Mới nhất Tin nóng Media Magazine Infographic Tin ảnh

Nhiều nghiên cứu KHKT sáng tạo, thiết thực của học sinh Trung học

20:06, 13/03/2018

Theo đánh giá của Ban tổ chức, Ban giám khảo: Điểm mới nhất của cuộc thi Khoa học Kỹ thuật cấp quốc gia năm nay không chỉ là tăng về số lượng mà các dự án của các em thể hiện sự tìm tòi, sáng tạo và có tính ứng dụng trong thực tiễn. 

 

Với sáng chế hỗ trợ người khuyết tật mất đi cánh tay có thể sinh hoạt như người bình thường, dự án “Cánh tay robot hỗ trợ người khuyết tật sử dụng cảm biến MG” của 2 em: Nguyễn Thanh Bình và Lê Văn Cường đến từ 1 huyện nông thôn của tỉnh Hưng Yên đã xuất sắc dành giải Nhất, lĩnh vực mà lâu nay học sinh thành phố chiếm ưu thế - robot và máy thông minh.

a
Dự án “Cánh tay robot hỗ trợ người khuyết tật sử dụng cảm biến MG” của 2 em Nguyễn Thanh Bình và Lê Văn Cường đến từ Trường THPT Phù Cừ (Hưng Yên)

Chia sẻ của em Nguyễn Thanh Bình - Trường THPT Phù Cừ (Hưng Yên): “Việc nghiên cứu công nghệ robot cũng có chút khó khăn. Việc nghiên cứu chủ yếu tự tìm hiểu trên internet, có những linh kiện lắp ghép phải đặt mua từ nước ngoài”.

a
Nhóm nghiên cứu thử nghiệm tính thực tế trên cánh tay người khuyết tật.

Đồng tác giả dự án cánh tay robot Lê Văn Cường chia sẻ thêm: “Cánh tay robot hoạt động trên phương thức cảm biển của cánh tay thật. Giá thành để sở hữu một cánh tay robot này phù hợp với cả những người có thu nhập ở mức bình thường”.

Một trong số những đề tài mới và lạ tại cuộc thi là dự án tìm nguyên nhân dẫn đến hành vi nghiện game trong học sinh THPT. Dự án không thuộc lĩnh vực Khoa học – Xã hội và hành vi mà thuộc nghiên cứu hóa sinh, nghiên cứu nồng độ các chất trong nước tiểu để chẩn đoán sớm người nghiện game. Đây là đề tài mới nên 2 tác giả Lê Hà Khoa, Nguyễn Phương Nam đến từ Trường THPT chuyên Nguyễn Huệ (Hà Nội) gặp không ít khó khăn trong quá trình nghiên cứu.

a
Dự án nghiên cứu nồng độ các chất trong nước tiểu để chẩn đoán sớm người nghiện game thu hút đông đảo sự quan tâm của người xem.

“Khó khăn lớn nhất của chúng em là chọn nhóm nghiện game 51 bạn. Chúng em phải đi vận động các bạn tại 20 quán internet để lập nhóm thử nghiệm,  trong đó có nhiều bạn ngại lấy nước tiểu”. – Chia sẻ của em Nguyễn Phương Nam.

Không chỉ các dự án đón đầu cuộc công nghệ 4.0 như Robot và máy thông minh hay các dự án lĩnh vực y sinh và khoa học sức khỏe như nghiên cứu liên quan đến bệnh ung thư chiếm ưu thế, nhiều dự án đã tập trung giải quyết vấn đề gắn với thực tiễn địa phương như “Máy sấy nông sản mùa mưa” của học sinh nông thôn huyện Lô Giang (Thái Bình) hay sáng chế “Hệ thống chưng cất nước mặn thành nước ngọt” của học sinh Trường THPT chuyên Phan Bội Châu (Nghệ An) để người dân vùng biển không phải đi mua từng can nước ngọt…

a
Nhiều nghiên cứu có tính ứng dụng cao phù hợp với đặc điểm của từng địa phương. Trong ảnh là dự án "Máy sấy nông sản mùa mưa" của nhóm học sinh đến từ tỉnh Thái Bình. 

Đánh giá chất lượng cuộc thi khu vực phía Bắc năm nay, PGS.TS Nguyễn Xuân Thành - Phó Vụ trưởng Vụ Giáo dục Trung học, Thành viên Ban tổ chức – Ban giám khảo cuộc thi Khoa học Kỹ thuật Quốc gia năm học 2017 -2018 cho biết: “Thông qua kỳ thi này, chúng tôi nhận thấy các cháu đã biết chọn đề tài cụ thể hơn, sát với cuộc sống của người dân và địa phương. Vì vậy, các nghiên cứu đều có tính ứng dụng cao”.

Với sự tiến bộ từ việc lựa chọn đề tài, phương pháp nghiên cứu đến hàm lượng khoa học và khả năng sáng tạo và tính ứng dụng, nhiều học sinh THCS,THPT đã gặt hái được những quả ngọt đầu tiên trên con đường thực hiện ước mơ trở thành nhà khoa học tương lai./.

Thu Hiền – Chu Quý

[links()]