Thư viện sách miễn phí ở xóm nghèo
Đã gần 3 năm nay, có nhiều lứa tuổi như trẻ em, người cao, thanh niên, phụ nữ… ở xóm nghèo nhất huyện miền núi Quỳ Hợp được đọc sách báo miễn phí từ một "thư viện" thu nhỏ được lập nên bởi tâm huyết của ông Nguyễn Tất Hải, trưởng xóm Hợp Thành, xã Tam Hợp.
Sinh ra trong gia đình đông anh em, lại không có nhiều điều kiện để học nên cả đời ông Nguyễn Tất Hải có niềm đam mê lớn với việc đọc và sưu tầm sách báo. Là xóm trưởng, bản thân ông mong muốn ở nơi xóm nghèo nhất huyện Quỳ Hợp sẽ có một thư viện để hàng ngày phục vụ văn hóa đọc cho bà con, những con người vốn quanh năm lam lũ, ăn còn không đủ tính gì đến việc đọc sách báo. Tháng 12/2015, khi nhà văn hóa xóm Hợp Thành đưa vào sử dụng cũng là lúc ông Hải thực hiện niềm mong mỏi đó. Để có sách báo, ông Hải đi gõ cửa thư viện huyện Quỳ Hợp, thư viện tỉnh Nghệ An để xin các đầu sách cũ.
Ở tuổi ngoài 60, song ông Hải luôn truyền cảm hứng đọc cho các cháu nhỏ nơi đây |
Ông chia sẻ: Xóm Hợp Thành hơn 50 hộ dân, điều kiện sinh hoạt rất khó khăn. Đây là vùng 135 và tôi nghĩ khó khăn nhất chính là văn hóa do đó tôi tập trung làm sao đó để hỗ trợ cho người dân đi lên từ cơ sở văn hóa cho nên tôi hình thành tủ sách. Đối với học sinh đây là nguồn tư liệu rất quan trọng, tôi nghĩ rằng tất cả các em học sinh dù lớp vở lòng, tiểu học hay trung học đều cần kiến thức cơ bản mà tôi muốn thông qua tủ sách cung cấp thong tin cơ bản và ngoài ra có những loại sách trình độ cao hơn mang tình khuyến khích, khêu ngợi về những nỗ lực cố gắng nhất để thay đổi bản thân.
Từng cuốn sách trong tủ sách được ông Hải trân quý |
Kể từ đó, thư viện sách nơi xóm nghèo đã ra đời. Quanh năm suốt tháng cực nhọc với công việc đồng áng, việc xóm bản nhưng ông Hải vẫn tranh thủ thời gian đi tìm mua ở những quầy sách cũ hay đi xin lại những cuốn sách hay, giá trị để bổ sung thêm cho phong phú tủ sách-thư viện của xóm mình. Đã có nhiều tập thể hay cá nhân như thư viện tỉnh, thư viện huyện, công an huyện Quỳ Hợp khi biết việc ông Hải đã làm cho người dân của xóm nghèo nên đã tìm đến nhà văn hóa của xóm để biếu tặng sách miễn phí. Chỉ sau gần 3 năm đi vào hoạt động, hiện “thư viện” của xóm nghèo Hợp Thành đã có gần 500 đầu sách, báo thuộc các lĩnh vực như pháp luật, giáo dục, văn hóa, bảo vệ thực vật, thú y…
Tủ sách đã giúp các bạn nhỏ nơi xóm nghèo thỏa đam mê đọc sách |
Cứ vào tầm 17h chiều hàng ngày, nhà văn hóa xóm nghèo Hợp Thành lại vang vảng tiếng cười nói của các em học sinh và không ít người lớn tuổi trong xóm cũng tìm đến để đọc sách, báo. Từ một vài học sinh lúc đầu, đến nay, có hàng chục em kéo đến nhà văn hóa xóm để đọc sách vào mỗi buổi chiều. Em Trần Thị Thường, học sinh lớp 5C, trường Tiểu học Tam Hợp chia sẻ: Hàng ngày đi học đường xa vất vả, chúng cháu không có tiền để mua những cuốn truyện để đọc. Thường thường những ngày nghỉ chúng cháu lên trên văn hóa để mượn truyện đọc thỏa thích vui chơi, được gặp các bạn rất vui chúng cháu đọc những chuyện có ích, học giỏi.
Không chỉ được đọc sách tại nhà văn hóa xóm, các em còn được mượn sách về nhà phục vụ cho việc học tập của mình |
Nhiều nông dân trong làng xã cũng tìm đến đây mà mượn các cuốn sách hướng dẫn về chăn nuôi, sản xuất nông nghệp, lâm nghiệp... để nâng cao kiến thức tăng gia sản xuất hiệu quả hơn. Bà Hồ Thị Nguyệt xóm Hợp Thành, xã Tam Hợp phấn khởi nói :“Tôi năm nay 72 tuổi, từ xưa đến nay tôi không được biết, bây giờ nhà văn hóa chúng tôi có tủ sách, tôi muốn cho con cho cháu thành thân con người đến đây phải học hỏi sách vở để truyền đạt cho con, cho cháu. Tôi động viên con cháu đến, tôi thường xuyên đến đây mượn sách của ông Hải về để đọc. Ông chuẩn bị đó để động viên các cháu, các cháu ăn học đó để có kinh nghiệm”.
Không chỉ bận rộn với trọng trách của một xóm trưởng, ông Hải lại còn dành thời gian sắp xếp lại các đầu sách, chăm chút cẩn thận, kiểm tra sổ ghi chép và dọn bàn ghế đón tiếp mọi người đến đọc sách. Việc làm bình dị mà cao cả của ông Nguyễn Tất Hải đã góp phần lan tỏa văn hóa đọc ở xóm nghèo Hợp Thành và hy vọng rằng trong thời gian tới việc làm có ý nghĩa này sẽ được lan tỏa mạnh mẽ hơn nữa trong cộng đồng dân cư.
Phan Giang