Màu nước biển ảnh hưởng đến số lượng cơn bão
Một nhóm các nhà nghiên cứu cùng với Ủy ban Đại dương và Khí quyền Quốc gia (NOAA) Mỹ sử dụng máy vi tính để ghi lại sự thay đổi màu sắc nước biển tại Bắc Thái Bình Dương, một khu vực có số cơn gió mạnh cấp bão nhiều hơn 50% so với các khu vực khác trên thế giới.
(ảnh minh họa)
|
Kết quả nghiên cứu cho thấy nhân tố chính là sắc tố xanh lục mà nước biển mang màu khi có sự tập trung phần lớn của chất diệp lục, một sắc tố chính giúp các sinh vật tí hon được biết đến như thực vật nổi thực hiện quá trình chuyển hóa ánh sáng Mặt Trời thành thức ăn cho phần còn lại của hệ sinh thái biển.
Ông Anand Gnanadesikan, đứng đầu nhóm nghiên cứu, cho biết: "Chúng tôi nghĩ nước biển có màu xanh dương nhưng thực tế nước biển không mang màu xanh dương hoàn toàn mà thiên về xanh lục. Thực tế nước biển không mang màu xanh dương có ảnh hưởng (trực tiếp) tới sự hình thành các cơn bão."
Theo giải thích của các nhà khoa học, không có chất diệp lục, Mặt Trời xuyên sâu hơn xuống đại dương khiến bề mặt nước biển lạnh hơn. Tiếp đó, nước lạnh đến lượt nó lại gây ra những thay đổi về hình thái lưu thông không khí, tạo nên những cơn gió mạnh ở trên cao, có xu hướng "ngăn cản các cơn dông phát triển những siêu cơ cấu cần thiết để hình thành bão nhiệt đới."
Các nhà khoa học cũng cho biết quần thể thực vật nổi trên thế giới đã giảm nhiều trong thế kỷ qua. Như vậy, có thể hiểu ở những nơi nước biển mang màu xanh lá cây, nguy cơ xảy ra bão ít hơn những nơi nước biển mang màu xanh dương.
(Theo TTXVN)