Thầy giáo cắm bản
Trong khu vực biên phòng tỉnh Nghệ An, do đa số đồng bào còn nghèo, cuộc sống khó khăn dẫn tới trình độ nhận thức, một số phong tục tập quán còn lạc hậu chưa được xóa bỏ, tỉ lệ sinh cao nên việc học hành, nâng cao dân trí ít được quan tâm đầu tư của các gia đình, dòng họ. Mặc dù những năm qua Đảng, Nhà nước đã quan tâm đầu tư nhiều cho sự nghiệp giáo dục ở khu vực biên giới, ven biển, vùng đồng bào miền núi, dân tộc thiểu số nhưng tình trạng học sinh bỏ học, mù chữ, tái mù chữ vẫn còn xảy ra.
Xuất phát từ thực trạng đó, Bộ chỉ huy BĐBP tỉnh Nghệ An đã phối hợp với các ngành và cấp ủy, chính quyền các cấp đặc biệt là ngành GD & ĐT để thực hiện công tác xóa mù chữ, tái mù chữ, vận động đưa trẻ em trong độ tuổi đến trường học, không bỏ học giữa chừng nhằm dần nâng cao dân trí.
Thầy giáo mang quân hàm xanh trên đường đem con chữ đến với đồng bào. |
Sau khi có Đề án của Bộ GD&ĐT trình Chính phủ phê duyệt và đề án của UBND tỉnh ban hành triển khai cho các sở, ngành thực hiện. Bộ chỉ huy BĐBP tỉnh đã chủ động chỉ đạo cơ quan chuyên môn tổ chức khảo sát toàn diện, phân loại đối tượng, xây dựng kế hoạch, trực tiếp làm việc với Sở GD&ĐT tỉnh, ký chương trình phối hợp giữa 2 ngành. Trên cơ sở đó, Bộ chỉ huy BĐBP tỉnh thường xuyên quán triệt và đưa công tác chống mù chữ, phổ cập giáo dục (CMC – PCGD) vào nhiệm vụ chính trị hàng năm và đây là một trong những nội dung thi đua, khen thưởng của đơn vị.
Trong 10 năm qua, đặc biệt là giai đoạn 2000 – 2005, các đồn Biên phòng đã chủ trì phối hợp với Phòng GD&ĐT của 10 huyện, thị biên giới và các trường học trên địa bàn mở 56 lớp dạy xóa mù chữ và xóa tái mù chữ cho 1.431 học viên.
Từ năm 2005 đến nay, thông qua công tác vận động quần chúng tại các địa bàn cán bộ chiến sỹ đã lồng ghép tổ chức khảo sát và phát phát hiện tình trạng tái mù chữ vẫn còn ở một bộ phận đồng bào. Các đồn Biên phòng đã chủ động tham mưu và phối hợp với các trường tiếp tục mở thêm các lớp học xóa mù chữ và xóa tái mù với mục đích phấn đấu đưa người dân thoát khỏi tình trạng mù chữ xuống tỷ lệ thấp nhất; mở thêm được 6 lớp xóa mù chữ và xóa tái mù nâng tổng số lên 62 lớp; đối tượng tham gia các lớp xóa mù chữ chủ yếu là công dân đã quá tuổi đi học, phụ nữ trong đồng bào các dân tộc thiểu số và giáo dân nghèo vì nhiều lý do không có điều kiện đến trường. Với cách làm hợp lý, thiết thực, các lớp học của BĐBP đã nhận được sự hưởng ứng tích cực của các tầng lớp nhân dân.
BĐBP đang dạy chữ xóa mù cho chị em phụ nữ |
Ngoài ra, cán bộ chiến sỹ các đơn vị biên phòng còn vận động được 6.003 trẻ em đến trường, 2.569 em học sinh có ý định bỏ học hoặc đã bỏ học quay lại trường học. Phối hợp giúp đỡ hàng ngàn cháu học sinh có hoàn cảnh khó khăn vươn lên học giỏi. Đồng thời tổ chức vận động cán bộ chiến sĩ giúp đỡ các nhà trường và học sinh 2.333 ngày công; 47.368.000 đồng; 3500 đèn dầu, tu sửa 347 phòng học, 514 bộ bàn ghế tu sửa trường học, mua sắm trang thiết bị vật chất phục vụ học tập.
Từ đầu năm 2010, các đơn vị Biên phòng đã triển khai chương trình giúp đỡ, đỡ đầu các cháu học sinh nghèo có triển vọng ở địa bàn khu vực biên giới. Hiện, mỗi đồn biên phòng phối hợp với các trường học chọn 2 – 4 cháu học sinh hoàn cảnh gia đình khó khăn nhưng có nguyện vọng và ý thức vươn lên trong học tập. Các đơn vị đã vận động cán bộ chiến sĩ đóng góp tiền ủng hộ hàng tháng cho các cháu và cử cán bộ chiến sĩ trực tiếp kèm cặp hướng dẫn các cháu học tập phấn đấu vươn lên học khá, giỏi. Với cách làm trên đã động viên khích lệ được tinh thần thi đua học tập, xây dựng ý thức vươn lên cao hơn trong học tập vì ngày mai lập nghiệp của các cháu.
Trong quá trình thực hiện chương trình CMC - PCGD của BĐBP tỉnh đã xuất hiện nhiều tấm gương tiêu biểu với những việc làm thiết thực thể hiện tinh thần và ý thức trách nhiệm cao tạo được niềm tin và sự gắn bó mật thiết giữa cán bộ chiến sỹ với đồng bào các dân tộc trên biên giới và giáo dân ở vùng biển của tỉnh. Những kết quả đạt được còn góp phần quan trọng vào công tác quản lý bảo vệ chủ quyền an ninh biên giới ngày càng vững chắc, giữ gìn ANTT thúc đẩy phát triển kinh tế, văn hóa - xã hội tại địa phương.
(Bài, ảnh: Lê Thạch)