Nuôi cá chim trắng trong môi trường mặn lợ ở Diễn Châu
Cá chim trắng nước ngọt thuộc họ cá Chép, có nguồn gốc từ sông Amazon Nam Mỹ. Loài cá này du nhập vào Trung Quốc năm 1985, đến năm 1988 được nghiên cứu sinh sản nhân tạo thành công. Ở Việt
Ở vùng ven biển Diễn Châu, các diện tích nuôi trồng thủy sản nước lợ ở Diễn Kỉ, Diễn Bích, Diễn Ngọc, Diễn Vạn… trước đây chủ yếu nuôi tôm sú. Tuy nhiên, tôm sú là đối tượng khó tính, cần đầu tư cao các điều kiện cải tạo môi trường, cơ sở vật chất, thức ăn, phòng và chữa bệnh… do đó, việc nuôi tôm tại các địa phương này không đưa lại hiệu quả kinh tế, thậm chí còn thua lỗ. Tìm ra một đối tượng nuôi mới phù hợp với các điều kiện khí hậu, môi trường, cơ sở hạ tầng ở Diễn Châu là điều cần thiết để phát triển nghề nuôi trồng thủy sản nước lợ nơi đây. Dự án “Ứng dụng tiến bộ KHCN xây dựng mô hình nuôi cá chim trắng công nghiệp trong vùng nước lợ tại Diễn Châu” ra đời nhằm khắc phục những hạn chế này.
Dự án được triển khai trong khoảng thời gian hai năm, từ tháng 5 năm 2008 tới tháng 5 năm 2010, tại khu nuôi trồng thủy sản thuộc khu vực thôn Bùng, xã Diễn Kỉ, Diễn Châu, do Công ty TNHH Thủy sản Ánh Dương thực hiện. Trong diện tích 8 ha này, công ty nuôi các loại cá rô phi đơn tính, tôm he chân trắng, cá chép V1, và đặc biệt là cá chim trắng. Qui trình kĩ thuật chăm sóc và nuôi cá chim trắng khá đơn giản, dễ hiểu đối với người nông dân.
Ao nuôi cá chim trắng có độ sâu từ 1,5-2m để ổn định nhiệt độ nước lúc trời nắng nóng, đáy ao phủ một lớp bùn cát dày 10-20cm, ao có cống cấp và cống thoát nước riêng biệt. Ao sau khi tẩy dọn và cải tạo đúng qui trình thì có thể thả cá giống.
Khi chọn cá giống, chọn đúng loài cá chim nắp mang ngắn, là loài đã được du nhập vào Việt
Khâu kĩ thuật quan trọng là: thuần hóa cá giống chim trắng nước ngọt cho quen với môi trường mặn lợ. Đây là điểm đặc biệt của dự án. Vì trước đây, loài cá này được nuôi trong môi trường nước ngọt. Sau quá trình nghiên cứu và thử nghiệm, các cán bộ kĩ thuật của dự án đưa ra qui trình thuần hóa cá như sau: cá giống mua về được thả vào chậu nước có tỉ lệ 60% mặn và 40% ngọt trong 15-20 phút. Quan sát thấy cá khỏe mạnh thì có thể thả cá xuống ao có độ mặn từ 5-7%o. Thực tế cho thấy nếu cá giống khỏe mạnh và môi trường ao nuôi có độ mặn ổn định thì cá có tỉ lệ sống khá cao. Năm 2008, Công ty TNHH thủy sản Ánh Dương thả 4 vạn cá giống, sau thời gian nuôi trong môi trường mặn lợ, cá sống 3,6 vạn con, đạt tỷ lệ sống 90%.
Thời vụ thả cá thích hợp nhất là vào tháng 2, tháng 3, cỡ cá giống khoảng 4-6cm, tương đương 100 con/kg, mật độ cá trung bình 4 con/m2. Cá chim ăn tạp nên thức ăn cho cá khá đa dạng: cá tạp, động vật, tôm tép, thực phẩm phế thải, các loại rau, bèo, các thức ăn nhiều tinh bột như ngô, khoai, sắn… Tuy nhiên, nên chọn cho cá ăn thức ăn viên của các nhà máy chế biến, hàm lượng đạm 20-25%, hoặc dùng cám gạo, bột ngô nấu với 25% đạm động vật, đồng thời cho cá ăn thêm thức ăn xanh như các loại rau, bèo.. Hàng ngày cho cá ăn hai lần vào lúc sáng sớm và chiều tối, cho ăn tăng dần theo độ lớn của cá. Cá 1-2 tháng đầu cho ăn 7-10% trọng lượng; các tháng tiếp theo cho ăn 3-5% trọng lượng cá. Hai tháng 1 lần bón phân định kì cho cá với số lượng thích hợp.
Do tập tính cá sống thành bầy đàn, tạp ăn, rất dễ đánh bắt nên cần quản lý chăm sóc cá cẩn thận, tránh thất thoát. Hàng ngày nên kiểm tra bờ cống chống rò rỉ, tràn ao, cá thoát hết ra ngoài. Đồng thời, cần theo dõi môi trường ao nuôi thường xuyên, đảm bảo các yếu tố nhiệt độ, độ PH, độ mặn, độ trong, hàm lượng oxy… ổn định để phòng bệnh cho cá, giúp cá tăng trưởng nhanh và khỏe mạnh.
Sau một quá trình triển khai, dự án đã thu được những kết quả bước đầu. Vụ cá năm 2008, công ty thả nuôi 4 vạn cá giống, thu hoạch 16,2 tấn cá. Với giá trị 17 triệu đồng một tấn cá, công ty thu về 275.400.000 đồng, trừ chi phí lãi 13 triệu đồng. Cá sau khi thu hoạch chủ yếu nhập khối lượng lớn cho Công ty đông lạnh Hải An và bán rải rác tại các chợ, chủ yếu tại các địa phương miền núi như Nghĩa Đàn, Quỳ Châu, Quỳ Hợp, Vinh… đến năm 2009, công ty thả 4 vạn cá giống. Sau 5 tháng thả nuôi, cá đã tăng trưởng mạnh, đạt bình quân 0,5kg/con, dự kiến đến cuối tháng 8 khi thu hoạch, sản lượng cá đạt 18 tấn.
Những kết quả này cho thấy tính khả thi của dự án và khả năng phát triển, nhân rộng mô hình nuôi cá chim trắng trong môi trường mặn lợ tại Diễn Châu. Các yếu tố môi trường, thủy văn, cơ sở vật chất… ở khu nuôi trồng thủy sản thôn Bùng tương tự điều kiện của các hộ dân ven biển Diễn Châu. Cá giống chim trắng các hộ dân có thể mua tại một số trại cá giống trong vùng như Trung tâm giống thủy sản Nghệ An tại Yên Lý, Diễn Châu hay trại cá giống Quỳnh Thạch, Quỳnh Lưu. Trại cá Quỳnh Thạch, Quỳnh Lưu có đàn cá bố mẹ 130 con, mỗi năm có thể xuất bán 15 triệu cá bột và 50-60 vạn cá hương 2-3 cm. Ngoài chính vụ cá giống vào tháng 2, 3 hàng năm, trại có thể xuất cá quanh năm, không những đủ phục vụ bà con trong vùng mà còn xuất bán ra các tỉnh Hải Dương, Hải Phòng, Quảng Ngãi…
Có thể thấy rằng, với các điều kiện môi trường, cơ sở vật chất thuận lợi, qui trình kĩ thuật đơn giản, nguồn cá giống dồi dào, khả năng phát triển mở rộng của mô hình là rất lớn. Các hộ nuôi tôm sú, hộ làm muối, các hộ có diện tích nông nghiệp nhiễm mặn… đều có thể chuyển đổi sang đối tượng cá chim mà không phải lo lắng nhiều đến dịch bệnh hay rủi ro lớn. Đây là hướng đi thích hợp cho ngành thủy sản Diễn Châu đang được UBND huyện ủng hộ tích cực.
Anh Đào