Nơi tạo nguồn nhân lực cho ngành du lịch
Mục tiêu mà trường đặt ra là “Đào tạo ra các sinh viên có tay nghề vững chắc, có kỹ năng và đáp ứng được nhu cầu xã hội”. Để đạt được mục tiêu đó và để trở thành địa chỉ tin cậy của các nhà hàng, khách sạn, các công ty du lịch trong việc tiếp nhận, tuyển dụng lao động, thời gian qua, nhà trường đã đẩy mạnh công tác đổi mới phương pháp giảng dạy, cách thức đào tạo. Đối với sinh viên, ngoài việc đánh giá nghiêm túc chất lượng học tập, vấn đề tạo điều kiện cho sinh viên được tiếp xúc, thực hành với những việc sẽ làm trong tương lai luôn được trường CĐ nghề du lịch thương mại Nghệ An chú trọng. Cùng với đó là việc tích cực ứng dụng các tiến bộ khoa học, kỹ thuật hiện đại vào quá trình đào tạo. Hiện hệ thống phòng học thực hành của trường hiện có trên 30 phòng c được đầu tư xây dựng đồng bộ với đầy đủ trang thiết bị hiện đại bao gồm: buồng, bàn, bar, lễ tân, nhà bếp... theo tiêu chuẩn của khách sạn 4 sao. Với quan điểm “Học đi đôi với hành” nên sau mỗi buổi lên lớp, các sinh viên ở đây được thể hiện kiến thức đã học qua các buổi thực hành để rèn luyện kỹ năng.
Thời gian thực hành của SV ngành DL chiếm 65% thời gian đào tạo |
Chất lượng đội ngũ giảng viên cũng là vấn đề quan trọng để nâng cao chất lượng đào tạo. Bằng nhiều hình thức để nâng cao trình độ chuyên môn, bồi dưỡng năng lực thực tế, hàng năm, vào dịp hè, giáo viên khoa du lịch được nhà trường cho đi thực tế tại các nhà hàng, khách sạn... Đây là điều kiện để mỗi giáo viên bổ sung vào chương trình đào tạo gắn với nhu cầu đào tạo của xã hội và chuyên ngành mình giảng dạy. Giảng viên Đỗ Mạnh Hùng - tổ trưởng tổ bộ môn kĩ thuật chế biến món ăn cho biết thêm: Thời gian thực hành chiếm khoảng 65% thời gian đào tạo, và kinh phí giành cho thực hành chiếm 60% kinh phí đào tạo. Đặc biệt, nhà trường đã liên kết với các cơ sở phục vụ du lịch như: nhà hàng, khách sạn, trung tâm lữ hành... gửi sinh viên đến thực tập, thực tế.
Không chỉ thế, nhằm khuyến khích giáo viên học tập nâng cao trình độ, ngoài chế độ giáo viên khi đi học được hưởng theo qui định còn được nhà trường hỗ trợ thêm 35 triệu đối với giáo viên học Thạc sỹ và 70 triệu đối với giáo viên làm nghiên cứu sinh Tiến sỹ. Chính nhiều cơ chế trong động viên, khuyến khích cán bộ giáo viên cũng như đổi mới phương pháp đào tạo mà trong tổng số 100 giáo viên, riêng khoa Du lịch hiện có 60 giáo viên trực tiếp giảng dạy có tới 30% giáo viên có trình độ thạc sỹ, nghiên cứu sinh. Với việc liên hệ thực tế trong quá trình đào tạo nghề như vậy nên có không ít học viên của trường chưa tốt nghiệp đã có tổ chức, cá nhân nhận về vừa học vừa làm. Đây có thể nói là thành công quan trọng của nhà trường, bởi trong khi có không ít trường chỉ biết ồ ạt tuyển vào vượt chỉ tiêu, xét tuyển một cách ồ ạt nhưng cơ sở vật chất không đáp ứng, đầu ra ít được quan tâm thì với cách làm của mình, trường Cao đẳng Nghề Du lịch - Thương mại Nghệ An đã làm được điều mà bất kỳ một học sinh nào khi đăng ký theo học đều ước muốn: có tay nghề vững vàng, có việc làm và thu nhập ổn định.
Hiện trung bình mỗi năm trường CĐ nghề du lịch thương mại Nghệ An có 5.000 sinh viên tốt nghiệp ra trường trong đó có 60% sinh viên chuyên ngành du lịch và có khoảng 80% sinh viên khoa Du lịch sau khi tốt nghiệp có việc làm ngay và được các nhà tuyển dụng đánh giá cao. Đây có thể nói là thành công quan trọng của nhà trường trong đào tạo nguồn nhân lực có tay nghề vững vàng, có việc làm và thu nhập ổn định. Liên kết với các doanh nghiệp, các công ty thuộc lĩnh vực du lịch tiến hành đào tạo sinh viên theo địa chỉ. Phía nhà trường cam kết đào tạo sinh viên đạt chuẩn đầu ra, cung cấp nhân lực cho các tuyển dụng - đây là hướng đi mà khoa du lịch trường CĐ nghề du lịch thương mại Nghệ An đã làm được trong công tác đào tạo nguồn nhân lực, đáp ứng nhu cầu xã hội.
(Thanh Hà)