nghị quyết đã giao nhiệm vụ cho nhà trường: “củng cố, mở rộng quy mô, nâng cao chất lượng, kiện toàn bộ máy quản lý, sàng lọc lại đội ngũ giáo viên. Đầu tư ngân sách để nâng cấp cơ sở vật chất và trang thiết bị dạy học, đạt chất lượng quốc gia”.

 

Từ năm 2005, phương châm đào tạo của nhà trường là vừa dạy học vừa thực hành, trực tiếp lao động làm ra sản phẩm cho xã hội qua đó nâng cao tay nghề cho học sinh. Hàng năm, tuyển sinh đầu vào của nhà trường luôn vượt chỉ tiêu giao. Trong 5 năm 2001-2005, trường đã đào tạo tốt nghiệp bậc trung cấp cho trên 2.700 công  nhân lành nghề, đào tạo ngắn hạn gần 1.800 học sinh, tổ chức dạy lái xe cho gần 2.700 học viên. Là một trường dạy nghề tiêu biểu tại tỉnh Nghệ An, trường Kỹ thuật Việt – Đức là một trong 36 trường dạy nghề của cả nước được Bộ LĐ-TB-XH xác định tập trung đầu tư thuộc chương trình mục tiêu quốc gia giáo dục đào tạo giai đoạn 2006-2010. Bên cạnh đó, là một trong 10 trường của cả nước được chính phủ CHLB Đức cho vay vốn ODA, nhờ vậy, trường có điều kiện thuận lợi trong việc huy động vốn đầu tư hàng chục tỷ đồng để hiện đại hóa cơ sở vật chất, trang thiết bị dạy học, xưởng thực hành… Với quy mô đào tạo ngày càng được mở rộng, trang thiết bị hiện đại, đội ngũ cán bộ giáo viên không ngừng được nâng cao trình độ, nghiệp vụ, tháng 1 năm 2007, trường kỹ thuật Việt Đức chính thức được nâng cấp thành trường Cao đẳng nghề kỹ thuật Việt Đức Nghệ An.

 

Từ trung cấp lên cao đẳng, nhất là Cao đẳng nghề, một cấp đào tạo còn rất mới mẻ, bằng tinh thần đổi mới nhà trường đã tập trung mọi nguồn lực để nâng cao trình độ giáo viên, tăng cường thiết bị dạy học, biên soạn các giáo trình mới, đổi mới phương pháp đào tạo tập trung vào thực hành, nghiên cứu khoa học, đầu tư nâng cấp về khoa học và công nghệ. Chỉ trong một thời gian ngắn, diện mạo trường Cao đẳng nghề kỹ thuật Việt Đức đã đổi thay nhanh chóng theo hướng hiện đại hóa.

 

Đào tạo theo 3 cấp trình độ: cao đẳng, trung cấp và sơ cấp, mỗi năm nhà trường đào tạo từ 2.500 – 3.000 học sinh chính quy các ngành công nghệ ô tô, hàn, điện công nghiệp, cấp nước, kỹ thuật xây dựng, cốt thép, mộc xây dựng… Nhà trường cũng đã năng động mở thêm các lớp đào tạo ngắn hạn lái xe ô tô, cấp chứng chỉ điều khiển phương tiện thủy nội địa. Đáp ứng yêu cầu học tập của đông đảo học sinh trong tỉnh, trường liên kết với Đại học Mở, Đại học Xây dựng Hà Nội đào tạo thêm một số chuyên ngành như quản trị kinh doanh, kế toán, luật kinh tế… với quy mô từ 1.500 – 2.000 học sinh mỗi năm.

 

Với phương châm nâng cao kỹ năng nghề cho người lao động đáp ứng theo yêu cầu của thị trường, bên cạnh việc phát huy tối đa hiệu quả các trang thiết bị được hỗ trợ từ CHLB Đức, trường Cao đẳng nghề kỹ thuật Việt Đức đã tích cực, chủ động, trong việc huy động các nguồn vốn để đầu tư hàng chục tỷ đồng, nâng cấp hệ thống thiết bị trên 10 xưởng thực hành. Chính vì vậy, có thể nói hiện nay, trường Cao đẳng nghề kỹ thuật Việt Đức là một trong số ít các trường nghề có đầy đủ các trang thiết bị hiện đại phục vụ tốt cho việc giảng dạy và học tập.

 

Đẩy mạnh phong trào thi đua học tập, thi đua dạy tốt, hàng năm, nhà trường tổ chức tốt các đợt thao giảng dự giờ, thi giáo viên dạy giỏi. Từ năm 2005 đến nay, đã có 5 giải nhất, 1 giải nhì giáo viên dạy giỏi cấp quốc gia. Nhiều học sinh, sinh viên của nhà trường cũng đạt giải cao trong các kỳ thi tay nghề cấp tỉnh.

 

Xác định yếu tố tiên quyết nâng cao chất lượng đào tạo chính là con người. Song song với việc đầu tư nâng cấp trang thiết bị, nhà trường cũng đặc biệt chú trọng đến nguồn lực cán bộ giáo viên. Tự học nâng cao trình độ, tham gia các lớp để tự chuẩn hóa, có cơ chế khuyến khích giáo viên đi học để nâng cao trình độ Đại học và sau Đại học, mời các chuyên gia về giảng dạy phổ cập kiến thức, bồi dưỡng nghiệp vụ sư phạm  … với các giải pháp tích cực này, từ chỗ chỉ có 7 thạc sỹ, 57 giáo viên đạt trình độ Đại học vào năm 2007, thì sau 4 năm, 85% cán bộ giáo viên của trường đã có trình độ Đại học và sau Đại học, trong đó thạc sỹ gần 30%.

 

Trưởng thành từ gian khó, là cái nôi đầu tiên của tỉnh trong lĩnh vực dạy nghề, từ buổi đầu chỉ có trên 50 học sinh theo học lớp công nhân kiến trúc đến thời kỳ mở rộng quy mô đào tạo đa ngành với hàng nghìn học sinh, sinh viên. Đến nay, trường Cao đẳng nghề kỹ thuật Việt Đức đã được công nhận đạt chuẩn quốc gia với cấp độ cao nhất trong hệ thống thẩm định chất lượng dạy nghề toàn quốc. Những phần thưởng cao quý: Huân chương lao động hạng nhất, nhì, ba; nhiều bằng khen của Thủ tướng CP, các bộ, ngành từ trung ương đến địa phương là sự ghi nhận những nỗ lực vì sự nghiệp dạy nghề của các thế hệ cán bộ, giáo viên của nhà trường trong 40 năm qua - Thầy giáo Trần Xuân Trường, hiệu trưởng nhà trường tự hào.

 

Trong bối cảnh khó khăn chung của các trường dạy nghề trong tỉnh cũng như cả nước, sự đòi hỏi ngày càng khắt khe của thị trường lao động, với bề dày truyền thống, với nhiều thuận lợi về nguồn lực khách quan và chủ quan, hi vọng trường Cao đẳng nghề kỹ thuật Việt Đức sẽ tiếp tục có những bước phát triển bền vững, giữ vững vị thế là một trong những ngôi trường trọng điểm của tỉnh và khu vực Bắc miền Trung trong lĩnh vực dạy nghề.

 

(Hoa Mơ)