Mới nhất Tin nóng Media Magazine Infographic Tin ảnh

Khoa học lên vùng cao

09:13, 09/07/2010
Xưa nay, ở các bản làng miền núi biên giới, chuyện đồng bào các dân tộc ít người trồng cây lúa nước không phải là nhiều. Nhưng ở bản Xốp Lau xã Mường Ải, huyện Kỳ Sơn, đã có những gia đình tham gia trồng lúa nước 2 vụ. Đã năm vụ mùa nay, lúa xuân của nhà Phà Nọi đều cho thu hoạch với năng suất 5 tấn/ha. Có thể xem đây là một kỳ tích. Kỳ tích ấy được gây dựng từ đề án ứng

 

Trong những địa bàn biên giới của tỉnh Nghệ An, Mường Ải là xã thuộc diện khó khăn nhất. Bên cạnh những vất vả do điều kiện đi lại, quanh năm, người dân nơi đây còn phải đối mặt với hệ thời tiết hết sức khắc nghiệt. Mùa đông lạnh cắt da, cắt thịt, mùa hè nắng như đổ lửa. Đặc điểm tự nhiên này ảnh hưởng đến sản xuất nông nghiệp của nhân dân trên địa bàn. Theo thống kê của chính quyền sở tại, 90% hộ dân ở Mường ải và Mường Típ đang thuộc diện thiếu đói.

 

Xuất phát từ đặc điểm tình hình thực tế nói trên, năm 2007, nhận được sự chỉ đạo của Đảng uỷ các cơ quan dân chính Đảng về việc hỗ trợ, giúp đỡ các xã miền núi đặc biệt khó khăn, Đảng bộ Sở khoa học công nghệ Nghệ An đã tiến hành khảo sát toàn diện và quyết định hình thành đề án “ứng dụng KHCN, xây dựng mô hình phát triển KT-XH xã Mường Ải, Kỳ Sơn”.  Có thể nói, đây là một trong những đề án khoa khọc mang tính xã hội cao và sớm nhận được sự đồng tình ủng hộ của chính quyền và nhân dân sở tại.

 

Hành trình đưa KHCN về xã biên giới Mường Ải

 

Khó có thể nói hết những khó khăn ban đầu khi đề án được triển khai tại địa bàn xã Mường Ải bởi điều kiện thời tiết và thổ nhưỡng nơi đây không thuận lợi cho việc phát triển cây lúa nước. Tuy nhiên, bằng sự tận tâm, tận lực trong công việc, bằng trách nhiệm của những người làm khoa học đối với đồng bào nghèo khu vực biên giới, những cây lúa nước vụ xuân đầu tiên đã mọc lên tại địa bàn xã Mường Ải, huyện Kỳ Sơn. Đây không chỉ là sự thành công của một mô hình thử nghiệm. Những người cán bộ khoa học đã đem về cho nhân dân Mường Ải một nhận thức mới trong việc phát triển nông nghiệp trên địa bàn. Đồng bào các dân tộc ít người nơi đây đã có thể hiểu được rằng: việc trồng cây, nuôi con không chỉ phụ thuộc vào ông trời, vào tự nhiên mà nhân tố con người cũng hết sức quan trọng. Nếu biết phát triển nông nghiệp bằng kiến thức khoa học, hiệu quả kinh tế sẽ cao hơn rất nhiều, người dân sẽ nhanh chóng xoá được đói, giảm được nghèo.

 

Song song với việc đưa cây lúa vụ xuân về với nhân dân xã Mường ải, mục tiêu thứ 2 của đề án là hỗ trợ chính quyền và nhân dân phát triển hệ thống thuỷ điện mi ni đã được tiến hành. Là địa bàn miền núi biên giới, xã Mường ải chưa có điện lưới quốc gia, tuy nhiên đặc điểm địa hình, sông suối nơi đây thuận lợi cho việc hình thành hệ thống thuỷ điện mi ni. Chính vì vậy, đề án ứng dụng KHCN, xây dựng mô hình phát triển KT-XH của Sở KHCN đã quan tâm tới việc đem ánh sáng về vùng cao cho nhân dân trên địa bàn. Sau khi hệ thống thuỷ điện mi ni được hình thành, đồng bào các dân tộc ít người nơi đây đã được tiếp cận và sử dụng ánh sáng điện. Mặc dù công suất của máy thuỷ điện mi ni không lớn nhưng hiệu quả của nó là đã góp phần đẩy lùi được sự tối tăm đã tồn tại dai dẳng ở địa bàn biên giới này. Được tiếp cận với ánh sáng điện, đồng bào các dân tộc ít người có cơ hội tiếp cận với thông tin để từ đó họ có tư duy mới, cách nghĩ, cách làm mới trong lao động sản xuất. Đây chính là mục tiêu mà đề án đã đề ra. Hệ thống thuỷ điện mi ni được phân phối cho 3 đơn vị là UBND xã, trạm y tế và nhà trường. Đây là 3 cơ quan làm việc rất cần ánh sáng và năng lượng điện. Khó ai có thể tin được, những thầy cô giáo ở trường tiểu học, trung học cơ sở Mường ải đã không còn phải chong đèn soạn giáo án mà thay vào đó là những giờ soạn bài bên thiết bị công nghệ thông tin hiện đại - máy vi tính. Người ta vẫn nói, điện chính là phương tiện để đem văn minh đến với mọi miền, điều này quả không sai. Hơn ai hết, những người cán bộ làm khoa học hiểu rõ điều này và bởi vậy, đề án càng mang tính xã hội cao. Giờ đây, 2 đơn vị chức năng của hệ thống chính quyền là giáo dục và y tế đã được “tiếp thêm năng lượng” để thực hiện nhiệm vụ chuyên môn của mình. Đó là một trong những vấn đề rất cần thiết đối với địa bàn Mường Ải. Mới thấy, tuy mới chỉ là dự án khoa học nhỏ thôi nhưng nếu đặt nó đúng chỗ thì hiệu quả mà nó mang lại sẽ không còn là nhỏ.

 

Cán bộ kỹ thuật thăm lúa

 

Có điện, những người cán bộ của UBND xã Mường ải được tiếp xúc với công nghệ thông tin trong việc xử lý công việc hàng ngày. Đây cũng là một trong 3 nội dung của đề án ứng dụng KHCN, xây dựng mô hình phát triển KT-XH. Có thể nói, trong thế kỷ của công nghệ thông tin, việc “đem máy tính lên vùng cao” để cán bộ dần tiếp cận là việc làm không thể thiếu. Nó góp phần thúc đẩy sự phát triển về mọi mặt ở những địa bàn đặc biệt khó khăn như Mường Ải.

 

Các em được đến trường với các bài học từ máy tính

 

Trong quá trình triển khai đề án, mặc dù có những khó khăn nhất định nhưng những người làm công tác khoa học đã bám sát, lăn lộn cùng nhân dân để tháo gỡ và làm nên thành công bước đầu cho việc hoạch định một chiến lược dài hơi đối với việc hỗ trợ, giúp đỡ đồng bào miền núi đặc biệt khó khăn. Chuyện về cây lúa nước, các công trình thuỷ điện nhỏ hay việc phát triển công nghệ thông tin ở địa bàn Mường ải thực sự đã góp phần thúc đẩy sự phát triển kinh tế, xã hội nơi miền biên giới xa xôi của tỉnh.

 

Phát triển kinh tế, xã hội trên địa bàn xã Mường ải là hết sức khó khăn. Tuy nhiên, với quyết tâm giúp đỡ nhân dân tiếp cận với cái mới, những người cán bộ làm khoa học đã lần tìm để có những phương án, chiến lược phù hợp với điều kiện nơi đây. Thận trọng, tận tâm với tinh thần và trách nhiệm cao, cán bộ khoa học đã góp phần làm cho đồng bào Mông, đồng bào Thái, đồng bào Khơ Mú ở trên địa bàn thấy được, việc làm của họ là đúng. Người dân đã làm theo chỉ dẫn của cán bộ, dần từ bỏ tập quán du canh, du cư để lao động, sản xuất. Nhìn lại quá trình thực thi, chúng ta sẽ thấy đây là một trong những đề án mang tính xã hội cao, có sự ảnh hưởng mang tính dây chuyền đến nhận thức và hành vi của đồng bào khu vực biên giới đặc biệt khó khăn Mường Ải.

 

Thăm Mường ải hôm nay, người ta đã nhận thấy một sự thay da đổi thịt nơi mảnh đất địa đầu của tỉnh Nghệ An. Ở nơi ấy, đồng bào các dân tộc ít người đã dần được tiếp cận với ánh sáng của văn minh thông qua những dự án xoá đói giảm nghèo mà Đảng, nhà nước, các cấp chính quyền và ban ngành đoàn thể đang nỗ lực thực thi. Khoa học công nghệ về với vùng cao, ánh sáng của văn minh cũng sẽ theo đó mà về...

 

(Ngọc Dũng)