Nuôi bò nái sinh sản chất lượng cao ở xã Nghi Kiều, huyện Nghi lộc, Nghệ An
Nghi Lộc là huyện có nhiều tiềm năng về đất đai, khí hậu, điều kiện tự nhiên và lao động để phát triển chăn nuôi đại gia súc. Nhất là ở các xã có địa hình bán sơn địa như Nghi Kiều, Nghi Văn, Nghi Lâm, Nghi Hưng, Nghi Mỹ... Tuy nhiên, trong những năm qua, ngành chăn nuôi trâu - bò của huyện chưa phát triển tương xứng với tiềm năng hiện có. Số liệu thống kê cho thấy, toàn huyện có đàn trâu-bò 34.877 con, trong đó, có 25.916 con bò, số lượng bò lai chất lượng cao chỉ chiếm 28%. Chủ yếu người dân vẫn chăn nuôi theo hình thức quảng canh loại bò vàng địa phương, tầm vóc nhỏ, tăng trọng chậm, chất lượng thịt kém.
Để đạt mục tiêu có tổng đàn bò trên 43.600 con, với 20.500 bò lai vào năm 2010, những khó khăn trước hết cần được khắc phục là: phải tạo được giống bò lai ở địa phương. Vì do thiếu bò giống, người dân thường phải mua ở các vùng khác, vừa tăng chi phí mà lại ảnh hưởng đến chất lượng con giống. Thứ hai, cư dân vẫn duy trì cách chăn nuôi quảng canh: chăn thả cho trâu-bò ăn cỏ tự nhiên và các phụ phẩm nông nghiệp, chưa có tập quán trồng cỏ nuôi bò, dự trữ và chế biến thức ăn nên không đảm bảo nhu cầu về số lượng và cải thiện về chất lượng.
Dự án “Hỗ trợ xây dựng mô hình chăn nuôi bò nái sinh sản chất lượng cao tại xã Nghi Kiều” tập trung ứng dụng khoa học kỹ thuật xây dựng nguồn con giống tốt phục vụ chương trình chăn nuôi bò thịt hàng hóa của địa phương, từng bước nhân rộng mô hình cho những vùng có điều kiện tương tự trong toàn huyện. Bên cạnh đó, dự án còn góp phân chuyển dịch cơ cấu cây trồng, tăng thu nhập cho người dân ở những vùng sản xuất nông nghiệp hiệu quả thấp. Có 7 hộ tại các xóm 14A và xóm 16, xã Nghi Kiều có đủ điều kiện tham gia dự án, mỗi hộ nhận nuôi 2-3 con bò nái lai sind từ tháng 12 năm 2006.
Bò giống đưa về nuôi ban đầu thường khoảng 14-22 tháng tuổi, trọng lượng trung bình 179-240 kg/con. Chọn bò nái có tầm vóc to khỏe, đầu và cổ thanh nhẹ, cân đối, lưng dài, rộng, bụng to tròn, mông nở nang, bầu vú phát triển có núm vú đều đặn, khi trưởng thành đạt trọng lượng 250-300 kg. Từ 1-7 tháng có thể chăn thả xa nhà hoặc sử dụng cày, kéo nhẹ. Từ tháng thứ 8 trở đi bò được nghỉ tại chuồng nhà. Giai đoạn này chủ yếu cho bò ăn thức ăn thô xanh như cỏ xanh, khoai lang, lá mía, cây ngô, nếu thiếu cỏ xanh có thể thay thế cỏ khô, rau khô theo tỷ lệ 3-4kg tươi =1 kg khô. Đặc biệt phải chú ý cho bò ăn thêm thức ăn tinh như cám, gạo, ngô, đỗ tương, bột cá, bột thịt xương… Các loại thức ăn tinh này được phối trộn đều theo tỷ lệ thích hợp, cho bò ăn từ 0,5 – 2kg/con/ngày. Nếu nuôi nhốt, hàng ngày phải cho bò uống nước từ 40-60 lít/ngày. Giai đoạn bò phối giống, chửa đẻ cần tăng cường chăm sóc và cho ăn uống đầy đủ để bò đẻ 1 lứa/năm và bê con sinh ra khỏe mạnh.
Đối với bê con, nên cho bê bú sữa đầu càng sớm càng tốt. Tập cho bê ăn thức ăn tinh từ ngày tuổi thứ 8, đến 15 ngày tuổi bắt đầu cho ăn cỏ khô. Từ tháng thứ 2 trở đi bê ăn được cỏ tươi loại non ngọt, sạch đất cát. Lượng thức ăn có thể tăng dần theo khả năng của bê. Cai sữa cho bê vào lúc 180 ngày tuổi, khi bê đã phát triển tốt. Chuồng trại cho bò và bê ở phải thường xuyên vệ sinh sạch sẽ, khô ráo, thoáng về mùa hè, ấm về mùa đông. Cần chú ý tiêm phòng cho bò và bê theo định kỳ.
Bê con 8 tháng tuổi |
Để chủ động nguồn thức ăn chính cho bò là thức ăn thô xanh, mỗi hộ tham gia dự án đều dành phần đất trồng trọt kém hiệu quả để trồng cỏ voi. Đây là loại cỏ thân cứng có lóng như mía, thích hợp trồng ở nhiệt độ 25-30 độ C. Cỏ thường được trồng bằng hom trên đất cày bừa kỹ và bón phân đầy đủ. Khoảng 80-90 ngày cỏ cao khoảng 2m và có thể thu hoạch được. Từ lứa 2 trở đi cứ 45 ngày thu hoạch một lần, khi cắt phải cắt cách gốc 5cm, sau khi cắt 7-10 ngày dùng ure bón thúc kỹ. Mỗi năm cỏ có thể cho thu hoạch 7 lứa với năng suất trung bình đạt trên 287 tấn/ha.
Sau hai năm thực hiện, đến tháng 12 năm 2008, dự án đã cho thấy nhiều kết quả khả quan. Vốn đầu tư ban đầu của mỗi gia đình khoảng 18-19 triệu, bao gồm tiền mua giống, sửa sang chuồng trại và đầu tư trồng cỏ. Nguồn thức ăn xanh chủ động nên chi phí cho mỗi con bò nái không quá nhiều, khoảng 1 triệu/con/năm. Thông thường, bê con nuôi 7 tháng có thể bán với giá 5-7 triệu đồng/con. Tính ra, mỗi năm mỗi hộ bán từ 2-3 bê con, thu lãi hơn một nửa. Hầu hết các gia đình tham gia dự án đều đã bán được 1-2 lứa bê đầu tiên và đang tiếp tục nuôi lứa thứ ba. Mô hình này cho hiệu quả hơn hẳn nuôi bò vàng địa phương, 2 năm đẻ một lứa, một bê con chỉ bán được với giá 3-3,5 triệu đồng. Còn nếu so với các mô hình trồng cây màu truyền thống, trên diện tích 1 ha mô hình trồng cỏ nuôi bò thu nhập trên 100 triệu đồng, trừ chi phí thu lãi 37.500.000 đồng, trong khi đó trồng hoa màu chỉ cho thu nhập gần 60 triệu đồng, thu lãi 17.500.000 đồng.
Cỏ voi một lứa tại thời điểm 80 ngày |
Ngoài hiệu quả kinh tế, dự án còn đem lại nhiều hiệu quả xã hội khác. Mô hình này vừa góp phần thúc đẩy chăn nuôi trang trại phát triển, tăng số lượng và chất lượng sản phẩm chăn nuôi của địa phương, thúc đẩy ngành chăn nuôi trâu bò phát triển theo hướng hàng hóa. Bên cạnh đó, mô hình còn giúp xóa bỏ tập quán chăn thả gia súc, giảm công chăn dắt, tập trung phân rác làm bể biogas, giảm thiểu tác hại xấu tới môi trường, đồng thời tạo điều kiện cho người chăn nuôi tiếp thu ứng dụng khoa học kỹ thuật vào chăn nuôi trâu bò.
Hiện mô hình đang được khuyến khích mở rộng sang các địa phương khác trong huyện Nghi Lộc.
Anh Đào