Mới nhất Tin nóng Media Magazine Infographic Tin ảnh

Cần nâng cao chất lượng giáo dục hướng nghiệp ở bậc THPT

15:41, 27/03/2011
Hoạt động giáo dục hướng nghiệp cho học sinh đã được đưa vào chương trình bậc trung học phổ thông, nhưng thực tế nhiều nơi chỉ hướng dẫn qua loa. Có nơi bắt tay vào làm còn nhiều lúng túng và chưa đồng bộ.

 

  

Ngày hội tư vấn tuyển sinh, hướng nghiệp ở Yên Thành.

 

 

Thật khó để trả lời cho câu hỏi: Có bao nhiêu người trên 18 tuổi ở nước ta khẳng định chắc chắn rằng họ đã được hướng nghiệp rõ ràng, đầy đủ khi họ chuẩn bị rời ghế phổ thông? Thực tế là, phần đông học sinh đến đầu lớp 12 khi đặt bút làm hồ sơ thi vào ĐH-CĐ mới vỡ lẽ rằng các em biết quá ít, quá nông về các nghề nghiệp trong xã hội. Và dường như hầu hết sự quan tâm của giới học sinh dồn vào những nghề mà theo các em là hấp dẫn, sạch sẽ và hào nhoáng: lập trình viên, tiếp viên hàng không, ngân hàng, tài chính... Và chỉ khi góp mình vào hơn 80% số người có tổng điểm thi ĐH dưới 15, những nghề nghiệp khác mới được các cô tú cậu tú nhìn nhận tới, nhưng quá chậm. Ở Nghệ An, lâu nay, giáo dục hướng nghiệp mặc dù đã có trong chương trình THPT nhưng thực tế không phải trường nào cũng  làm tốt công tác này, thậm chí một số trường chỉ hướng dẫn qua loa. Từ đó, dẫn đến việc nhiều học sinh chọn nghề mà chưa hiểu gì về ngành nghề mình đã chọn. Trong khi tâm lí phụ huynh học sinh vẫn muốn con mình chọn những ngành nghề theo trào lưu chung.

 

Những năm qua, để các em học sinh THPT chọn đúng ngành nghề, có sự hiểu biết về tính chất của ngành nghề mà mình hướng tới, Sở giáo dục đào tạo Nghệ An đã có công văn hướng dẫn việc phân luồng cho HS THPT gửi các trường THPT và Trung cấp chuyên nghiệp.  Bên cạnh đó, Sở chỉ đạo cho các trường THPT tuyên truyền cho học sinh cuối cấp về định hướng phân luồng, nêu những điểm mới để tạp điều kiện cho học sinh có thể học bằng nhiều cách khác nhau. Qua triển khai thực hiện, năm 2010 là năm Nghệ An triển khai có hiệu quả công tác phần luồng, hướng nghiệp cho học sinh phổ thông.

 

Tuy vậy, một thực tế hiện nay đó là nhiều trường đang rất thiếu lực lượng tư vấn chuyên nghiệp. Tại các trường THPT, hầu hết giáo viên chủ nhiệm làm công tác tư vấn nhưng lại không được đào tạo chuyên nghiệp. Các trung tâm kỹ thuật tổng hợp hướng nghiệp có nhiệm vụ hướng nghiệp cho học sinh nhưng lại hoạt động chắp vá, lực lượng tư vấn vừa yếu lại vừa thiếu. Ông Nguyễn Ngọc Hiền – Giám đốc Trung tâm tư vấn việc làm và hỗ trợ học sinh, sinh viên trường CĐ  nghề du lịch thương mại Nghệ An cho rằng: Phần lớn HS tốt nghiệp THPT vẫn muốn thi vào các trường ĐH, những ngành nghề  theo thị hướng mà các em không nghĩ đến những ngành mà xã hội đang cần.

 

Thực tế cho thấy, kênh thông tin được học sinh tin tưởng nhất vẫn là giáo viên, nhất là vai trò của các giáo viên chủ nhiệm. Nếu giáo viên chủ nhiệm sâu sát sẽ hiểu  học sinh mạnh và yếu môn nào để có cách tư vấn hợp lý cho các em.

 

Hướng nghiệp, tư vấn chọn nghề nghiệp cho học sinh không phải là  quá khó, thế nên cần phải được triển khai kịp thời và có hiệu quả. Và hơn ai hết, trong thời điểm này, mỗi nhà trường và các bậc cha mẹ cần chủ động và để định hướng đúng nghề nghiệp cho học sinh, con em mình một cách phù hợp nhất.

 

(Thanh Hà)