Giải pháp khắc phục hiện tượng chậm động dục của bò sữa sau khi sinh
Nuôi bò lấy sữa ở Việt
Tại Nghệ An, chăn nuôi bò sữa được triển khai từ năm 2001. Vấn đề khó khăn mà bà con nông dân Nghệ An thường gặp phải, đó là hiện tượng bò chậm động dục lại sau khi sinh. Theo số liệu của Trung tâm giống chăn nuôi Nghệ An, số bò sau đẻ 90-120 ngày chưa động dục lại chiếm 45%; số bò sau đẻ 120-180 ngày chưa động dục lại chiếm trên 36%; một số con sau đẻ từ 8-12 tháng vẫn chưa động dục lại. Do đó, khoảng cách lứa đẻ đối với bò sữa nuôi tại Nghệ An khá dài, bò HF bình quân 16,1 tháng; bò lai HF bình quân 15,5 tháng, trong khi đó tại TP HCM, Hà Nội, khoảng cách lứa đẻ trung bình của bò sữa chỉ là 13,3 tháng.
Trong chăn nuôi bò sữa, điều quan trọng là phải làm tăng khả năng sinh sản của đàn bò, rút ngắn khoảng cách giữa các lứa đẻ, tăng số bê con sinh ra, đồng thời tăng sản lượng sữa trong một đời cái. Chính vì vậy, nghiên cứu giải pháp khắc phục hiện tượng chậm động dục lại của bò sữa sau khi sinh tại Nghệ An là việc rất cần thiết:
Việc nghiên cứu khắc phục hiện tượng chậm động dục lại của bò sữa sau khi sinh được dựa trên nhiều cơ sở khoa học như: hoạt động sinh dục của bò cái; sự điều hòa hoạt động sinh dục của tuyến nội tiết; ảnh hưởng của hormone, chế độ dinh dưỡng tới hoạt động sinh dục của bò cái… Đồng thời, các cán bộ, kỹ sư của Trung tâm giống chăn nuôi Nghệ An đã tiến hành điều tra về thể trạng, tình hình sinh sản và khám bộ máy sinh sản để xác định tỷ lệ và nguyên nhân chậm động dục lại, chậm sinh của bò sữa sau đẻ.
Theo kết quả điều tra và khám trên đàn bò, số bò chậm động dục lại chủ yếu tập trung ở những bò có thể trạng gầy, do điều kiện chăm sóc nuôi dưỡng kém, dinh dưỡng thiếu, dẫn đến mất cân đối về tỷ lệ chất khoáng đa lượng, vi lượng; bò chủ yếu được nuôi nhốt, ít tiếp xúc với ngoại cảnh. Trong số 282 bò sinh sản của huyện Nghĩa Đàn và Quỳnh Lưu, có tới 150 con có thể trạng gầy, chiếm 53,2%. Kết quả khám lâm sàng buồng trứng và tử cung những bò có thể trạng gầy, đã có hiện tượng chậm động dục và phối giống từ 3 lần trở lên mà không có chửa cho thấy: 71,3% bò gầy mắc các bệnh đường sinh sản như buồng trứng kém phát triển, thể vàng tồn lưu, viêm tử cung, động dục không rụng trứng.
Từ các kết quả trên cho thấy, nguyên nhân chính của tình trạng bò chậm động dục lại là do: thứ nhất, chế độ ăn thiếu dinh dưỡng, chăm sóc kém dẫn đến mắc các bệnh về đường sinh sản; thứ hai, do các nguyên nhân rối loạn nội tiết dẫn tới rối loạn sinh sản. Đây chính là cơ sở để đưa ra các giải pháp kĩ thuật thích hợp để khắc phục hiện tượng bò chậm động dục.
Ảnh chỉ mang tính minh hoạ |
Tùy theo nguyên nhân gây nên hiện tượng chậm động dục, các đối tượng bò chậm động dục sẽ được áp dụng các giải pháp khắc phục thích hợp khác nhau.
Giải pháp thứ nhất, đối với nhóm bò gầy, tác động bằng dinh dưỡng với khẩu phần ăn bổ sung bao gồm thức ăn tinh, cỏ trồng, rơm khô, bã bia, rỉ mật với tỷ lệ thích hợp, bổ sung khoáng bằng đá liếm tự do. Theo dõi đồng thời với nhóm bò nuôi theo chế độ thức ăn tự do của nông hộ có giá trị dinh dưỡng thấp hơn cho thấy, nhóm bò có tác động dinh dưỡng bằng khẩu phần ăn thí nghiệm có thời gian động dục lại sau sinh rút ngắn hơn so với nhóm bò thường là 39,8 ngày, cho thấy đây là một giải pháp quan trọng góp phần khắc phục tình trạng chậm động dục lại của bò sau khi sinh.
Giải pháp thứ hai, đối với nhóm bò có thể vàng tồn lưu, sử dụng chế phẩm prostaglandin (gọi tắt là PGF2α) với liều 25mg/con tiêm vào bắp. Thí nghiệm với 15 bò cái có thể vàng bệnh lý tồn lưu được tiêm PGF2α, đã có 11 con động dục trở lại (đạt 73,3%), tỷ lệ phối giống có chửa là 63,6%. Có thể thấy thời gian tác động của thuốc khá nhanh và mạnh, đồng thời khả năng gây động dục bằng PGF2α ở hai nhóm bò HF và bò lai HF không có sự chênh lệch đáng kể.
Giải pháp thứ ba dành cho những bò sau đẻ trên 4 tháng không động dục lại. Với nhóm bò này, sử dụng PGF2α hai liều cách nhau 11 ngày. Sau khi tiêm lần thứ 2 từ 3-4 ngày, cho bò phối giống dù có hiện tượng động dục hay không. Tỷ lệ động dục sau khi tiêm hai liều PGF2α của nhóm bò này là 46,6%, tỷ lệ phối giống có chửa là 33,3%. Tỷ lệ này không cao có thể do thể trạng bò gầy dẫn đến sự phát triển buồng trứng kém, nang trứng không phát triển nên khả năng động dục và phối giống đậu thai thấp.
Thứ tư, với bò HF và lai HF sau đẻ chậm động dục thì gây động dục bằng cách đặt dụng cụ âm đạo CIDR (đọc là síp). Dùng vòng CIDR đặt cho bò cái sau khi đẻ chậm động dục, sau khi đặt tiêm bổ sung cidirol liều 1mg; sau 7 ngày rút thiết bị ra, tiêm PGF2α liều 25mg. Theo dõi bò động dục và cho phối giống. Trong 60 bò cái thí nghiệm được đặt CIDR, có 47 con động dục lại, đạt tỷ lệ 78%. Thời gian động dục tập trung chủ yếu vào 48-72 giờ sau khi tháo thiết bị đặt âm đạo.
Có một lưu ý đặc biệt khi thực hiện các giải pháp nêu trên là kết hợp chế độ ăn giàu dinh dưỡng và tiến hành trên bò khỏe mạnh, không bệnh tật, viêm nhiễm. Các giải pháp này đã đem lại hiệu quả rõ rệt, được nông dân nuôi bò sữa đồng tình ủng hộ.
Ngoài ra, để phòng tránh hiện tượng chậm động dục lại sau khi sinh ở bò sữa, cần chăm sóc, nuôi dưỡng bò trước và sau đẻ đúng quy trình. Bò phải được nuôi với khẩu phần ăn đầy đủ năng lượng, protein, vitamin A,D,E, khoáng đa lượng và vi lượng… Chuồng trại chăn nuôi phải thoáng mát, sạch sẽ; kết hợp cho bò vận động hàng ngày; chú ý tránh các nguyên nhân gây sẩy thai như stress nhiệt, va chạm mạnh do nuôi nhốt đông, nền chuồng trơn trượt… Khu vực cho bò đẻ cần thoáng mát và hợp vệ sinh. Sau khi bò đẻ, cần để ý các quy trình phòng và chữa bệnh khác để bò luôn khỏe mạnh, tránh viêm nhiễm đường sinh sản sau sinh; cho bò ăn thức ăn dễ tiêu hóa. Đồng thời, sử dụng tốt các biện pháp quản lý phối giống trong các chu kỳ tiếp theo.
Đề tài đã cơ bản tìm ra các biện pháp hiệu quả khắc phục hiện tượng chậm động dục lại ở bò sữa. Tuy người nông dân tốn thêm chi phí mua thuốc, dụng cụ âm đạo và công chăm sóc, nuôi dưỡng bò tăng lên, nhưng xét về lâu dài, thì việc sử dụng các biện pháp này khiến cho số bò sinh ra /1 bò sữa và số chu kỳ vắt sữa/1 bò sữa tăng lên, dẫn đến chi phí đầu tư chăm sóc, chuồng trại, điện nước, thuốc thú y cũng được giảm, từ đó nâng cao lợi nhuận cho người nông dân. Về mặt tổng thể, điều này có lợi cho ngành chăn nuôi bò sữa ở các địa phương chủ lực như Nghĩa Đàn, Thái Hòa, Quỳnh Lưu.
Thành công của đề tài đã khắc phục được một vấn đề khó khăn lớn đối với bà con trong chăn nuôi bò sữa, góp phần thúc đẩy sự phát triển lớn mạnh về chất lượng cũng như số lượng đàn bò sữa ở Nghệ An. Nhưng để đề tài thật sự phát huy hiệu quả lâu dài, điều cần thiết nhất là phải kịp thời chuyển giao kiến thức, kỹ thuật cho đội ngũ dẫn tinh viên cơ sở và bà con nông dân, để địa phương có thể chủ động thực hiện các giải pháp kỹ thuật ngay khi phát hiện hiện tượng chậm động dục lại của bò sữa.
Các giải pháp khắc phục hiện tượng chậm động dục lại của bò sữa sau khi sinh đã rút ngắn khoảng cách các lứa sinh để tăng nhanh số lượng đàn bò và sản lượng sữa, mang lại lợi ích kinh tế lớn cho người chăn nuôi. Đây cũng là tiền đề quan trọng góp phần thúc đẩy ngành chăn nuôi bò sữa ở Nghệ An phát triển hơn nữa trong giai đoạn tiếp theo.
Anh Đào