Mô hình nuôi cá vược thương phẩm ở Nghi Lộc
Cá vược là loài cá nước mặn lợ có thân dài, dẹp, cuống đuôi khuyết sâu, đầu nhọn, vây lưng và vây hậu môn có vẩy nhỏ bao phủ, vây đuôi tròn, vẩy dạng lược rộng. Cá có tốc độ tăng trưởng nhanh, thường đạt kích cỡ 3-5 kg sau 2-3 năm. Trên thế giới, cá phân bố rộng ở các vùng nhiệt đới và cận nhiệt đới. Ở Việt Nam, cá phân bố ở các vùng biển, cửa sông, lạch, nhưng tập trung nhất là ở vùng biển các tỉnh Tây Nam Bộ và một số tỉnh đồng bằng Bắc Bộ.
Là loài có giá trị thương phẩm cao nên cá vược được nuôi nhiều và hiệu quả ở nhiều nước như
Huyện Nghi Lộc có 1.500 ha nuôi trồng thủy sản, trong đó có 1.340 ha nuôi ngọt và 160ha mặn lợ. Với mục tiêu phát triển thủy sản bền vững, huyện đã có chủ trương đầu tư, xây dựng hệ thống nuôi trồng thủy sản, trong đó có nuôi trồng thủy sản mặn lợ. Tuy nhiên, đối tượng nuôi mặn lợ chủ yếu là tôm sú, tôm he chân trắng… Mấy năm gần đây lại thường xuyên dịch bệnh với diện tích bị hại khoảng 5-10ha. Vì vậy, phòng nông nghiệp huyện đã tìm tòi, học hỏi, nghiên cứu đề xuất dự án “Ứng dụng tiến bộ KHCN xây dựng mô hình nuôi cá vược trong vùng nước lợ tại huyện Nghi Lộc”. Đây là bước đột phá nhằm đa dạng hoá loài nuôi, góp phần ổn định đời sống sản xuất, giảm thiểu rủi ro, mở ra hướng làm kinh tế mới cho bà con vùng nuôi tôm bấp bênh.
Sau khi tham quan học hỏi kinh nghiệm tại nhiều địa phương, được chuyển giao đầy đủ các quy trình kỹ thuật về tuyển chọn, thuần hóa cá vược giống, quy trình quản lý, chăm sóc, quy trình phòng và chữa trị các bệnh thông thường cho cá thương phẩm, các cán bộ dự án đã triển khai thí điểm mô hình tại hai hộ nông dân ở xã Nghi Hợp.
Để chuyển các ao nuôi tôm kém hiệu quả sang nuôi cá vược, ao phải được cải tạo, cụ thể là nạo vét bùn đáy, gia cố bờ bao, bón vôi, phơi đáy và gây màu nước trước khi thả giống 15 ngày. Ao có mực nước 1,5m, có 2 cống cấp và thoát nước thuận tiện, độ mặn đạt từ 10-250/00, độ pH nằm trong khoảng 7,5-8,5, nồng độ ôxy > 5 miligam/lít, nhiệt độ nước từ 28-320C, độ trong của nước có thể nhìn thấy được khoảng 40-60cm. Sau khi cải tạo, chọn cá giống khỏe mạnh, có màu sắc tự nhiên, kích thước đồng đều, chiều dài thân đạt 8-10 cm. Đây là khâu rất quan trọng vì nếu kích thước không đều, cá sẽ ăn lẫn nhau. Cá giống thả xuống ao với mật độ 1,5 con/m2, thời vụ thả thích hợp nhất là vào tháng 4 hàng năm để tránh rét.
Cá vược là loài dễ nuôi, không đòi hỏi khâu chăm sóc quá cầu kỳ, kỹ lưỡng. Thức ăn cho cá là thức ăn công nghiệp có hàm lượng protein 40% trở lên, bổ sung vitamin tổng hợp. Cũng có thể cho cá ăn thức ăn tươi sống như cá biển nhỏ, cá tạp… tùy điều kiện từng địa phương và gia đình. Ngày cho cá ăn 2 lần, lượng thức ăn bằng 4% trọng lượng cá.
Định kỳ 10-15 ngày thay khoảng 40-50% nước trong ao nuôi, khi cá lớn, lượng thức ăn tăng cần thì thay nước nhiều hơn, đồng thời kết hợp dùng chế phẩm sinh học đánh vào ao nuôi 1 tuần/1 lần để đáy ao luôn sạch. Định kỳ 15 ngày/lần kiểm tra tốc độ tăng trưởng của cá bằng cách đo chiều dài và cân trọng lượng. Hàng ngày, người nuôi phải kiểm tra các chỉ số môi trường ao nuôi như nhiệt độ, PH, lượng ôxy hoà tan trong ao nuôi… và kiểm tra 15ngày/lần đối với các chỉ tiêu H2S, NO2, NH3, nồng độ ôxy sinh học, nồng độ ôxy hoá học… Khi các chỉ tiêu này vượt quá tiêu chuẩn cho phép thì có thể xử lý bằng cách thay 15-30% nước trong ao nuôi.
Chọn giống tốt, khỏe mạnh, thả nuôi mật độ thích hợp, đồng thời cho ăn đầy đủ số lượng và chất lượng, giữ môi trường nước tốt, loại bỏ chất thải, kiểm tra sức khỏe cá thường xuyên… như quy trình đã nêu trên chính là biện pháp phòng bệnh hữu hiệu nhất. Nếu cá bị bệnh thì sử dụng các loại thuốc chuyên dùng như formalin, tetracylin…
Đến nay, mô hình này đã co những kết quả khả quan, như ao cá vược có diện tích 2500m2 của hộ gia đình ông Nguyễn Đình Hồng, đầu tư ban đầu từ 70-80 triệu đồng, ông thả nuôi 3500 con cá giống, tỷ lệ sống 80%, sau 6 tháng cá đạt kích cỡ 0,8-1kg/con, với giá bán buôn 90.000VND/kg, gia đình ông thu lại 40 triệu đồng lợi nhuận. Tuy lợi nhuận không cao bằng nuôi tôm, nhưng loài cá này lại ít dịch bệnh, rủi ro, phù hợp với các vùng nuôi tôm bấp bênh và các hộ nuôi ít vốn đầu tư ban đầu. Bên cạnh đó, các hộ nông dân có thể nuôi cá vược để làm sạch môi trường, diệt hết dịch bệnh trước khi thả tôm vụ sau.
Một trong những ao nuôi cá vược thành công ở Nghi Lộc |
Nhìn chung, với kết quả thu được, khả năng phát triển, nhân rộng mô hình là rất khả quan bởi nguồn cung cấp giống khá dồi dào. Cá vược giống được Trung tâm giống thủy sản Nghệ An nghiên cứu sinh sản thành công vào năm 2008. Hiện nay tại trại giống hải sản Quỳnh Liên đang nuôi 38 con cá bố mẹ, trung bình mỗi năm xuất bán 50 vạn cá giống, cung cấp cho thị trường từ Hà Tĩnh tới Quảng Ninh.
Theo kinh nghiệm tại các địa phương nuôi cá vược từ trước như Quỳnh Lưu, cá vược là loài cho hiệu quả kinh tế cao, được thị trường ưa chuộng, trong khi chi phí đầu tư ban đầu và chi phí quản lý, chăm sóc cá lại vừa phải. Quỳnh Lưu hiện có 50ha nuôi cá vược thâm canh, tại các xã Quỳnh Liên, Quỳnh Xuân, Sơn Hải. Trung bình mỗi hộ nuôi thả 3.000 cá giống, sau 6 tháng thu được 1,5 tấn cá thương phẩm, lợi nhuận thu được từ 40-50 triệu đồng. Những số liệu này phù hợp với số liệu vụ cá đầu tiên tại Nghi Lộc, cho thấy đặc tính dễ thích nghi, dễ nuôi và giá trị kinh tế ổn định của loài cá này.
Những kết quả đạt được trong vụ nuôi đầu đã cho thấy dự án nuôi cá vược thương phẩm ở Nghi Lộc đang tiến những bước đi khả quan. Nghi Lộc lại có lợi thế gần Vinh và Cửa Lò, có thị trường rộng nên khả năng tiêu thụ sản phẩm thuận lợi. Chủ trương của huyện sẽ phát triển ngành nuôi trồng thủy sản bền vững, đa dạng đối tượng loài và hình thức nuôi.
Anh Đào