Mới nhất Tin nóng Media Magazine Infographic Tin ảnh

Cơ hội học tập cho HSSV nghèo

16:00, 24/03/2011
Sau hơn 3 năm triển khai Quyết định 157/2007/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ về Tín dụng đối với học sinh, sinh viên, tại địa bàn Nghệ An , hàng trăm nghìn học sinh, sinh viên nghèo đã có điều kiện để trang trải học tập, được đào tạo tại các trường chuyên nghiệp để lập thân, lập nghiệp.

 

Nếu như không có nguồn vốn vay ưu đãi của Chính Phủ, gia đình anh Nguyễn Văn Lan - xóm 6 xã Nghi Văn, huyện Nghi Lộc khó có thể trang trải cho con ăn học tại trường Đại Học. Nhà đông con, gia đình lại quá khó khăn nên việc ăn, học của con cái đã trở thành một gánh nặng quá lớn. Ông Lan chia sẻ: Nờ có được nguồn vốn vay tín dụng dành cho HSSV nghèo nên con cái được học hành tử tế, gia đình có điều kiện để sản xuất chăn nuôi, đảm bảo cuộc sống gia đình.

 

Cũng như gia đình ông Lan ở xã Nghi Văn, gần 6.000 gia đình nghèo có con em là học sinh, sinh viên tại các trường đại học, cao đẳng và THCN của  huyện Nghi Lộc đã được tiếp sức nhờ vốn vay ưu đãi của Chính phủ, nhiều HSSV không phải bỏ học giữa chừng vì lý do kinh tế. Đến thời điểm này, tại địa phương, trên 106 tỷ đồng đã được giải ngân kịp thời, đúng đối tượng. Tuy nhiên, hiện nay, nhu cầu vốn vay cũng chỉ mới đáp ứng được trên 40% nhu cầu.

 

Quyết định 157/2007 của TTCP đã mở ra cơ hội lập thân, lập nghiệp cho nhiều HS, SV nghèo           (Ảnh minh họa)

 

Có thể nói rằng, thông qua hệ thống mạng lưới với gần 8.000 tổ tiết kiệm vay vốn và 473 điểm giao dịch/497 xã, Ngân hàng CSXH Nghệ An đã giải ngân kịp thời vốn vay cho khách hàng, tạo điều kiện thuận lợi nhất cho người vay trong quá trình giao dịch. Riêng vốn vay ưu đãi học sinh sinh viên nghèo, đến thời điểm này, đã có trên 126.000 sinh viên được tiếp cận nguồn vốn vay ưu đãi này, với số dư nợ lên đến gần 1.800 tỷ đồng, chiếm gần 23% tổng dư nợ toàn ngân hàng. Trong đó, tỷ lệ sinh viên vay vốn học nghề có thời gian đào tạo ngắn thấp hơn so với sinh viên học tại các trường đại học, cao đẳng. Bởi thời gian học đại học dài hơn học nghề, do đó, nhu cầu vay vốn của gia đình có con em học đại học cao hơn nhiều so với sinh viên học nghề. Hơn nữa, một số trường dạy nghề, nhất là dạy nghề ngắn hạn (dưới 1 năm), việc phổ biến các chính sách tín dụng ưu đãi cho học viên chưa được quan tâm đúng mức nên nhiều HSSV học nghề chưa được tiếp cận với chính sách cho vay vốn của Chính phủ.

 

Qua 3 năm triển khai chương trình tín dụng cho HSSV trên địa bàn Nghệ An đã thể hiện rõ chất lượng tín dụng, cho vay đúng đối tượng, các hộ sử dụng vốn đúng mục đích - Ông lê Xuân Tỵ, Giám đốc ngân hàng chính sách xã hội Việt nam chi nhánh Nghệ An khẳng định.

 

Khó khăn lớn nhất trong việc thực hiện Quyết định 157/2007/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ về Tín dụng đối với học sinh, sinh viên tại địa bàn Nghệ An đó là nguồn vốn để thực hiện chương trình còn bị động. Mặc dù Chính phủ đã có sự bảo lãnh để Ngân hàng CSXH phát hành trái phiếu, huy động vốn nhưng vẫn rất khó khăn và không đáp ứng kịp thời cho việc giải ngân mang tính thời vụ cao, thời gian ngắn thường vào đầu năm học và đầu học kỳ. Về điều này, Ông lê Xuân Tỵ - Giám đốc ngân hàng chính sách xã hội Việt Nam chi nhánh Nghệ An cho biết lý do là do vốn về chậm,huyện trọng điểm có số vốn vay lớn thì nhân lực lại ít.

 

Tuy còn nhiều khó khăn trong quá trình thực hiện, nhưng sau hơn 3 năm thực hiện Quyết định 157/2007/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ về Tín dụng đối với học sinh, sinh viên tại địa bàn Nghệ An đã thể hiện rõ là một chương trình đầu tư mang tính chiều sâu, có hiệu quả của Đảng và Nhà nước để phát triển nguồn nhân lực, đào tạo nhân tài. Để con em người dân nghèo  của tỉnh được tiếp cận vốn vay kịp thời, rất cần sự nỗ lực của ngành ngân hàng chính sách xã hội và sự vào cuộc mạnh mẽ của cấp ủy, đảng chính quyền các cấp.

 

(Thu Vinh)