Cuộc chơi năng lượng của sinh viên châu Á
|
Chiếc xe của đội Philippines - Ảnh: Lưu Trang |
Đó là cuộc chơi của khoảng 1.000 sinh viên đến từ các trường đại học kỹ thuật và công nghệ của các nước châu Á. Họ đã có mặt tại Kuala Lumpur (Malaysia) từ ngày 8 đến 10-7 để tham dự cuộc đua dành cho xe tự chế tiết kiệm nhiên liệu (Shell Ecomarathon Asia - SEM).
Với một lít xăng, bạn đi được bao xa?
Đội Việt Nam sẽ tham gia trong năm tới Có mặt trong danh sách đăng ký nhưng đến phút cuối, đội tuyển BK-car của Đại học Bách khoa Hà Nội không thể tham gia cuộc đua do gặp trở ngại trong các khâu thủ tục và vận chuyển xe ra nước ngoài. Tuy nhiên, Shell Việt Nam cho biết sẽ tiếp tục hỗ trợ các đội thi để năm tới Việt Nam có thể có khoảng năm chiếc xe tham gia. Các đội sinh viên từ các trường đại học muốn tham gia cuộc thi này vào năm 2011, có thể liên hệ với Công ty Shell Việt Nam ngay từ bây giờ để được hỗ trợ và hướng dẫn. |
Để đáp ứng yêu cầu tiết kiệm nhiên liệu của cuộc thi, 81 đội thi từ 10 nước châu Á chuẩn bị gần một năm trời. Những yêu cầu gắt gao về thông số kỹ thuật, lượng nhiên liệu, việc vận chuyển đều là thách thức đối với sinh viên. Chi phí dao động từ vài ngàn đến vài chục ngàn USD cho một chiếc xe.
Đại diện Tập đoàn Shell, đơn vị tổ chức, cho biết: “Đây là cơ hội để các bạn sinh viên được tự mình thực hiện tất cả công đoạn sản xuất một sản phẩm công nghệ với nhiều yêu cầu gắt gao”.
Đường đua Sepang có thể so sánh với một đại lộ giao thông đông đúc và đầy màu sắc nhờ những chiếc xe đủ kiểu dáng với những đặc thù riêng của đội chơi. Hầu hết xe chạy bằng xăng, năng lượng mặt trời hoặc hydrogen. Chiếc xe được thiết kế nhỏ gọn nhất để tiết kiệm chi phí nhưng vẫn phải đủ chỗ cho tài xế. Do vậy, hầu hết tài xế đều điều khiển xe trong tư thế... nằm.
Dẫn đầu về số đội tham gia là Pakistan, với 20 đội thi đến từ sáu trường đại học chuyên ngành kỹ thuật, công nghệ. Cô Afshan Khan, phụ trách các đội thi Pakistan, cho biết: “Trước tiên là việc hướng dẫn để các bạn sinh viên có thể tự lên kế hoạch làm việc đáp ứng cả yêu cầu về kỹ thuật và kinh phí. Tuy nhiên, lợi thế của chúng tôi là đã tham dự giải đua này ở khu vực châu Âu nên không quá bỡ ngỡ. Hơn nữa, sinh viên chúng tôi rất khấn khích trước cuộc thi này”. Một sinh viên Pakistan khoe đội của họ đã tìm được ba nhà tài trợ là các công ty trong nước, nên tiến độ sản xuất được tiến hành nhanh hơn.
Cơ hội cho người trẻ
Hào hứng là tâm trạng chung của những gương mặt trẻ lần đầu tham dự và thỏa sức sáng tạo tại một cuộc thi quy mô khu vực. Ming, thí sinh đến từ Trường kỹ thuật Singapore, cho biết: “Đội chúng tôi đang thực hiện chiếc xe chạy bằng năng lượng mặt trời với tốc độ nhanh nhất có thể. Chúng tôi rất háo hức và phấn khích khi được tham dự cuộc thi này”.
Shikata, trưởng đội thi duy nhất đến từ Nhật Bản, nói: “Chúng tôi sử dụng dầu diesel sinh học, thiết kế riêng và quan trọng nhất là quyết tâm của cả đội, đó chính là ưu thế để chúng tôi cạnh tranh với các đội bạn”.
Không khí ở trường đua quốc tế Sepang khiến những người quan tâm đến lĩnh vực năng lượng có quyền hi vọng ở một đội ngũ những nhà sáng tạo trẻ, với những giải pháp về sử dụng nhiên liệu sao cho tiết kiệm và thân thiện với môi trường. Ông Tan Chong Meng, tổng giám đốc Shell châu Á, ghi nhận: “Các bạn trẻ sẽ là những người quyết định giải pháp cho việc di chuyển nhanh hơn, xa hơn và kinh tế hơn. Chúng tôi hi vọng sẽ tìm được những người trẻ tài năng từ cuộc thi này”.
Sau 25 năm tổ chức ở châu Âu, đây là lần đầu tiên SEM đến châu Á nhằm tìm kiếm những tài năng trẻ trong lĩnh vực tiết kiệm nhiên liệu. Đây cũng là dịp để các bạn trẻ trong khu vực gặp gỡ, chia sẻ kinh nghiệm và hỗ trợ nhau trong việc nghiên cứu, chế tạo những sản phẩm công nghệ tiết kiệm nhiên liệu. Kỷ lục hiện nay của SEM là đi quãng đường 4.896km chỉ với một lít xăng do đội sinh viên Pháp xác lập tại SEM tổ chức ở châu Âu tháng 5-2010.
(Theo Tuổi trẻ)