Thách thức với 3G
Với công bố chính thức từ EVN Telecom trong những ngày đầu tháng 6 vừa qua thì thị trường 3G Việt Nam chỉ còn chờ tín hiệu cuối cùng từ Hanoi Telecom. Người dùng cũng đã bắt đầu quen với những tiện ích mới từ chiếc điện thoại hay máy tính của mình. Tuy nhiên, trước tốc độ phát triển nhanh chóng của làn sóng công nghệ mới, thì thị trường 3G tại Việt Nam thực sự đang có nhiều thách thức, trong đó phải kể đến sức ép của các doanh nghiệp Việt trong cuộc đua công nghệ mới.
Sức ép từ nhiều phía...
Ông Alexey Blyumin, TGĐ Beeline VN cho biết: “3G đã bắt đầu phát triển ở VN nhưng phát triển loại hình dịch vụ này không hề dễ dàng chút nào. Sẽ có rất nhiều việc phải làm như làm sao để tạo được một dịch vụ với chất lượng tốt, làm thế nào để nó trở nên hấp dẫn và thu hút khách hàng. Bên cạnh việc phát triển mạng di động 3G, một điều thiết yếu là phải phát triển điện thoại sử dụng dịch vụ này. Rồi cả hệ thống dữ liệu cũng phải được phát triển đề phù hợp với các đặc tính của dịch vụ di động 3G”.
Vinaphone ghi điểm là nhà mạng đầu tiên công bố chính thức việc cung cấp dịch vụ di động thế hệ thứ 3, tiếp sau đó là người anh em Mobifone. Viettel gây ấn tượng là nhà mạng đầu tư lớn nhất cho 3G, với những công bố gây chú ý về việc chuẩn bị cũng như mục tiêu 3G giá rẻ cho mọi người. Mới đây nhất, EVN Telecom chính thức ghi nhận sự tham gia chính thức của mình, với công bố là nhà mạng duy nhất đầu tư mới hoàn toàn và đồng bộ cơ sở hạ tầng mạng 3G.
Theo ông Võ Quang Lâm, Phó Giám đốc EVN Telecom: “Ngay khi nhận giấy phép, EVNTelecom đã triển khai các thủ tục đầu tư dự án với quy mô 2.500 trạm thu phát sóng (NodeB), đảm bảo vùng phủ sóng tại các thành phố lớn trong giai đoạn đầu. Hiện nay, chúng tôi đã hoàn thành giai đoạn thử nghiệm của mạng EVNTelecom 3G, toàn bộ hệ thống hạ tầng kỹ thuật đã sẵn sàng đã chính thức ra mắt vào đầu tháng 6/2010 theo đúng cam kết với Bộ Thông tin và Truyền thông”.
Ông Hoàng Sơn - Giám đốc Công ty Viễn thông Viettel thì cho rằng: “Chúng tôi đúc rút được rất nhiều kinh nghiệm trong quá trình triển khai hệ thống và đến thời điểm này chúng tôi đã hoàn toàn tự tin về mình”.
Dù là nhà mạng mới, dù đang ở vị trí nào trên thị trường viễn thông thì có vẻ như ở thời điểm hiện tại các doanh nghiệp đều quyết tâm dồn sức cho 3G với mong muốn chiếm được thị phần lớn nhất. Những khoản đầu tư khổng lồ cho 3G đồng nghĩa với sức ép của vấn đề kinh doanh hiệu quả để nhanh chóng hoàn vốn.
Theo ông Hoàng Sơn, Giám đốc Công ty Viễn thông Viettel: “Đầu tư 3G rất lớn, do vậy ngắn cũng phải mất vài năm để có khách hàng và có tiền để trang trải các khoản vay”.
3G với các nhà mạng chưa phải là điểm đến cuối cùng, và nhu cầu của người dùng Việt Nam cũng không chỉ dừng ở những tiện ích về công nghệ và dịch vụ do 3G mang lại. Ngay trong thời gian các doanh nghiệp chuẩn bị cơ sở cho 3G, những tiêu chuẩn kỹ thuật chung của thế giới đang đặt thị trường thông tin viễn thông Việt Nam trước những thách thức mới khi công nghệ đang thay đổi từng ngày.
Chạy đua công nghệ: Nên hay không?
Đi sau trên thị trường viễn thông thế giới cả về lịch sử phát triển và công nghệ, các doanh nghiệp viễn thông Việt Nam phải đối diện với nhiều sức ép khi khi thị trường 3G Việt Nam chưa thực sự hoàn thiện thì các nhà mạng đã phải sẵn sàng chuẩn bị cho công nghệ thông tin viễn thông thế hệ tiếp theo, 4G thậm chí 5G. Trong lúc bài toán thu hồi vốn cho những khoản đầu tư khổng lồ đang làm đau đầu các doanh nghiệp thì liệu các doanh nghiệp có cần và có nên tiếp tục với cuộc chạy đua công nghệ?
Ông Võ Quang Lâm, Phó Giám đốc EVN Telecom phát biểu: “Vì 3G chỉ mới bắt đầu khai thác ở Việt Nam nên chắc khoảng trên 10 năm nữa thì 4G mới có thể thực sự được chú ý. Thực tế cho thấy, tại Hoa Kỳ triển khai 3G năm 2003 và đến năm 2010 mới bắt đầu xuất hiện 4G ở nước này. Do đó, giai đoạn trước mắt, các nhà mạng tại VN vẫn sẽ tập trung phát triển và kinh doanh dịch vụ thông tin di động trên nền 3G”.
Trên thực tế, thị trường viễn thông Việt Nam có tuổi đời non trẻ so với thị trường viễn thông toàn cầu nói chung nên sự chậm trễ tạm thời trong việc triển khai công nghệ mới là điều dễ hiểu. Tuy nhiên, khi 3G được lựa chọn và bật đèn xanh thì cũng có những băn khoăn về việc liệu Việt Nam có trở thành bãi thải công nghệ của thế giới? Và liệu triển khai 3G lúc này có quá chậm trễ và là lựa chọn kéo lùi và làm chậm sự phát triển...
Ông Đoàn Quang Hoan, Cục Trưởng Cục Tần Số Vô tuyến điện cho rằng: “VN triển khai 3G là đúng thời điểm, khi giá thành đầu tư công nghệ không quá đắt, phù hợp với tình hình thực tế và cũng là lúc người dùng quan tâm nhiều đến 3G”.
Còn theo đại diện từ Nokia Siemens Networks: “Các bạn không hề chậm trễ khi quyết định triển khai 3G tại thị trường Việt Nam. Công nghệ đang biến đổi hãng ngày nhưng điều đó không đồng nghĩa với 3G đã hết thời. Hơn nữa, ở thời điểm hiện tại, 3G thực sự là sự lựa chọn vừa sức với các doanh nghiệp VN và phù hợp với nhu cầu của người dùng VN”.
Ông Võ Quang Lâm, Phó Giám đốc EVN Telecom cũng cho rằng: “Thực ra, công nghệ 4G mới chỉ được giới thiệu ở một số triển lãm CNTT, viễn thông nước ngoài mang đến Việt Nam. Các nhà cung cấp nước ngoài chủ yếu muốn cung cấp những thông tin đầu tiên về tiến trình phát triển trong tương lai của công nghệ mạng di động”.
3G đã được lựa chọn để phát triển, và ở giai đoạn đầu triển khai, chất lượng dịch vụ vẫn là bài toán không dễ với các nhà cung cấp. Người tiêu dùng đã bắt đầu làm quen, nhưng chưa thực sự mạnh dạn chi tiền cho công nghệ mới này.
Cũng vì vậy, tiếp tục tham gia vào cuộc đua công nghệ mới chưa nhìn thấy giới hạn, hay khai thác tốt công nghệ đã đầu tư, tạo cơ hội và nền tảng cho các bước tiếp theo xem ra câu trả lời đã quá rõ ràng. Bởi nếu phát triển thế hệ công nghệ sau quá sớm, các nhà khai thác sẽ không có đủ thời gian để đầu tư và phát triển thế hệ trước, như vậy sẽ không có kết quả khả quan cho cả thế hệ trước lẫn thế hệ sau.
Rõ ràng ở thời điểm hiện tại, khi thị trường 3G ở Việt Nam mới ở giai đoạn đầu tiên thì lựa chọn đầu tư một công nghệ mới hơn rất nhiều và tốn kém hơn rất nhiều hoàn toàn chưa cần thiết. Nhưng Việt Nam cũng không thể dừng lại, không thể đứng ngoài guồng quay phát triển của thị trường viễn thông toàn cầu nên ngay lúc này, các nhà mạng của Việt Nam đã phải sẵn sàng chuẩn bị cho công nghệ thông tin viễn thông thế hệ tiếp theo.
Chuẩn bị thế nào?
Ông Alexey, TGĐ Beeline VN: “Để chuẩn bị cho thế hệ tiếp theo tốt thì trước hết phải có nền tảng. Cá nhân tôi cho rằng các nhà mạng hãy sử dụng tốt và hiệu quả tờ giấy thông hành đối với 3G. Còn những doanh nghiệp như chúng tôi cũng sẽ có những bước chuẩn bị của riêng mình để sẵn sàng tham gia vào cuộc đua cung cấp công nghệ tiếp theo trong thời gian tới. Nhưng làm gì thì cũng cần có nền tảng, đó là nhu cầu, tiềm lực vốn, và quyết tâm...”.
Bộ TTTT đã bắt đầu lấy ý kiến doanh nghiệp để xây dựng quy hoạch băng tần 4G. Sự chuyển đổi nhanh chóng đang đặt ra vấn đề về sử dụng hiệu quả về tài nguyên tần số và biện pháp để tránh lãng phí trong đầu tư hạ tầng. Ở phía các doanh nghiệp, sự chuẩn bị tốt nhất ở thời điểm này là làm sao kinh doanh hiệu quả với công nghệ mới được đầu tư, làm hài lòng khách hàng cả về chất lượng dịch vụ và nội dung cung cấp để tạo tiền đề cho những công nghệ tiếp theo sẽ được lựa chọn.
Còn ở phía người dùng, thì việc làm quen và thụ hưởng những công nghệ mới với chất lượng tốt nhất không chỉ là mong muốn, và còn là nhu cầu. Và cũng chính nhu cầu của người dùng là động lực để những thế hệ công nghệ tiếp theo có cơ hội được đầu tư và phát triển.
Vừa mới được triển khai tại VN nhưng công nghệ 3G đã phải đối diện với rất nhiều thách thức, trong đó có thách thức thay thế bởi những công nghệ thế hệ mới hơn. Chạy đua công nghệ sẽ là lợi thế của các doanh nghiệp để chiếm thị phần lớn của miếng bánh viễn thông, nhưng sẽ là con dao 2 lưỡi nếu không có những tính toán kỹ và quyết định đúng thời điểm. Và ở thời điểm hiện tại, thì bài toán kinh doanh tốt với công nghệ 3G cần được các doanh nghiệp Việt đặt lên hàng đầu, trước khi tiếp tục đầu tư cho thế hệ công nghệ tiếp theo.
(Theo vtv.vn)