Mới nhất Tin nóng Media Magazine Infographic Tin ảnh

Hướng nghiệp ở một ngôi trường đặc biệt

14:31, 17/04/2011
Nghệ An hiện có 220.000 người khuyết tật và trẻ mồ côi, chiếm trên 7% dân số, là một trong những tỉnh có tỷ lệ người khuyết tật và trẻ mồ côi lớn của cả nước. Những năm qua, bằng sự nỗ lực, tận tụy của đội ngũ cán bộ giáo viên, Trung tâm dạy nghề người tàn tật Nghệ An đã hoàn thành tốt chức năng, nhiệm vụ của mình, góp phần giúp người khuyết tật và trẻ mồ côi vươn lên trong

 

Lớp học chữ Brai cho trẻ khiếm thị tại Trung tâm Dạy nghề người khuyết tật NA

 

Đã hơn hai năm nay, em Nguyễn Thị Hoa, sinh năm 1982 quê ở xã Thành Sơn, Anh Sơn được theo học nghề lớp vi tính của Trung tâm dạy nghề người tàn tật Nghệ An. Do bị u xơ thần kinh mặt, một khối u khổng lồ che kín nửa khuôn mặt em. Vì thế, từ nhỏ Hoa đã luôn mặc cảm tự ti, không dám bước chân ra khỏi nhà. Được tổ chức từ thiện Việt kiều Mỹ tài trợ kinh phí phẫu thuật và giới thiệu cho em tới học ở trung tâm, cuộc đời em như mở sang một trang mới. Sống trong một môi trường vui tươi, lành mạnh và luôn được các thầy cô giáo động viên chăm sóc, sức khỏe của Hoa giờ đã khá lên, nắm vững các kiến thức mà em đang theo học. 

 

Không chỉ mình Hoa mà hầu hết trẻ khuyết tật trên địa bàn tỉnh Nghệ An khi đến với Trung tâm cuộc sống các em đã có những thay đổi đáng kể. Tiêu biểu như trường hợp của em Trần Quốc Hùng ở xã Kỳ Tân, huyện Tân Kỳ, bị câm điếc bẩm sinh, nhưng bù lại em có một trí thông minh và rất sáng dạ. Được các thầy cô hết lòng chỉ bảo, Hùng có một tay nghề mộc rất vững vàng. Tranh thủ những lúc thời gian rảnh rỗi, em còn đi làm thêm ở các xưởng nhôm kính, tăng thêm thu nhập để phục vụ việc học hành. Hay như em Nguyễn Thị Cẩm Vân ở Hội Sơn, Anh Sơn. Khi mới vào trung tâm, em chưa hòa nhập được với bạn bè. Giờ đây sau 5 năm học tập tại trung tâm, Vân không những có kiến thức văn hóa vững vàng mà còn nắm chắc kỹ năng nghề nghiệp… Và còn rất nhiều trường hợp có số phận không may mắn đã được các thầy cô giáo yêu thương, động viên chia sẻ, giúp cho các em vượt qua những mặc cảm, có được trình độ, kiến thức, có cuộc sống ổn định và tốt đẹp hơn.

 

Trung tâm dạy nghề người tàn tật Nghệ An có chức năng quản lý, giáo dục, dạy nghề, hướng nghiệp, phục hồi chức năng và tư vấn việc làm cho người khuyết tật trên địa bàn tỉnh. Ngoài ra, trung tâm còn thực hiện nhiệm vụ giáo dục can thiệp sớm và giáo dục hòa nhập tại cộng đồng. Hàng năm, trung tâm quản lý từ 240-250 học sinh khuyết tật, bao gồm các loại tật khiếm thính, khiếm thị và khuyết tật vận động. Riêng năm học 2010-2011, trung tâm đang quản lý 224 em, trong đó, có 85% học sinh ở nội trú, được tổ chức dạy văn hóa bổ túc, trình độ bậc tiểu học sau đó chuyển sang học nghề. Xác định nhiệm vụ hàng đầu là nâng cao chất lượng giáo dục - dạy nghề - hướng nghiệp, trung tâm đã quan tâm đẩy mạnh đào tạo đội ngũ giảng viên có đủ khả năng đảm trách đào tạo cho người tàn tật. Song song với giảng dạy bổ túc từ lớp 1 đến lớp 5, trung tâm còn chú trọng công tác đào tạo các ngành nghề như may cơ bản, may công nghiệp, đồ mộc dân dụng và mỹ nghệ, thêu đan và vi tính. Đặc biệt, năm học 2009-2010, trung tâm được Công ty cổ phần Him Lam tài trợ gần 10 tỷ đồng, xây dựng cải tạo nâng cấp cơ sở vật chất trường lớp. Ngoài ra, trung tâm còn được nhiều tổ chức cá nhân, doanh nghiệp hỗ trợ giúp đỡ về cơ sở vật chất, mua sắm trang thiết bị dạy học. Từ đó, đã góp phần nâng cao chất lượng dạy nghề và học nghề cho học sinh khuyết tật. Tỷ lệ học sinh đạt loại khá giỏi bình quân đạt hơn 60%. Hàng năm, trung tâm giải quyết cho ra trường 50-60 em học sinh đã học xong chương trình văn học bậc tiểu học và có trình độ nghề cơ bản, có khả năng hành nghề và tìm kiếm việc làm. Có từ 30- 35% số học sinh sau khi ra trường đều có việc làm, có thu nhập ổn định - Thầy giáo Trương Văn Thuận, trưởng phòng văn hóa, Trung tâm dạy nghề người tàn tật Nghệ An cho biết.

 

Hơn 20 năm xây dựng và trưởng thành, với những gì đã tạo dựng được, Trung tâm dạy nghề người tàn tật Nghệ An đã nhiều lần được các cấp khen thưởng. Tuy nhiên, điều quan trọng hơn là trung tâm đã tạo dựng được niềm tin vững chắc đối với phụ huynh cũng như trẻ khuyết tật ở các địa phương trong toàn tỉnh. 

 

(Hiến Chương)