Mới nhất Tin nóng Media Magazine Infographic Tin ảnh

Làm thế nào để thực hiện cân bằng giới tính ở Việt Nam?

07:01, 07/07/2010
Ngày 1-4-2009, nước ta đã tiến hành cuộc Tổng điều tra dân số (TÐTDS)và nhà ở. Năm 2009, năm đánh dấu sau 10 năm ngành Dân số - Kế hoạch hóa gia đình (DS-KHHGÐ) Việt Nam nhận giải thưởng quốc tế về dân số của Liên hợp quốc năm 1999.
 
 
Tháng 7-2010, kết quả TÐTDS năm 2009 được công bố,  làm cơ sở để các bộ, ngành hoạch định chính sách, xây dựng chiến lược. Ngành DS-KHHGÐ cũng đang xây dựng chiến lược Dân số - sức khỏe sinh sản giai đoạn 2011 - 2020 và Chương trình mục tiêu quốc gia DS-KHHGÐ giai đoạn 2011 - 2015.

Tỷ số giới tính khi sinh được coi là bình thường nếu dưới mức 108 nam/100 nữ. Tỷ số giới tính khi sinh được coi là mất cân bằng nếu trên mức 110. Giai đoạn tới cũng là thời gian dân số Việt Nam có sự chuyển đổi đặc biệt về cơ cấu nhân khẩu học, nhiều vấn đề thách thức về cơ cấu dân số sẽ được đặt ra. Trước hết, chúng ta tập trung xem xét vấn đề mất cân bằng giới tính khi sinh là vấn đề thời sự trong biến động cơ cấu dân số ở Việt Nam hiện nay. Trong thời gian qua, các phương tiện thông tin đại chúng đã đề cập nhiều đến tỷ số giới tính dân số Việt Nam, đặc biệt là tỷ số giới tính khi sinh, và cũng có nhiều ý kiến nhận định, đánh giá khác nhau về vấn đề này. Vậy thực chất tình hình này ở Việt Nam như thế nào?

Theo tháp cơ cấu dân số, vấn đề đầu tiên mà ngành DS-KHHGÐ cần quan tâm là cơ cấu phụ nữ trong độ tuổi sinh đẻ, đặc biệt là cơ cấu phụ nữ ở các nhóm tuổi hôn nhân và sinh đẻ (20 - 29 tuổi). Hiện nay, tuổi kết hôn trung bình lần đầu là 24,5 tuổi. Từ những năm trước, chúng ta đã phải đối mặt với các thách thức về nhóm phụ nữ trong độ tuổi sinh đẻ cao do hiệu ứng của dân số tăng cao. Mặc dù vậy, nhìn vào tháp dân số, chúng ta thấy số phụ nữ trong độ tuổi kết hôn và sinh đẻ sẽ đạt cực đại vào những năm 2015 - 2025. Do vậy, nguy cơ tăng mức sinh trở lại vẫn còn rất lớn. Công tác DS-KHHGÐ cũng khó khăn hơn do phần lớn những phụ nữ trẻ hoàn toàn có quyền kết hôn và quyền sinh đẻ. Số phụ nữ sinh đẻ nhiều tương đương với số trẻ em sinh ra và với tâm lý thích sinh con trai của người Á Ðông. Nếu không có những chính sách, giải pháp hiệu quả kịp thời thì đương nhiên sự mất cân bằng giới tính khi sinh sẽ tăng lên. 

Tỷ số giới tính của dân số Việt Nam đã đạt 96,7 nam trên 100 nữ vào thời gian Tổng điều tra dân số năm 1999. Tỷ số giới tính khi sinh của Việt Nam trong một số năm gần đây ổn định ở mức cao, khoảng 111-112.

Tỷ số giới tính khi sinh không những tăng nhanh mà còn có sự khác biệt nhiều giữa các vùng. Tỷ số giới tính khi sinh ở Việt Nam không có sự khác biệt đối với hai vùng thành thị và nông thôn nhưng có sự khác biệt giữa các vùng địa lý kinh tế. Theo số liệu ước tính từ điều tra mẫu trong TÐTDS năm 2009, trong sáu vùng có đến bốn vùng tỷ số giới tính cao trên mức bình thường (Ðông Nam Bộ 110,0; Ðồng bằng sông Cửu Long 110,1; Ðồng bằng sông Hồng 115,4; Bắc Trung Bộ và Duyên hải miền trung 109,8). Hai vùng được coi là vẫn ở mức an toàn (Tây Nguyên 105,6; Trung du và miền núi phía bắc 108,4).

Tỷ số giới tính ổn định ở nhiều quốc gia. Việc xảy ra mất cân bằng thường chỉ do các đặc tính văn hóa - xã hội chi phối. Hai nước được coi là điển hình về mất cân bằng tỷ số giới tính khi sinh là Trung Quốc (120,5 năm 2004) và Ấn Ðộ (109,0 năm 2006). Theo đánh giá của các nhà nhân khẩu học, Trung Quốc mất cân bằng giới tính khi sinh chủ yếu là do chính sách sinh một con và tâm lý thích con trai của người châu Á. Ấn Ðộ mất cân bằng giới tính khi sinh là do tập tục truyền thống về phân biệt con trai, con gái và mất bình đẳng giới. Thí dụ như hủ tục của hồi môn, khi người con gái đi lấy chồng, bắt buộc phải có một khoản tiền khá lớn của hồi môn để mang về nhà chồng, nếu không sẽ không lấy được chồng. Ðây là áp lực lớn cho những gia đình sinh con gái, đặc biệt là sinh nhiều con gái. Ngoài ra cũng còn một số nước khác, nhưng chủ yếu do phong tục tập quán như: Ác-mê-ni-a (115,8 năm 2005); A-déc-bai-gian (116,0 năm 2005)... Ðiều này cho thấy, việc mất cân bằng giới tính khi sinh thường xảy ra ở các quốc gia có phong tục tập quán thích con trai và như vậy việc khắc phục hoàn toàn là do các chính sách can thiệp chủ quan của Chính phủ.

Trước thực trạng mất cân bằng tỷ số giới tính, chúng ta cần sớm thực hiện tốt các chủ trương, chính sách về quyền đình đẳng giới. Xây dựng các chính sách khuyến khích đối với các cặp vợ chồng thực hiện tốt KHHGÐ và sinh con gái. Cần xây dựng những chính sách, thí dụ như ở các nước: Hàn Quốc, Trung Quốc đã ban hành những chính sách rất cụ thể: ưu tiên cấp đất, mua nhà, ưu tiên cộng điểm khi thi vào đại học,...cho những gia đình thực hiện chính sách KHHGÐ và sinh con gái.            

Ðẩy mạnh công tác Truyền thông - Giáo dục về bình đẳng giới, đặc biệt đối với các tập tục truyền thống lạc hậu như trọng nam khinh nữ,...

Triển khai các nghiên cứu, đánh giá, phúc tra tình hình chỉ số giới tính để có những đánh giá chính xác, giúp cho việc hoạch định chính sách, chiến lược, kế hoạch trung hạn và dài hạn nhằm bảo đảm cân bằng giới tính của cơ cấu dân số.

Nghiêm cấm việc lựa chọn giới tính thai nhi bằng các biện pháp kỹ thuật và các hành vi liên quan.

Thực hiện đồng bộ các giải pháp trên, công tác DS-KHHGÐ, trong đó có việc cân bằng giới tính mới thực sự hiệu quả ổn định, góp phần nâng cao chất lượng dân số, chất lượng cuộc sống.  Do đó, cần tập trung nguồn lực và tích cực triển khai các giải pháp đồng bộ, với sự chung tay của toàn xã hội ngay từ bây giờ thì mới  từng bước khống chế, giảm bớt tốc độ mất cân bằng giới tính khi sinh trong vài thập kỷ tới.

TS NGUYỄN QUỐC ANH
Tổng cục Dân số - Kế hoạch hóa gia đình