Mới nhất Tin nóng Media Magazine Infographic Tin ảnh

Đào tạo nghề cho lao động miền núi – Những bất cập

14:30, 31/05/2011
Hiện nay, việc đào tạo nghề, giải quyết việc làm cho lao động miền núi hiện đang gặp nhiều khó khăn, bất cập. Nhiều địa phương chưa thực sự tìm được một hướng đi thích hợp trong khi nguồn lao động tại chỗ rất dồi dào.

 

Tại đề án phát triển kinh tế xã hội miền Tây Nghệ An giai đoạn 2010-2015, tỉnh ta phấn đấu đến 2015, vùng dân tộc và miền núi trên địa bàn tỉnh không còn hộ đói, giảm hộ nghèo xuống dưới 10% (theo tiêu chí mới); xóa tình trạng nhà tạm, nhà dột nát; cơ bản không còn xã đặc biệt khó khăn; chấm dứt tình trạng di cư tự do...

 

Để đạt được mục tiêu này, ngoài các giải pháp trước mắt như xây dựng và nhân rộng các mô hình kinh tế, có chính sách hỗ trợ phát triển kinh tế hộ… thì  việc đào tạo, dạy nghề, tạo việc làm cho lao động ở khu vực miền núi được xem là giải pháp quan trọng bậc nhất.

 

Tuy vậy, hiện nay, việc đào tạo nghề, giải quyết việc làm cho lao động miền núi hiện đang gặp nhiều khó khăn, bất cập. Nhiều địa phương chưa thực sự tìm được một hướng đi thích hợp trong khi nguồn lao động tại chỗ rất dồi dào.

 

Trung tâm hướng nghiệp dạy nghề huyện Tân Kỳ nhìn ngoài thì có vẻ khá khang trang với ngôi nhà 2 tầng, 12 phòng học đã hoàn thiện nhưng bên trong thì hoàn toàn trống rỗng. Không có thiết bị dạy học, không có giáo viên và học sinh. Năm 2010, trung tâm chỉ mở được 3 lớp học với tổng số 120 học viên. Và 4 tháng đầu năm nay, vẫn chưa có thêm một lớp học nào khai giảng. Khó khăn chồng chất, thế nhưng trong đề án đào tạo nghề cho lao động nông thôn đến năm 2020, huyện Tân Kỳ vẫn rất táo bạo đưa ra chỉ tiêu: Đến 2015, quyết tâm đào tạo nghề cho khoảng 11.500 - 12.000 người, tỷ lệ lao động qua đào tạo nghề đạt 30- 35% và đến năm 2020 đạt 45%.

 

Khó khăn tại Tân Kỳ chỉ là một trong rất nhiều bất cập, vướng mắc tại 10 huyện miền núi Nghệ An. Bởi trên thực tế, nguyên nhân chính vẫn là lao động miền núi nói chung, dân tộc thiểu số nói riêng đều có trình độ văn hóa thấp, khó làm quen với tác phong công nghiệp và khó khăn trong tiếp cận, tiếp thu những kiến thức mới. Do vậy, họ thường không mặn mà với việc học nghề.

 

Huyện Con Cuông đã thành lập HTX dệt thổ cẩm với nhiều xã viên được đào tạo nghề từ dự án OXPAM Hồng Kông

 

Cụ thể như tại huyện Con Cuông. Mỗi năm có hàng ngàn thanh niên rời ghế nhà trường, bổ sung vào lực lượng lao động tại địa phương. Thế nhưng, tính bình quân đất canh tác trên đầu người chỉ chưa đầy 300 m2. Đất sản xuất ít, lại chủ yếu toàn đất đồi vệ, chỉ phù hợp với việc làm của các bậc trung niên. Các nghề tiểu thủ công nghiệp, dịch vụ kém phát triển, chính vì vậy, đội quân Nam tiến ở Con Cuông ngày càng đông đảo. Trong đó, có những xã, tỷ lệ thanh niên đi làm ăn xa ở các khu công nghiệp phía Nam lên đến 70%, 80%.

 

Thanh niên rời bản vào Nam. Ở lại chỉ còn hầu hết phụ nữ và người trung tuổi. Là xã thuần nông, trên 70% hộ nghèo, tỉnh và huyện đã có chủ trương khôi phục nghề truyền thống dệt thổ cẩm. Được dự án OXPAM Hồng Kông đầu tư, tập huấn, trang bị thêm kiến thức đánh tơ, kéo sợi, cách nhuộm màu cho hấp dẫn với thị hiếu của khách hàng trong cơ chế thị trường. Các lớp học nghề dệt thổ cẩm tại bản được thành lập. Bản Yên Thành, xã Lục Dạ trở thành làng nghề đầu tiên của huyện Con Cuông. Hợp tác xã nông nghiệp, rồi thêm HTX dệt thổ cẩm, tập hợp hàng chục xã viên là hội viên phụ nữ của xã. Chị em tranh thủ lúc nông nhàn, khi rảnh rỗi công việc, buổi tối xe sợi, kéo tơ, nhuộm màu. Khi có đơn đặt hàng, tranh thủ làm suốt ngày đêm, phục vụ nhu cầu của khách. Thế nhưng chỉ sau một thời gian sôi nổi, đến nay, do đầu ra hạn chế, khó tiêu thụ, chị em không còn hào hứng, miệt  mài bên khung dệt như xưa. Những người phụ nữ nơi đây lại đang cố gắng học thêm về chăn nuôi, kiến thức mới mà theo họ sẽ thiết thực hơn.

 

Đi học không mất tiền. Nhà nước hỗ trợ 100% chi phí học tập tại trường nghề. Thế nhưng, từ bản làng xa xôi ra trung tâm huyện để học 2 năm trung cấp, mấy tháng sơ cấp cũng phải có tiền ăn ở, đi lại. Mỗi tháng dù tằn tiện hết mức cũng phải 6 – 700 nghìn. Đối với các gia đình ở vùng sâu vùng xa, khoản chi phí này vẫn vượt quá khả năng.

 

Trường trung cấp nghề Dân tộc miền núi Nghệ An được nâng cấp từ Trung tâm dạy nghề Con Cuông vào năm 2008. Mỗi năm đào tạo theo chỉ tiêu 100 học viên trung cấp và trên 1.000 học viên sơ cấp. Với các ngành nghề chủ yếu như may, dệt thổ cẩm, trồng trọt, chăn nuôi thú y, sửa chữa xe máy, điện dân dụng, tin học, gò hàn… Nhà trường báo cáo tỷ lệ có việc làm sau khi ra trường trên 80%. Thế nhưng, số có thu nhập thật sự từ nghề lại vô cùng khiêm tốn. Điển hình như dệt thổ cẩm. Chị em có nghề trong tay nhưng không sống được bằng nghề.

 

Quan tâm đến công tác dạy nghề và giải quyết việc làm cho lao động miền núi, những năm qua, ngân sách các cấp đầu tư cho hoạt động dạy nghề các huyện miền núi Nghệ An cũng được quan tâm tăng cường. Từ chỗ chỉ có 5 trung tâm hướng nghiệp, dạy nghề ở các huyện miền núi thấp, đến nay, tất cả 10 huyện đều có trung tâm và trường dạy nghề. Đặc biệt, trong số đó, Trung tâm Dạy nghề Phủ Quỳ và Trung tâm Dạy nghề Con Cuông đã được UBND tỉnh quyết định nâng cấp thành Trường trung cấp nghề Kinh tế Kỹ thuật miền Tây và Trường Trung cấp nghề Dân tộc miền núi Nghệ An. Hai trường Trung cấp này mỗi năm đào tạo trên 1 nghìn học viên, các trung tâm khác mỗi năm đào tạo từ 700 – 800 học viên. Tuy vậy, số lao động miền núi qua đào tạo ở tỉnh ta cũng chỉ mới đạt gần 16%. Bên cạnh nguyên nhân từ ý thức của người dân, thì năng lực đào tạo của các trường nghề, các trung tâm vẫn còn nhiều hạn chế. Hiện nay, do kinh phí đầu tư eo hẹp, nhiều trung tâm đã thành lập nhưng không có vốn mua sắm trang thiết bị. Thậm chí có trung tâm như Thanh Chương đã đầu tư trên 1 tỷ đồng mua thiết bị cơ khí động lực nhưng lại chưa xây được nhà xưởng. Mặc dù số học sinh đăng ký khá đông nhưng trung tâm vì vậy vẫn chưa thể mở lớp.

 

Có thể thấy, dạy nghề và giải quyết việc làm cho lao động ở các huyện miền núi vẫn đang gặp nhiều khó khăn và chưa thực sự hiệu quả. Tuy vậy, vẫn phải khẳng định, nhu cầu học nghề, chuyển đổi nghề nghiệp của nông dân miền núi, vùng dân tộc thiểu số không cao, nhưng không phải không có. Vấn đề là việc đào tạo phải gắn kết chặt chẽ với giải quyết việc làm, gắn kết giữa đào tạo với doanh nghiệp và xã hội; đào tạo theo nhu cầu, theo địa chỉ rõ ràng. Có như vậy mới thu hút được người dân đến với các trường nghề, các trung tâm dạy nghề tại địa phương.

 

  

Huyện Thanh Chương có nhiều thành công trong phối hợp đào tạo nghề với các DN

 

 

Cách làm này đã chứng minh hiệu quả khả quan tại trung tâm dạy nghề huyện Thanh Chương. Tuy vẫn còn rất nhiều thiếu thốn về cơ sở vật chất, đội ngũ giáo viên chủ yếu phải hợp đồng thời vụ, nhưng với phương châm liên kết 3 nhà: Nhà trường, Nhà nước, Nhà doanh nghiệp, đến nay, Trung tâm cùng với huyện đoàn Thanh Chương đã phối hợp với các khu công nghiệp trong và ngoài tỉnh giới thiệu việc làm cho gần 500 học viên May công nghiệp đi làm việc tại Công ty may Thắng lợi tại Thành phố Hồ Chí Minh, Công ty may Sông Đà tai hoà bình, 150 học viên Gò-Hàn đi làm việc cho các công ty. Như Công ty xây dựng hầm cầu Cavaco, Công ty xây dựng Sông Đà, nhà máy thuỷ điện....  Đặc biệt đầu năm 2010 đến nay Trung tâm cùng với huyện đoàn Thanh Chương đã làm việc với Tổng công ty may Sông Hồng một trong 5 công ty may lớn nhất của cả nước ký kết đảm bảo đầu ra cho các học viên học ngành may sau khi học xong sẽ có việc làm và thu nhập ổn định.

 

Với cách làm này, số lao động đến với trung tâm dạy nghề Thanh Chương ngày càng nhiều. Trong 5 năm từ 2006-2010, trung tâm đã đào tạo được trên 8.000 lao động. Đặc biệt năm 2010, có trên 2.000 học viên qua đào tạo tại đây. Mỗi năm, bằng các mối quan hệ chặt chẽ với các doanh nghiệp, trung tâm đã giới thiệu việc làm cho trên 1.000 lao động. Trong đó, có trên 60 lao động nữ thuộc 2 xã tái định cư Bản Vẽ là Ngọc Lâm, Thanh Sơn đã được trung tâm đào tạo nghề may và giới thiệu việc làm.

 

Thực tế, mỗi năm Nhà nước đầu tư hàng trăm tỷ đồng vào mạng lưới dạy nghề cho lao động dân tộc thiểu số, nhưng mới chỉ tập trung ở Tây Bắc, Tây Nguyên, Tây Nam bộ. Khu vực miền Trung, như Thanh Hóa, Nghệ An, Hà Tĩnh... cũng được đầu tư nhưng còn nhỏ, lẻ. Chính vì vậy, cơ sở vật chất của các trường nghề, trung tâm dạy nghề ở các huyện miền núi Nghệ An về cơ bản vẫn còn thiếu thốn. Biên chế đội ngũ giáo viên quá ít, mỗi cơ sở chỉ 5-7 người, còn phần lớn giáo viên trung tâm phải hợp đồng theo thời vụ. Điều này khiến các cơ sở dạy nghề thiếu chủ động trong việc bố trí giáo viên đứng lớp.

 

Tuy còn rất nhiều khó khăn, từ ý thức của người dân cũng như năng lực các cơ sở dạy nghề, nhưng với cách làm thành công của huyện Thanh Chương cho thấy,  đào tạo nghề cho lao động miền núi tuy khó nhưng không phải là không làm được.

 

Với sự năng động của chính các địa phương, các cơ sở đào tạo, tìm kiếm và tạo được mối liên kết với các đơn vị sử dụng lao động, thì tin chắc rằng, người dân sẽ không còn quay lưng với các trường nghề.

 

(Hoa Mơ)