Thâm canh lúa nước ở vùng cao Nậm Giải
Nậm Giải là xã vùng sâu, vùng xa thuộc huyện Quế Phong, cách thị trấn Kim Sơn 25 km về phía đông, có 9,5 km đường biên với nước bạn Lào. Dòng sông Nậm Giải bắt nguồn từ biên giới Việt-Lào chảy qua địa bàn xã, vừa cung cấp nguồn nước, vừa tạo nên những dải đồng bằng hẹp màu mỡ, rất thuận lợi cho cây lúa nước phát triển. Toàn xã có 85,5 ha lúa nước do 1.848 nhân khẩu người Thái khai khẩn. Tính bình quân, mỗi nhân khẩu có gần 500 m2 ruộng lúa nước, xấp xỉ vùng đất lúa chuyên canh. Tuy bà con sớm biết trồng cây lúa nước, nhưng năng suất lúa ở đây còn rất thấp, nơi cao nhất đạt 2-2,3 tấn/ha/vụ, sản lượng chỉ mới đáp ứng đủ 60% nhu cầu lương thực của người dân.
Nguyên nhân chính là do ảnh hưởng của phong tục tập quán địa phương nên chậm tiếp thu, ứng dụng các tiến bộ khoa học kỹ thuật mới. Bà con chỉ quen trồng các giống lúa bản địa năng suất thấp, lại chỉ trồng một vụ trong năm. Kỹ thuật canh tác thiếu khoa học: gieo trực tiếp giống không qua ngâm ủ thúc mầm, gieo dày, thiếu chăm bón kịp thời; cấy dày, cấy nhiều dảnh; không bón phân cho lúa, hoặc bón chưa đúng cách, đúng loại và không biết cách phòng trừ sâu bệnh.
Các nghiên cứu khoa học từ nhiều năm qua cho thấy rằng, giống là khâu then chốt quyết định đến năng suất của cây trồng. Tại các vùng sản xuất lúa trọng điểm của Nghệ An, người dân thường sử dụng các giống lúa năng suất cao như Nhị ưu 838, Khải Phong 1, IR 352... Đồng thời, bà con biết ứng dụng thuần thục các kỹ thuật canh tác tiên tiến như: cấy lúa ngửa tay, ngâm ủ mầm mạ trước khi gieo, cấy ít dảnh, tưới nước bón phân theo từng loại đất và theo nhu cầu dinh dưỡng của những giai đoạn sinh trưởng phát triển của cây, phòng trừ sâu bệnh tổng hợp IPM. Tại các xã vùng cao khác như Châu Bính, Châu Tiến huyện Quỳ Châu, khi thay đổi giống lúa và áp dụng các kỹ thuật canh tác này, năng suất lúa đã tăng lên 5,8-6 tấn/ha/vụ, tức 11-12 tấn/ha/năm. Dựa trên những kết quả thực tế đó, UBND xã Nậm Giải, UBND huyện Quế Phong đã phối hợp với Sở Khoa học Công nghệ Nghệ An xây dựng mô hình thâm canh lúa nước tại Nậm Giải, với nội dung chính là thay đổi giống lúa cùng các phương thức canh tác truyền thống. Đây chính là chìa khóa giải bài toán năng suất lúa ở Nậm Giải.
(Ảnh chỉ mang tính chất minh hoạ) |
Cánh đồng 5 ha tại bản Cáng được lựa chọn làm địa điểm triển khai mô hình. Cánh đồng này có nhiều điểm thuận lợi cho việc ứng dụng các tiến bộ kỹ thuật mới về giống, phân bón, tưới nước và phòng trừ sâu bệnh tổng hợp như: nằm cạnh đường giao thông chính, có đập và mương dẫn nước quanh năm, người dân trồng hai vụ lúa/năm. Giống lúa được lựa chọn là các giống lúa thuần Khang Dân 18 và lúa nếp IR352 trồng vụ Mùa; giống lúa lai Nhị ưu 838 và Khải Phong 1 trồng vụ Xuân.
Về kỹ thuật, cán bộ dự án hướng dẫn cho bà con trên đồng ruộng các kỹ thuật trồng và chăm sóc cây lúa theo 4 thời kì chính: thời kì làm đất gieo mạ, thời kì cấy lúa, thời kì bón thúc đẻ nhánh và thời kì bón thúc đòng cho lúa. Trực tiếp theo dõi quy trình kỹ thuật canh tác lúa nước và những giai đoạn phát triển của cây lúa để giảng giải, hướng dẫn tỉ mỉ cho bà con.
Bản Cáng có 18 hộ gia đình tham gia mô hình thâm canh lúa nước. Qua 3 vụ sản xuất theo dự án, vụ Mùa 2007, vụ Xuân và vụ Mùa 2008 cho năng suất bình quân: Nhị ưu 838 đạt 8 tấn/ha/vụ; Khải phong 1: 7 tấn/ha/vụ; Khang dân 18: 5,4 tấn/ha/vụ; nếp IR 352: 4,2 tấn/ha/vụ. Tính riêng năm 2008, sản lượng lúa của 18 hộ trên 5 ha mô hình đạt xấp xỉ 62 tấn, mức thu bình quân 3,4 tấn/hộ/năm.
Tính theo giá trị, canh tác theo phương thức truyền thống, bà con chỉ lãi 450.000 đồng/ha/vụ. Áp dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật mới, với giống lúa lai, người dân lãi gần 7 triệu đồng/ha/vụ; với giống lúa thuần, người dân lãi trên 2,3 triệu đồng/ha/vụ. Người dân bản Cáng đã tự túc đầy đủ được cái ăn, không còn nhà nào thiếu đói.
Điểm quan trọng nhất của dự án chính là xây dựng quy trình kỹ thuật tiên tiến mà đơn giản, dễ hiểu, dễ áp dụng trong điều kiện dân trí thấp của Nậm Giải. Tổ chức các lớp tập huấn quy trình kỹ thuật mới theo phương pháp "cầm tay chỉ việc" giúp bà con nâng cao kiến thức trong thâm canh lúa nước vùng cao, thúc đẩy khai thác được tiềm năng đất đai, nguồn nước, lao động của địa phương.
Hiệu quả của dự án không chỉ dừng lại ở giá trị kinh tế, xóa đói giảm nghèo, đảm bảo an ninh lương thực, tăng thu nhập. Nậm Giải là một xã rừng vùng biên giới Việt- Lào. Việc sản xuất lúa nước sẽ tạo công ăn việc làm, giảm dư dôi lao động, giảm nạn phá rừng và vận chuyển buôn bán ma túy theo đường tiểu ngạch xuyên rừng.
Mô hình thâm canh lúa nước hiện đã được nhân rộng trên địa bàn nhiều thôn bản của xã Nậm Giải, và đang nhận được sự đồng tình ủng hộ của bà con. Thành công của mô hình đang mở ra những hướng đi mới cho kinh tế nông nghiệp Nậm Giải nói riêng cũng như huyện Quế Phong nói chung.
Anh Đào