Giáo dục

25 tỉnh, thành cho tất cả học sinh đến trường

11:07, 20/09/2021
Cả nước có 25 tỉnh, thành tổ chức dạy học trực tiếp; 13 địa phương kết hợp trực tiếp, trực tuyến và qua truyền hình; còn lại không cho học sinh đến trường.

Thống kê ngày 19/9 của Bộ Giáo dục và Đào tạo cho thấy hầu hết tỉnh, thành cho toàn bộ học sinh tới trường là ở miền Bắc, nơi dịch bệnh được kiểm soát tốt, nhiều ngày qua không phát hiện ca mới. Nhà trường phải thực hiện các biện pháp phòng chống dịch, có phương án chi tiết để ứng phó với từng trường hợp.

Như tại Vĩnh Phúc, các trường học phải thường xuyên vệ sinh khuôn viên, tăng cường thông khí tại lớp học bằng cách mở cửa, sử dụng quạt thay vì điều hòa. Khi tình hình dịch diễn biến phức tạp, các trường phải quản lý, giám sát theo phương châm "lớp giãn cách lớp và lớp tự bảo vệ lớp", hạn chế tiếp xúc học sinh giữa các lớp với nhau, đặc biệt trong giờ ra chơi.

Các trường cũng phân luồng học sinh, kiểm tra thân nhiệt, không tổ chức hoạt động tập thể quy mô lớn để đảm bảo giãn cách, kiểm soát chặt chẽ người ra vào trường... Nhờ quy định cụ thể, các trường học ở Vĩnh Phúc đang giảng dạy trực tiếp bình thường. Việc phân luồng khi học sinh đến trường và ra về hay yêu cầu đeo khẩu trang trong lớp ở nhiều trường được làm tốt, phụ huynh hợp tác.

Trong nhóm tổ chức dạy học trực tuyến và qua truyền hình chỉ có Hà Nội và Hưng Yên thuộc khu vực này, còn lại là các tỉnh, thành phía Nam.

 

Hai năm học qua, khoảng 22 triệu học sinh cả nước đã trải qua nhiều lần gián đoạn học tập, phải chuyển sang học online do ảnh hưởng của Covid-19. Năm học 2021-2021, dịch bùng phát mạnh mẽ hơn với gần 700.000 ca nhiễm tính từ cuối tháng 4, hơn 17.000 người chết, kế hoạch học tập bị đảo lộn.

Hôm 12/9, Bộ Giáo dục và Đào tạo cho biết ước tính có 7,35 triệu học sinh các cấp đang học trực tuyến, trong đó 1,5 triệu em không có thiết bị để tham gia hình thức học tập này. Thủ tướng đã chỉ đạo tổ chức chương trình "Sóng và máy tính cho em" để hỗ trợ những học sinh thuộc diện khó khăn.

Ảnh minh họa.
Ảnh minh họa.

Hiện, khoảng một triệu máy tính đã được huy động, các nhà mạng cũng hỗ trợ cước phí truy cập Internet và phần mềm học trực tuyến để đảm bảo mọi học sinh đều được tiếp cận công bằng.

Bộ Giáo dục và Đào tạo cũng đã ban hành công văn hướng dẫn điều chỉnh chương trình giáo dục phổ thông cấp tiểu học, THCS và THPT năm học 2021-2022 nhằm ứng phó với Covid-19, đảm bảo hoàn thành năm học.

Sự kiện liên quan

Xem thêm sự kiện