Cần sớm hoàn thành việc phân cấp tổ chức cán bộ trong ngành giáo dục
Thực hiện quyết định này, Sở giáo dục đào tạo Nghệ An đã hướng dẫn các trường THPT, Trung tâm giáo dục thường xuyên triển khai ngày từ tháng 11/2008 và tiếp đó cũng đã triển khai cho các phòng giáo dục đào tạo trong tỉnh. Thế nhưng, đến nay, QĐ này chưa được triển khai ở các trường trực thuộc huyện quản lí. Hầu hết phòng giáo dục đào tạo các địa phương đều cho rằng: Việc giao quyền chủ động cho các nhà trường thực hiện như QĐ 63 của UBND tỉnh Nghệ An rất dễ xảy ra sai sót. Ông Nguyễn Đức Vĩnh - trưởng phòng giáo dục đào tạo huyện Anh Sơn băn khoăn: Bất cập lớn nhất của QĐ 63 đó là chưa căn cứ vào tình hình thực tiễn của cơ sở giáo dục hiện nay bởi tình trạng thừa giáo viên tiểu học và THCS rất nhiều. Hơn nữa, việc điều chuyển giáo viên từ trường này sang trường khác thì chỉ ở phòng giáo dục mới nắm chắc được nhu cầu. Vấn đề về tài chính cũng chưa cụ thể. GV thừa ra mà phân cấp cho cơ sở GD sẽ khó vì đã thữa ra mà trường vẫn nhận thì lấy đâu ra nguồn để trả lương.
Tại Diễn Châu, huyện vẫn chưa giao cho hiệu trưởng các trường THCS, tiểu học và mầm non tiếp nhận giáo viên và nguồn ngân sách theo QĐ 63 vì lí do chính là do năng lực của hiệu trưởng cần phải được bồi dưỡng thêm. Hơn nữa vấn đề về ngân sách cũng còn nhiều bất cập.
Một tâm trạng chung hiện nay là các huyện đều chờ xem các huyện khác thực hiện QĐ 63 này như thế nào rồi mới rút kinh nghiệm làm sau. Ngay như ở huyện Yên Thành, sau khi QĐ có hiệu lực, huyện cũng đã triển khai thực hiện nhưng thực hiện từng bước một, theo từng năm. Quan điểm của huyện là chỉ trao quyền cho những trường nào đủ năng lực - Ông Trần Văn Thành – trưởng phòng giáo dục đào tạo huyện Yên Thành cho biết.
QĐ 63 của UBND tỉnh ra đời là bước đột phá trong công tác tổ chức cán bộ đối với nhà trường nhằm giảm các thủ tục hành chính, giao quyền chủ động cho các hiệu trưởng, tạo điều kiện cho các trường học chủ động hơn trong quản lí, nhất là trong tổ chức cán bộ. Trước lí do của việc chậm trễ thực hiện QĐ 63 ở bậc THCS, Tiểu học và mầm non ở một số địa phương, ông Lưu Đức Thuyên - trưởng phòng tổ chức cán bộ Sở giáo dục đào tạo lý giải: trên thực tế, các đơn vị trực thuộc Sở giáo dục đào tạo thực hiện rất tốt quyết định 63 do Sở giáo dục làm tốt nhiệm vụ phân tích, duyệt kế hoạch của các trường trong tuyển dụng, ngân sách. Hiện nay, tất cả các trường học từ mầm non đến bậc THPT đều có các hội đồng nhà trường. Hội đồng này có vai trò trong ra nghị quyết về tổ chức nhân sự của trường cho nên lí do không đủ năng lực để thực hiện quyết định là không đúng bởi việc giao quyền sẽ tham mưu nhiều vấn đề lớn cho cấp trên trong phê duyệt kế hoạch hàng năm.
Như vậy, có thể nhận thấy rất rõ, giao quyền chủ động về công tác tổ chức cán bộ là chủ trương đúng và hiệu quả, nó đã được chứng minh từ thực tế tại trường THPT, đó là chủ động được biên chế, tiền lương và được công khai tài chính, tuyển dụng trong các năm học tại Hội đồng nhà trường, qua Sở nội vụ, có sự kiểm soát chặt chẽ... cho nên việc áp dụng ở các trường mầm non, tiểu học và THCS cũng sẽ rất tốt nếu các huyện giao quyền chủ động cho hiệu trưởng các trường. Ông Lưu Đức Thuyên - trưởng phòng tổ chức cán bộ Sở giáo dục đào tạo khẳng định: Quan điểm của Sở là tiếp tục phân cấp cho hiệu trưởng các trường trực thuộc theo căn cứ pháp lí của QĐ, thông tư và điều lệ trường học.
Với tâm lí lo lắng và băn khoăn rằng hiệu trưởng không đủ năng lực và độc quyền ở các huyện và việc ai sẽ chịu trách nhiệm về chất lượng giáo dục và sai sót trong thực hiện quyết định làm chậm trễ quy trình cần sớm được khắc phục để phát huy tối đa những ưu thế của quyết định này.
(Thanh Hà)