Mới nhất Tin nóng Media Magazine Infographic Tin ảnh

Thực hiện thành công ca phẫu thuật ghép tim từ người cho chết não

08:59, 22/07/2010
Ðáng chú ý hơn, ca ghép tim thành công này là một đề tài nằm trong chương trình khoa học và công nghệ (KH và CN) trọng điểm cấp Nhà nước. Ðây là sự kiện khoa học và công nghệ nổi bật trong năm 2010.


 

 
 
Mang cơ hội sống cho người bệnh

 

Anh Bùi Văn Nam, 48 tuổi ở Trực Thái, Trực Ninh, Nam Ðịnh được chẩn đoán bị bệnh cơ tim thể giãn, suy tim độ bốn. Tập thể các nhà khoa học, giáo sư, bác sĩ Bệnh viện Quân y 103 - HVQY đã tiến hành ca phẫu thuật ghép tim cho anh từ người cho chết não vào ngày 17-6. Hơn một tháng kể từ ngày các bác sĩ thực hiện ca ghép tim lịch sử, trái tim vẫn đập bình thường trong cơ thể mới và anh Nam đang bắt đầu lấy lại những sinh hoạt của một người bình thường.  Thành công của ca phẫu thuật đánh dấu một bước ngoặt lớn trong việc hoàn thiện và làm chủ kỹ thuật ghép tim và ghép tạng ở Việt Nam.

 

Thành công đó xuất phát từ một đề tài nằm trong chương trình KH và CN trọng điểm cấp Nhà nước. Trong khuôn khổ Chương trình nghiên cứu, ứng dụng và phát triển công nghệ phục vụ, bảo vệ, chăm sóc, nâng cao sức khỏe cộng đồng (KC.10/06-10), Ban chủ nhiệm Chương trình KC.10/06-10 đã đề xuất hai đề tài cấp Nhà nước, một là ghép thận, ghép gan từ người chết não; hai là nghiên cứu ghép tim từ người cho chết não.

 

Tháng 4-2009, HVQY vinh dự được giao nhiệm vụ chủ trì thực hiện đề tài "Nghiên cứu triển khai ghép tim trên người lấy từ người cho chết não". GS, TS Phạm Gia Khánh, Chủ nhiệm Chương trình KC.10/06-10 đánh giá: Ðề tài ghép tim trên cơ thể người từ người cho chết não là một "bệ phóng", một "tiền đề" vững chắc cho việc ghép tim, cụ thể hóa ước mơ của nhiều nhà khoa học mà GS  Tôn Thất Tùng - cha đẻ của chuyên ngành tim học Việt Nam là người tiên phong.

 

GS, TS Nguyễn Tiến Bình, Giám đốc Học viện  Quân y cho biết: Rất nhiều nghiên cứu được triển khai, hơn 50 ca ghép thực nghiệm trên lợn đã thành công. Nếu không có sự chuẩn bị và đầu tư của KH và CN, không xây dựng được đội ngũ cán bộ khoa học lành nghề và có kiến thức tốt, chắc chắn sẽ khó có được thành công hôm nay.

 

Theo yêu cầu của đề tài, việc ghép tim phải được thực hiện trên hai người bệnh và thời gian bắt đầu từ cuối năm 2010. Ðây là ca ghép tim đầu tiên cộng với sức ép về thời gian cho nên đặt ra  nhiều thách thức không chỉ cho người bệnh mà chính cả đội ngũ các nhà khoa học và y sĩ, bác sĩ thực hiện. GS, TS Phạm Gia Bình chia sẻ, đối với các nhà khoa học, vấn đề khó khăn nhất lúc đó là lựa chọn phương pháp ghép tim vừa tiên tiến, vừa phù hợp với hoàn cảnh của Việt Nam.

 

Ðể đáp ứng được các yêu cầu nói trên, các bác sĩ Bệnh viện Quân y 103 đã chọn con đường giao lưu, trao đổi kinh nghiệm với các quốc gia có nền y học phát triển, như Trung Quốc, Xin-ga-po, Nhật Bản,... và đưa đội ngũ bác sĩ đi học tập, trao đổi kinh nghiệm tại các quốc gia này. Trong quá trình chuẩn bị từ nhân lực tới người bệnh thử nghiệm hầu như khâu nào cũng  gặp khó khăn, nhưng với nỗ lực và quyết tâm của tập thể  các nhà khoa học và y, bác sĩ, ca ghép tim đầu tiên đã được thực hiện thành công, sớm hơn nửa năm so với dự định.

 

Khẳng định vai trò của KH và CN

 

Vấn đề ghép tạng của Việt Nam được các nhà khoa học quan tâm rất sớm. Từ cuối những năm 60 thế kỷ trước, GS Tôn Thất Tùng đã nghiên cứu về ghép thận, ghép gan trên động vật nhưng do chiến tranh nên bị dừng lại. Ca ghép tạng đầu tiên là ghép thận, được thực hiện vào năm 1992, nằm trong công trình KH và CN cấp Nhà nước (Nghiên cứu ghép thận trên người ở Việt Nam).  Hai năm sau khi ghép thận thành công, Việt Nam bắt đầu tiến hành ghép gan. Ca ghép gan trên người đầu tiên được thực hiện vào năm 2004, cũng nằm trong đề tài nghiên cứu khoa học cấp Nhà nước. Gần đây nhất là ca ghép tim do HVQY thực hiện thành công.

 

GS, TS Phạm Gia Khánh khẳng định: Không có chương trình nghiên cứu KH và CN trọng điểm cấp Nhà nước, không thể có kết quả về ghép tạng như hiện nay. Các nhà khoa học trên thế giới phải mất hàng nghìn đề tài nghiên cứu, trong đó có sáu nhà khoa học đoạt sáu Giải thưởng Nô-ben. Việt Nam muốn ghép tạng thành công cũng phải đầu tư nghiên cứu khoa học. Từ chọn người bệnh cho tạng đến những người được ghép, các nhà khoa học và y sĩ, bác sĩ đã thực hiện hàng trăm xét nghiệm và thủ thuật. Thời gian phẫu thuật chỉ mất hai giờ với ghép tim, ghép gan từ 10 đến 15 giờ nhưng thời kỳ theo dõi trước và sau mổ cũng như cả cuộc đời người bệnh sau này là vấn đề rất phức tạp. Ðể hoàn thiện được kỹ thuật ghép tạng, Việt Nam đã mất khoảng 50 năm với nhiều công trình nghiên cứu của các nhà khoa học, tiên phong là GS Tôn Thất Tùng và phải trải qua nhiều đề tài nghiên cứu trong chương trình KH và CN trọng điểm cấp Nhà nước. Ðó là minh chứng vì sao không thể đánh giá ngay hiệu quả của một đề tài nghiên cứu sau một vài năm.

 

Hiện nay, Việt Nam đã làm chủ được kỹ thuật ghép tạng từ người cho sống và người cho chết não mà không cần đến sự trợ giúp của nước ngoài. Phải kể đến 300 trường hợp lấy thận từ người cho sống và thận của người cho chết não với tỷ lệ sống hơn mười năm chiếm khoảng 85-90%.  Ðến nay, Việt Nam có bốn cơ sở ghép gan và đã ghép được 14 trường hợp.

 

Thành công bước đầu trong ghép tạng từ người cho chết não thể hiện nỗ lực và quyết tâm của đội ngũ các nhà khoa học và y sĩ, bác sĩ trong việc cứu sống người bệnh. Thành công này cũng khẳng định vai trò quan trọng của khoa học và công nghệ đối với sự phát triển kinh tế - xã hội của đất nước nói chung và ngành y nói riêng.

 

Việc đổi mới cơ chế quản lý, cơ chế tuyển chọn đề tài, trao quyền cho Ban chủ nhiệm chương trình đã giúp cho nhiều đề tài nghiên cứu thành công và nhanh chóng được ứng dụng vào sản xuất và đời sống.